Ngày mất Trịnh Công Sơn, nhớ Khánh Ly

01/04/2016 07:53 GMT+7

Tôi chỉ nhớ, hồi năm 14 tuổi, từng bảo bố tua đi tua lại bài Người già em bé , Huế - Sài Gòn - Hà Nội . Năm 16 tuổi, tôi cùng chúng bạn hát vu vơ Ngẫu nhiên .

Hôm nay, 1.4, đúng 15 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người yêu mến ông ở những bầu trời khác nhau đều nhớ ông, và chắc chắn trong số đó có nữ ca sĩ Khánh Ly.

Khánh Ly trong một buổi tập nhạc tại Hà Nội hồi tháng 1.2016
Lần đầu tiên tôi gặp Khánh Ly ngoài đời là ngày bà về Hà Nội chuẩn bị cho liveshow Gọi tên bốn mùa hồi tháng 5.2015. Chúng tôi có nói chuyện điện thoại với nhau trước liveshow một ngày, bà gọi tôi là em, xưng cô. “Em nói to lên, cô nghe không rõ. À, cô đang rửa ít khoai lang để luộc. Khoai lang, xôi ngô, sở trường của cô đấy”, đó là những từ đầu tiên chúng tôi nói với nhau.
Tôi và Khánh Ly còn nhiều cái “đầu tiên” khác. Lần gặp gỡ đầu tiên, tôi gặp Khánh Ly ở phòng chờ nhà hát, 1 giờ đồng hồ trước khi “Gọi tên bốn mùa” bắt đầu. Bà ôm tôi, một cái ôm rất chặt, “Em, em đã ăn tối chưa?”.
Lần đầu tiên tôi đón Khánh Ly ở sân bay là ngày bà về Việt Nam, chuẩn bị cho đêm nhạc Cúi xuống thật gần tại Đà Nẵng, thế nhưng bà đáp máy bay xuống Hà Nội sớm hơn mấy ngày, bà muốn đến thăm con đường mới được gắn biển tên: đường Trịnh Công Sơn.
Tôi vẫn còn nhớ, ngày hôm đó Khánh Ly mặc một bộ đồ màu trắng, chiếc dây buộc tóc cũng màu trắng. Tôi, anh tài xế và ca sĩ Quang Thành - người trợ lý của bà - chậm rãi bước sau, Khánh Ly đi trước, rồi đứng dựa lưng vào một tấm biển tên đường, mắt rạng ngời nhìn về hàng cây bằng lăng đang trổ hoa tím ngắt. “Cô mừng lắm, hạnh phúc lắm. Cô đã được đi trên đường Trịnh Công Sơn ở Huế, ở Sài Gòn, và bây giờ là Hà Nội. Ông Sơn xứng đáng được yêu thương nhiều như thế”.
       Khánh Ly hạnh phúc trên đường Trịnh Công Sơn, Hà Nội

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly có phải người tình của nhau không? Nhiều người hỏi, bao nhiêu năm qua, và lần nào về nước, cũng có phóng viên hỏi bà về tình cảm thật sự giữa bà và cố nhạc sĩ tài hoa. Nhẫn nại và nhân hậu, dịu dàng và thân tình, bà lắc đầu: “Giữa tôi và ông Sơn không phải là tình yêu”, “Nói Trịnh Công Sơn yêu tôi thì tội cho ông ấy quá”; “Ông Trịnh Công Sơn tôi xem như người thầy, người anh. Cha tôi cho tôi hình hài, ông Sơn cho tôi cuộc sống và một cái tên đối với đời”, “Tôi biết ông Sơn không yêu ai hết. Ông Sơn chỉ yêu một người là mẹ của ông. Đó là tình yêu duy nhất”…
Tôi vẫn nhớ, tôi từng hỏi Khánh Ly, lần bà về thăm lại Đà Lạt hồi tháng 9.2015, cảm xúc của bà như thế nào khi về lại chốn xưa, nơi bà khởi nghiệp ca hát ở phòng trà Anh Vũ và là nơi định mệnh để lần đầu tiên bà gặp Trịnh Công Sơn.
Khánh Ly im lặng vài giây rồi nở một nụ cười rất nhẹ: “Đi đâu tôi cũng gặp lại những hình ảnh trong quá khứ. Phong cảnh có thể không còn như xưa, nhưng tôi vẫn mường tượng ra góc này, tôi, ông Sơn và các bạn cùng hát say sưa, nơi kia tôi từng nằm những gốc thông, ngửa mặt nhìn bầu trời đầy háo hức ”.
Khánh Ly sinh ra ở Hà Nội nhưng chỉ ở đó đến năm 9-10 tuổi, ký ức về thành phố này còn mờ nhạt. Đà Lạt thì khác, là tuổi trẻ, là khát vọng, đam mê. Bà say và yêu nhạc của Trịnh Công Sơn đến mức bỏ cả phòng trà Anh Vũ với thu nhập ổn định để theo ông Trịnh Công Sơn về Sài Gòn, hát cho sinh viên nghe, không một đồng thù lao, nhưng đó là những ngày rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân.
Bố tôi bảo, Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất, riêng nhạc Trịnh, bố tôi chỉ nghe bà hát. Tôi không phải là một người mê đắm nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi cũng tự nhận mình không phải là một người sành nhạc Trịnh để cảm được hết những ẩn ý, những triết lý sâu xa trong mỗi ca khúc của ông.
Tôi chỉ nhớ, hồi năm 14 tuổi, từng bảo bố tua đi tua lại bài Người già em bé, Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Năm 16 tuổi, tôi cùng chúng bạn hát vu vơ Ngẫu nhiên. Năm 20 tuổi, có khi trong cả một buổi sáng, máy nghe nhạc chỉ phát đi phát lại Nhớ mùa thu Hà Nội và đến năm 22 tuổi, vừa nghe Mưa hồng đã thấy nước mắt rơi trong một buổi chiều thấy mình rất cô đơn.
Nhà riêng của Khánh Ly tại Mỹ có cây khế, giếng nước 
Giờ này, bên Nam California, Khánh Ly đang làm gì? Tôi đoán nếu không cùng các sơ đi thăm các em nhỏ ở trại trẻ mồ côi, thì ở nhà riêng, chắc bà đang xem cây rau ngót có bị sâu ăn, cây khế đã trổ hoa, vại dưa cà đã lên men. Biết đâu, sớm 1.4, người phụ nữ vừa múc gầu nước từ chiếc giếng khơi trong vườn nhà để khỏa lên đôi mắt đã rưng rưng. Đã 15 năm, ông Trịnh Công Sơn về nơi cát bụi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.