|
Hồi sinh làng rèn truyền thống
Thầy Huỳnh Thế Tiến, 45 tuổi, là giáo viên dạy âm nhạc tại Trường tiểu học Thủy Lương, thị xã Hương Thủy. Ngoài thời gian ban ngày đến trường giảng dạy, đêm đêm thầy Tiến chong đèn để rèn các dụng cụ phục vụ cho nông nghiệp và sinh hoạt như liềm, rựa, dao, cuốc, xẻng…
“Đêm nào mình cũng làm từ 19 - 22 giờ, sau đó soạn giáo án cho bài giảng ngày mai. Mình làm vừa để cải thiện thu nhập vừa để khỏi nhớ nghề”, thầy Tiến giải thích và cho biết anh sinh ra ở làng nghề rèn Cầu Vực và từng được "tôi luyện" với cái nghề khắt nghiệt này từ khi còn nhỏ.
Năm 2008, thầy Tiến bắt tay viết đề án khôi phục nghề rèn truyền thống Cầu Vực, vay ngân hàng đầu tư thiết bị, máy móc để cơ khí hóa nghề rèn. Tiền vay không đủ, thầy Tiến bán đi một mảnh đất.
Từ cảnh đìu hiu, hiện toàn phường Thủy Châu có gần 30 hộ dân tham gia nghề rèn truyền thống. Đặc biệt, đầu tháng 4 vừa qua, thị xã Hương Thủy vinh dự đón nhận danh hiệu Nghề rèn truyền thống Cầu Vực - Thủy Châu do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận.
|
Sáng kiến độc đáo
Ngoài các dụng cụ truyền thống như dao, rựa, khâu liêm, cuốc, xẻng…, thầy Tiến đã cho ra đời một loại dao gọi là "dao siêu sạch". "Nó được làm bằng loại hợp kim tốt. Dao sử dụng không rỉ sét, sắc bén mà giá lại bằng với loại dao Thái Lan hiện có trên thị trường", thầy Tiến giới thiệu.
Đặc biệt, thiết bị mà thầy Tiến tâm đắc nhất là chiếc thuỗng đa năng mà thầy đã miệt mài chế tạo. Đó là chiếc thuỗng đôi có chiều dài 1,5 m, nặng 4,5 kg tích hợp một loạt chức năng như thuỗng đơn, cuốc, xẻng, cấp… tùy theo ý muốn người dùng.
Thầy Tiến nói mỗi khi lên lớp, thi thoảng thầy lồng ghép những câu chuyện về giá trị của các ngành nghề truyền thống để dạy cho các em học sinh.
"Nghề truyền thống nào cũng có nhiều thách thức. Nếu không đa dạng hóa sản phẩm, không thích nghi với thị trường thì sẽ khó được thị trường ưa chuộng. Hàng hóa không bán được thì người làm nghề sẽ nản. Mình hy vọng bà con của mình vừa giữ được sự tinh xảo của các thiết bị thủ công, vừa làm ra nhiều sản phẩm hấp dẫn thị trường", thầy Tiến nói.
Thầy Tiến còn mong ngày càng có nhiều người trở lại với nghề rèn hơn và hứa sẽ "trải thảm và dạy miễn phí" cho bạn trẻ nào đến xin học nghề.
Đình Toàn
>> Nghề rèn có nơi hành hương về đất tổ
>> Làng nghề 300 năm tuổi đón bằng công nhận làng nghề truyền thống
>> Làng nghề truyền thống có nguy cơ mất dần
>> Mai một những làng nghề truyền thống
>> Vĩnh Long: Công nhận 23 làng nghề truyền thống
Bình luận (0)