Ngày mai xét xử vụ mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề

27/08/2015 17:18 GMT+7

(TNO) Ngày mai 28.8, Tòa án nhân dân quận Long Biên (thành phố Hà Nội) sẽ đưa ra xét xử hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, ngụ ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (36 tuổi, quê quán ở xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) do Mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.

(TNO) Chiều ngày 27.8, Tòa án nhân dân quận Long Biên (thành phố Hà Nội) cho biết, ngày 28.8 sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Mua bán trẻ em xảy ra ở chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội), theo Điều 120, Khoản 1 Bộ Luật hình sự.

Nguyệt (trái), Trang (phải)
Hai bị cáo trong vụ xét xử sơ thẩm Mua bán trẻ em xảy ra ở chùa Bồ Đề là Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, ngụ ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (36 tuổi, quê quán ở xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Theo cáo trạng, do có thai ngoài ý muốn với bạn trai, nên sau khi sinh, ngày 25.10.2013, chị Trần Thị Thu Hà (26 tuổi, quê quán huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) mang con mình đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng. Khi vào chùa, cháu bé được đặt tên là Cù Nguyên Công.
Cùng thời điểm này, Nguyệt sống chung với một người đàn ông như vợ chồng. Để giữ quan hệ lâu dài với người này, Nguyệt giả có thai và đồng thời tính kế đi xin trẻ về nuôi.
Do thường xuyên đi lễ tại chùa Bồ Đề nên Nguyệt quen biết Trang (làm quản lý tại nhà mở của chùa Bồ Đề) và nhờ cậy người này tìm cho mình một cháu trai khỏe mạnh để làm con nuôi, đồng thời hứa sẽ trả công. Ngay sau đó, Trang liên hệ và đặt vấn đề xin cháu Công về nuôi.
Để thực hiện ý đồ, Trang bảo Hà đến chùa Bồ Đề xin lại con để đưa cho mình. Đồng thời Trang báo cho Nguyệt ở chùa Bồ Đề có một bé trai sơ sinh, nếu muốn nhận nuôi thì phải chi tiền.
Tới ngày 2.1.2014, sau khi nhận được bé Công, Nguyệt đưa cho Trang 35 triệu đồng. Số tiền này Trang gửi cho Hà 10 triệu đồng, còn mình giữ lại 25 triệu đồng. Đến tháng 6.2014, cháu Công bị bệnh sởi nên Nguyệt đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Do biết trẻ dưới 6 tháng tuổi được giảm viện phí nên Nguyệt nhờ người quen là nhân viên y tế tại xã Kim Hải (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) xin cấp giấy chứng sinh cho cháu bé và lấy tên Phạm Gia Bảo. Tuy nhiên, do bệnh quá nặng, cháu Công đã tử vong vào ngày 24.6.2014.
Tới ngày 19.3.2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố hai bị can là Trang và Nguyệt cùng về hành vi trên.
Ngày 13.5, Viện Kiểm sát nhân dân quận Long Biên đã hoàn tất cáo trạng truy tố đối với Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi “Mua bán trẻ em” theo Điều 120, Khoản 1 Bộ Luật hình sự, đồng thời chuyển sang Toà án nhân dân quận Long Biên để đưa ra xét xử
xử.
Liên quan tới vụ án này, Tòa án nhân dân quận Long Biên đã một lần trả hồ sơ lại để điều tra xem có hay không hành vi lừa đảo của Phạm Thị Nguyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.