Chen mua bán vàng dưới mưa
Đầu ngày 9.8, giá bán vàng SJC tại TP.HCM tăng vụt lên 44,8 triệu đồng/lượng và lên đến mức cao nhất 46,2 triệu đồng/lượng vào khoảng 11 giờ, tăng đến 2,1 triệu đồng/lượng so với ngày 8.8. Cùng ngày, giá vàng thế giới ở mức 1.768 - 1.770 USD/ounce, tăng 65 USD so với ngày 8.8.
Bất chấp trời mưa, bỏ cả công sở, người dân Hà Nội chen chúc mua - bán vàng trong ngày 9.8 (ảnh nền). Các cửa hàng thuộc nhiều thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Doji đông nghẹt khách. Dòng người mặc áo mưa nối đuôi nhau tràn ra cả ngoài đường khiến khu phố vàng Trần Nhân Tông liên tục tắc nghẽn.
Biểu đồ “giá vàng nhảy múa”. Ảnh nền: Anh Vũ - đồ họa: Hồng Sơn |
Mở cửa phiên buổi sáng, vàng SJC, vàng Rồng Thăng Long được các DN như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý niêm yết lên tới 44,5 đến 45 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 - 1 triệu đồng so với ngày 8.8. Bảng giá điện tử liên tục nhấp nháy, giá điều chỉnh tăng từng phút, khách hàng người ôm tiền, người ôm vàng căng mắt theo dõi. Trong vòng vài tiếng buổi sáng, giá vàng từ mức 44,5 triệu vọt lên mức cao nhất 46,3 triệu đồng/lượng.
Tại TP.HCM, ở các tiệm vàng xung quanh chợ Gò Vấp, Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bến Thành (Q.1), các cửa hàng, đại lý mua bán vàng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Sacombank - SBJ, Phú Nhuận (PNJ)…, lượng khách mua và bán vàng đông hơn ngày 8.8. Chị Lan (chủ tiệm vàng trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp) cho biết: “Mấy ngày trước khoảng 8 giờ 30, không có khách giao dịch nhưng hôm nay vừa mở cửa đã có sẵn 3 - 4 người chờ”. Giao dịch vàng trong ngày 9.8 tăng cao hơn so với ngày 8.8. SJC đã bán ra hơn 3.500 lượng vàng, mua vào hơn 2.500 lượng; PNJ bán ra 2.000 lượng, mua vào 1.300 lượng…
Cần sớm bình ổn thị trường Giá vàng biến động rất mạnh trong bối cảnh CPI của tháng 7 tăng cao hơn của tháng 6 (1,17% so với 1,09%) và CPI của tháng 8 được Cục Quản lý giá Bộ Tài chính dự báo vẫn còn cao hơn nữa (sau 7 tháng đã ở mức 14,61%). Điều này càng làm cho kỳ vọng lạm phát cả năm có thể vượt mức Chính phủ mới điều chỉnh (15-17%), đồng thời cũng làm cho lạm phát tính theo năm sẽ đạt đỉnh mới. Bên cạnh đó là tâm lý lo ngại khả năng tăng lên của tỷ giá VND/USD. Tình hình này đòi hỏi NHNN cần sớm có biện pháp bình ổn hữu hiệu thị trường vàng. Ngọc Minh |
Bà Trần Như My - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Doji - cho biết, trong buổi sáng 9.8, khối lượng giao dịch đạt 1.500 lượng, xu hướng mua vào buổi sáng vẫn cao, nhưng đến trưa và buổi chiều bắt đầu chững lại, khi có thông tin về việc NHNN cho phép nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường. Cộng hưởng với thông tin này, giá vàng thế giới hạ nhiệt từ mức hơn 1.770 USD/ounce xuống còn 1.750 USD/ounce đã kéo theo giá vàng SJC giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng, còn 45,2 triệu đồng/lượng.
