Nhà tôi có cây bạch mai, lâu nay vẫn gửi ngoài sân một quán cà phê của người em thân thiết, nhưng Tết này gần như tất cả các cây mai ở Quảng Ngãi đều nở chậm, người trồng mai và chơi mai chỉ còn biết kiên nhẫn chờ. May sao, sau Tết Nguyên đán còn Tết Nguyên tiêu, mai nở chậm ở Tết trước thì mai sẽ nở đúng vào Tết sau. Người em chủ quán cà phê nói với tôi vậy, và tôi rất vui, vì cuối cùng, cây mai của mình cũng sẽ nở hoa vào đúng một cái "Tết muộn" là Tết Nguyên tiêu.
Người Việt ở miền Bắc gọi Tết Nguyên tiêu là "Tết lại", nghĩa là ăn tết lại. Ngày đó nhiều nhà vẫn gói bánh chưng, vẫn bày mâm ngũ quả, vẫn thắp hương trên bàn thờ ông bà.
Từ nhiều năm nay, Hội nhà văn Việt Nam còn tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên tiêu. Ngày Thơ ấy lấy cảm hứng từ bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Bác Hồ, viết năm Mậu Tý 1948. Xin giới thiệu nguyên tác bài thơ ấy của Bác và bản dịch rất hay của nhà cách mạng Xuân Thủy.
Nguyên tác bài thơ của Bác Hồ:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Ông Xuân Thủy dịch bài thơ trên của Bác Hồ:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Năm Mậu Tý cách đây đã 75 năm, kỷ niệm bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ tròn 75 tuổi, rất đáng để chúng ta đọc lại và suy ngẫm cho thời khắc hiện tại.
"Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền", câu thơ kết ấy như một báo hiệu.
Ai cũng biết, trăng rằm đẹp nhất lúc về khuya, lại là cảnh trăng trên sông nước, vẻ đẹp ấy như một điều tất định, phải đến.
Điều đó có thể báo hiệu, năm nay chúng ta đừng quá sốt ruột, cứ làm việc chăm chỉ, tính toán bình tĩnh, kết quả tốt sẽ đến, dù có đến chậm chút ít. Đến chậm khác với không đến. Như hoa nở chậm, nhưng vẫn nở.
75 năm trước, Bác Hồ đã tiên đoán cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp sẽ phải kéo dài, nhưng chúng ta kiên trì chiến đấu, điều tốt đẹp sau cùng sẽ đến.
Hôm nay dất nước chúng ta không còn chiến tranh, nhưng năm Quý Mão vẫn có nhiều thách thức, thế giới vẫn chưa yên ổn vì chiến tranh chưa ngớt, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài, người lao động trên khắp địa cầu vẫn còn rất nhiều vất vả, và Việt Nam đã hội nhập với toàn cầu, như "Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân", thì chúng ta được khi thế giới được, chúng ta chia sẻ khó khăn khi thế giới phải vượt qua khó khăn.
Nhưng Lập xuân sắp đến, cùng với Tết Nguyên tiêu. Tôi nghĩ, đó là một điềm báo tốt. Tết Nguyên tiêu thì không được nghỉ Tết, nhưng năm nay, Tết Nguyên tiêu trùng ngày chủ nhật, người lao động được nghỉ trong ngày này, thì đó cũng là một trùng hợp vui. Những ngày giáp Tết Nguyên đán mưa rét đã qua, có thể Lập xuân cho chúng ta hưởng một thời tiết thuận lợi hơn, và Tết Nguyên tiêu chuẩn bị cho một thời gian nỗ lực mới. Năm nay, ngay sau Tết Nguyên đán, công nhân đã trở lại với môi trường lao động đúng thời gian, các nhà máy doanh nghiệp cũng đã vui đón công nhân cũ của mình trở lại làm việc, khác với sau Tết Nhâm Dần, người lao động phải loay hoay vất vả tìm việc làm mới sau khi dịch bệnh vừa tạm lui, còn các doanh nghiệp lại phải lo tuyển công nhân mới.
Người ta nói, năm Quý Mão chúng ta phải "Biến nguy thành cơ". Câu này hơi chung chung, bởi "biến" như thế nào không chỉ tùy thuộc vào quyết định của từng người, mà còn phụ thuộc vào tình hình của cả thế giới, nếu tính ở mức rộng nhất. Nhưng khi từng người lao động có việc làm, chăm chỉ làm việc, sáng tạo trong công việc, dù nhỏ, thì cơ hội, dù khó khăn, vẫn sẽ đến. Sự chắt chiu cơ hội, chắt chiu việc làm, chắt chiu thu nhập có thể là điểm sáng cho người lao động trong năm Quý Mão này. Chỉ với sự chắt chiu ấy, người ta mới có điều kiện thể hiện lòng nhân ái, sự quan tâm tới những hoàn cảnh người khác khốn khó hơn cần giúp đỡ. Lao động lương thiện để có tiền, thì lối sống tử tế mới được phát huy. Lối sống tử tế ấy không chỉ có ở người lao động bình thường, những người dân bình thường, mà phải có và cần có ở những công chức, những quan chức đang tại vị. Khi chúng ta có được những đồng tiền lương thiện, thì chúng ta mới có thể làm việc nhân nghĩa một cách thực chất.
Và lúc ấy, thì trăng rằm Nguyên tiêu mới thực sự đẹp, như trong câu thơ của Bác Hồ "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền".
Chúng ta cũng có thể thấy được vầng trăng đẹp ấy khi đang ở trong căn nhà nhỏ giản dị của mình.
Bình luận (0)