Ngày đoàn tụ của 9 ngư dân

26/10/2010 23:41 GMT+7

Khoảng 10 giờ 45 sáng qua 26.10, khi tàu cứu hộ 6006 vùng 2 cập cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) đưa 9 ngư dân và lai dắt tàu cá do ông Mai Phụng Lưu (xã An Hải, huyện Lý Sơn) làm thuyền trưởng, trở về an toàn thì niềm vui bỗng vỡ òa.

Nước mắt ngày đoàn tụ

Dù đã được thông báo đến khoảng 11 giờ tàu cứu hộ 6006 mới đưa 9 ngư dân và lai dắt tàu cá QNg-66478TS về đến cảng Dung Quất, nhưng hàng trăm người đã có mặt từ rất sớm với tâm trạng hồi hộp, đợi chờ, trông ngóng.

10 giờ 37, tàu 6006 lai dắt tàu cá QNg-66478TS xuất hiện trong tầm mắt với lá cờ đỏ phần phật tung bay, mọi người reo lên: "Về rồi kìa! 9 ngư dân đã về!". Từ trên bờ, những người mẹ, người vợ, những đứa con thơ của 9 ngư dân cũng nghẹn ngào: Anh ơi, ba ơi con đây nè!...

 
 Tàu cứu hộ 6006 đưa 9 ngư dân và tàu cá QNg-66478TS vào cảng; lão ngư Nguyễn Đảng - ngư dân đầu tiên bước lên bờ (ảnh nhỏ) - Ảnh: Hiển Cừ

Bà Phạm Thị Lan, vợ thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, cứ lấy tay đè lên ngực vì quá xúc động: "Nghe tin chồng, hai đứa con trai, một đứa con rể hôm nay được tàu cứu nạn đưa về đây, cả đêm tui không sao chợp mắt được, cứ mong trời mau sáng để vô Dung Quất gặp lại chồng con".

Sau khi đón tiếp 9 ngư dân tại cảng Dung Quất, trưa 26.10, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi và UBND huyện Lý Sơn tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên và trao quà để giúp các gia đình ngư dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục bám biển. Dịp này, một số doanh nghiệp cũng đã trao quà, máy Icom cho các ngư dân. UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen cho cán bộ, chiến sĩ tàu 6006 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa 9 ngư dân, lai dắt tàu cá QNg-66478TS về đất liền an toàn.

Khoảng 10 giờ 45, khi tàu 6006 đã buộc neo, lão ngư Nguyễn Đảng (63 tuổi), người cao tuổi nhất đi trên tàu cá QNg-66478TS với mái tóc bạc trắng cũng là ngư dân đầu tiên từ tàu 6006 lên bờ, thì cảm xúc trào dâng lên tột cùng khi mọi người nhìn thấy ông cùng các ngư dân vẫn mạnh khỏe. Nhìn những giọt nước mắt mừng vui ngày đoàn tụ của gia đình 9 ngư dân đất đảo Lý Sơn, ai cũng cảm động rơi lệ.

Mọi ngày bà Lan vẫn gọi chồng bằng "ổng" dân dã mộc mạc, nhưng hôm nay bà dành cho ông Lưu những từ thương yêu nhất như thuở mới yêu: "Anh Lưu, anh Lưu, anh có khỏe không? Em mong chờ anh lắm!". Nói xong, bà ôm hôn chồng trước mọi người mà chẳng chút ngại ngùng.

Ôm con gái là Nguyễn Thị Thắng mới 6 tuổi trong tay, lão ngư Nguyễn Đảng cứ lặng lẽ nhìn vào mặt con, chốc chốc lại hôn lên má. Còn cháu Thắng thì lấy tay lau những giọt nước mắt trên má cha mình. "Tui cứ nghĩ đi chuyến biển cuối cùng trong năm để kiếm thêm ít mưu sinh như mọi chuyến biển bình thường. Không ngờ lại kéo dài gần 2 tháng. Vợ chồng ngóng trông, lo lắng, đợi chờ. Nằm ở đảo, nghĩ đến đứa con gái thơ dại là tui khóc", ông Đảng bộc bạch.

Hai lần gặp nạn  

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu kể, mới đưa tàu ra Hoàng Sa được vài ngày, lặn bắt thủy sản chưa được bao nhiêu thì đến hôm 11.9, biển nổi sóng gió nên phải cho tàu tìm nơi trú ẩn, không ngờ gặp tàu kiểm ngư Trung Quốc. Sau đó, phía Trung Quốc đưa 9 ngư dân và tàu cá về đảo Phú Lâm giam giữ.

Một tháng sau, hôm 11.10, được phía Trung Quốc thả, dù thời tiết xấu, bị thu cả máy Icom, nhưng 9 ngư dân vẫn quyết chí đưa tàu cá QNg-66478TS trở về Lý Sơn. Song mới chạy được vài hải lý thì tàu bị hư hộp số, trôi dạt tự do trên biển. Thế là một lần nữa, họ lại gặp nạn. Suốt 5 ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, các ngư dân phải dùng những tấm nylon làm buồm căng gió cho tàu chạy với hy vọng mong manh sẽ có tàu cá VN chạy ngang qua cứu. "Lúc này ai cũng nghĩ chắc là chết nhưng vẫn cố gắng chống chọi, được giờ nào hay giờ đó", ngư dân Bùi Quang Minh tâm sự.

Hy vọng được cứu cứ tắt dần, cái chết cận kề thì đến hôm 16.10, họ được tàu Trung Quốc phát hiện lai dắt về đảo Trụ Cẩu. Ở đây, 9 ngư dân sống thui thủi trên tàu cá QNg-66478TS trong điều kiện sức khỏe bị giảm sút, nhất là lão ngư Nguyễn Đảng, nên ai nấy đều mong trời yên, biển lặng, mong sớm được các cơ quan chức năng VN đưa tàu ra cứu nạn để được trở về nhà.

Chính vì thế, vào chiều 25.10, khi nhìn thấy tàu cứu hộ 6006 ra Hoàng Sa để tiếp nhận từ tàu ngư chính của Trung Quốc bàn giao, 9 ngư dân ai nấy đều nhòa lệ. Họ cũng được các y bác sĩ chăm sóc nên sức khỏe dần hồi phục và trở về đất liền bình an.

Tại buổi gặp mặt các ngư dân vào trưa 26.10, ông Cao Khoa, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cũng động viên các ngư dân yên tâm bám biển vì Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ mỗi khi gặp rủi ro. "Người dân cả nước sẵn sàng chung tay góp sức để ngư dân có điều kiện mưu sinh trên biển không chỉ làm giàu cho gia đình, xã hội mà bám biển cũng chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Khoa nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu nói như đinh đóng cột: "Đã là ngư dân không ra biển lấy gì để nuôi sống gia đình. Vì thế ngư dân Lý Sơn vẫn ra khơi đánh bắt ở vùng biển mà cha ông chúng tôi từ mấy trăm năm trước đã hy sinh để mở mang và bảo vệ". Ông Lưu cho rằng, điều mong mỏi nhất hiện nay của các ngư dân đó là nếu có gặp nạn trên biển thì các cơ quan chức năng của VN nhanh chóng can thiệp, cứu hộ cứu nạn kịp thời, có chính sách hỗ trợ hoặc cho vay vốn để sắm tàu mới.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.