Giá USD cuốn theo vàng
Giá USD cũng liên tục biến động trong ngày 9.8. Dù tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố vẫn không thay đổi, ở mức 20.608 đồng/USD nhưng giá bán USD của các NH thương mại đẩy lên hết trần 20.814 đồng/USD. Tuy chỉ tăng 4 đồng/USD so với ngày 8.8 nhưng đây là một diễn biến rất đặc biệt do nhiều ngày trước đó, giá USD của các NH chưa bao giờ tăng hết trần như vậy. Ở thị trường tự do, giá USD lên đến 21.100 - 21.200 đồng/USD, tăng 250 - 350 đồng so với ngày 8.8, cao hơn giá USD của NH từ 286 - 386 đồng/USD.
Theo một lãnh đạo của NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 1-2 triệu đồng/lượng, nhu cầu nhập khẩu vàng sẽ rất cao. Muốn nhập vàng thì phải mua USD tại các NH để thanh toán, nhu cầu cao sẽ kéo giá USD tăng. “Thị trường vàng diễn biến phức tạp như hiện nay, tỷ giá sẽ trở thành vấn đề khó lường trong thời gian tới” - lãnh đạo trên cho biết.
Nhập vàng can thiệp thị trường
Trưa 9.8, NHNN đã chính thức cấp phép nhập khẩu 5 tấn vàng để can thiệp thị trường. NHNN cũng thông báo sẽ cấp phép nhập khẩu thêm 5 tấn vàng nữa để bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời NHNN cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi quyết định mua vàng trước diễn biến phức tạp, khó lường của giá vàng thế giới để tránh thiệt hại không đáng có.
Thông tin này đã tác động tích cực kéo giá vàng giảm nhanh sau đó. Mức chênh lệch cao hơn của giá trong nước so với giá thế giới từ 1-2 triệu đồng vào buổi sáng đã giảm còn 500.000 - 600.000 đồng/lượng.
Theo bà Trần Như My, giá vàng thế giới đang diễn biến hết sức nhạy cảm, trong dài hạn vẫn duy trì xu hướng tăng, nhưng ngắn hạn lên xuống vài chục USD/ounce trong một phiên như ngày hôm qua kéo theo giá trong nước lên xuống theo. Người dân không nên mua vàng khi giá trong nước cao hơn giá thế giới quá lớn như hiện nay. “Chỉ nên xem xét mua vàng khi giá trong nước và thế giới bám sát nhau” - bà My khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Trúc - Tổng giám đốc Công ty vàng Agribank - cũng cho rằng để bình ổn được thị trường phải cần 10 tấn vàng. Trong thời điểm này, người nào thực sự có nhu cầu cấp thiết phải mua vàng thì cũng thận trọng chờ giá trong nước và thế giới tiệm cận nhau.
Giới đầu tư quốc tế sẽ bán vàng chốt lời Giá vàng thế giới đã tăng không ngừng trong thời gian qua khi nền kinh tế Mỹ bị tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến cảnh bán tháo trước sự lo ngại của giới đầu tư về nợ tăng lên; lạm phát tại Trung Quốc tăng cao. Các nhà đầu tư đổ xô vào mua vàng. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR vừa mua vào 23,63 tấn vàng, nâng lượng vàng nắm giữ lên 1.309,92 tấn. Từ đầu tháng 8 đến nay, SPDR liên tục mua vàng mà chưa có động thái bán ra, lượng vàng mua ròng trong tháng 8 là 46,34 tấn. Theo dự báo của Sacombank - SBJ, khả năng giá vàng thế giới sẽ điều chỉnh về 1.700 - 1.727 USD/ounce vì hiện có khả năng nhà đầu tư bán vàng chốt lời. Tâm lý thị trường trên toàn thế giới hiện nay đang hướng đến mức giá 1.800 USD/ounce. Tuy nhiên, các thị trường khác hiện đang giảm giá như chứng khoán các nước giảm mạnh, giá dầu giảm... đẩy nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư rơi vào trạng thái lỗ nên khả năng các nhà đầu tư bán vàng chốt lời để bù cho số lỗ này rất có thể diễn ra. Trong năm 2008 đã xảy ra diễn biến như vậy. |
Thanh Xuân - Anh Vũ
Bình luận (0)