Ngày lịch sử ở Cuba

22/03/2016 07:53 GMT+7

Bỏ qua những bất đồng, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc hội kiến lịch sử tại Havana để cùng mở ra tương lai mới.

Bỏ qua những bất đồng, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc hội kiến lịch sử tại Havana để cùng mở ra tương lai mới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trò chuyện với người dân Cuba ở phố cổ Havana - Ảnh: AFPTổng thống Mỹ Barack Obama trò chuyện với người dân Cuba ở phố cổ Havana - Ảnh: AFP
Vào 16 giờ 19 ngày 20.3 (giờ địa phương), chuyên cơ Air Force One lần đầu tiên đáp xuống phi trường quốc tế Jose Marti, đánh dấu chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ trong nỗ lực phá băng quan hệ song phương với Cuba. Tại phi trường từng hứng bom của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thập niên 1960, Tổng thống Barack Obama bung dù bước xuống bậc thang máy bay trước sự chào đón của Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez.
Ngày 21.3 là dấu mốc mới trong quan hệ Cuba - Mỹ, với các cuộc hội đàm mặt đối mặt giữa Chủ tịch Castro và Tổng thống Obama trong nỗ lực khép lại hoàn toàn kỷ nguyên thù địch kéo dài hơn 5 thập niên qua, theo Reuters. Cuộc gặp tại Cung Cách mạng ở Havana là lần gặp gỡ thứ 4 của hai nhà lãnh đạo trong vài năm gần đây, bao gồm lần chạm mặt ngắn ngủi tại đám tang của ông Nelson Mandela ở Nam Phi vào năm 2013 và tại một cuộc hội đàm ở Panama hồi tháng 4 năm ngoái.
Trước cuộc gặp, Tổng thống Obama đã đến đặt vòng hoa tại tượng đài anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti và cùng với Chủ tịch Castro duyệt đội danh dự. Trong một khoảnh khắc mang tính biểu tượng, quốc thiều hai nước cũng đã vang lên tại lễ đón chính thức ở Cung Cách mạng. Chủ tịch Castro cũng mở quốc yến chào đón khách quý tại cung điện vào tối cùng ngày.
Ngày 22.3, ông Obama sẽ có bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trước toàn dân Cuba, và sự kiện này được đánh giá là cơ hội để hai nước nhìn lại lịch sử song phương đầy phức tạp, theo AP dẫn lời Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes.
Tháp tùng Tổng thống Mỹ là phái đoàn các giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn và 39 nghị sĩ, hứa hẹn sẽ có thêm bước tiến mới trong quan hệ song phương trong chuyến công du lần này. Và một trong những tin tức tốt lành được công bố sau khi ông Obama đặt chân đến Havana chính là Google chuẩn bị phủ thêm sóng wifi và băng thông rộng cho toàn Cuba, theo Đài ABC News.
Do vậy, không ngạc nhiên khi người dân Cuba phản ứng tích cực đối với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.
“Chuyến thăm của ông Obama là dấu hiệu chấm dứt cấm vận, đó cũng là điều mà người Cuba mong muốn nhất”, theo Đài NBC News dẫn lời một người Cuba tên Norberto Fajardo, nhấn mạnh thêm rằng dân Cuba là bạn của người Mỹ, và đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
“Thay đổi sắp diễn ra tại đây và tôi nghĩ Raul Castro hiểu điều đó”, ông Obama nói với ABC News, nhưng thừa nhận rằng mọi chuyện sẽ không xảy ra “sau một đêm”. Trước đó, phát biểu trước các nhà ngoại giao tại Sứ quán Mỹ vừa khai trương tại Havana, ông Obama nhấn mạnh: “Đây là chuyến thăm lịch sử và là cơ hội tầm cỡ lịch sử”.
Reuters dẫn lời ông Obama phát biểu rằng nếu Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge từng mất 3 ngày hành trình bằng tàu hỏa và chiến hạm mới đến được Cuba để tham dự Hội nghị liên Mỹ vào năm 1928, thì ông “chỉ mất đúng 3 giờ”.
Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó đã đưa cả gia đình đội mưa thăm thú một số nơi tại phố cổ Havana trước những cặp mắt tò mò xen lẫn háo hức của người dân. Trong một diễn biến biểu thị những vướng mắc vẫn chưa được giải quyết giữa hai nước, một người dân Cuba hô to: “Đả đảo cấm vận!” và Tổng thống Mỹ đã phản ứng bằng cách giơ bàn tay phải lên cao.
Những nỗ lực của ông Obama nhằm gỡ bỏ lệnh cấm vận tồn tại 54 năm qua đã bị giới lãnh đạo đảng Cộng hòa cản trở. Nhưng với các nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa tháp tùng chuyến thăm, ông Obama hiện hy vọng quốc hội sẽ hành động sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Theo Reuters, Điện Kremlin ngày 21.3 cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt trước tình hình quan hệ Cuba - Mỹ được cải thiện. “Nhiều thập niên quan hệ đối tác thân thiết đã gắn kết Nga và Cuba. Chúng tôi quan tâm đến việc Cuba duy trì quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia láng giềng, và trên hết là với Mỹ”, theo thông cáo từ Moscow.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.