Trịnh vẫn hiện diện giữa đời…

31/03/2016 17:57 GMT+7

Ngày mai (1.4) là đúng 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một ngày rất đáng nhớ với những ai yêu nhạc Trịnh, dù ở trong hay ngoài nước, dù ở quốc gia nào, tâm tưởng của người yêu nhạc vẫn hướng về ông...

Trịnh Công Sơn bên hiên nhà nay là Gác Trịnh (Huế) - Ảnh Gia Tân chụp lạiTrịnh Công Sơn bên hiên nhà nay là Gác Trịnh (Huế) - Ảnh Gia Tân chụp lại
Ngày mai (1.4) là đúng 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một ngày rất đáng nhớ với những ai yêu nhạc Trịnh, dù ở trong hay ngoài nước, dù ở quốc gia nào, tâm tưởng của người yêu nhạc vẫn hướng về ông. Hướng về với một người đã khuất, bởi tư tưởng, tình cảm và những điều ông gửi gắm trong ca từ, trong từng nốt nhạc còn đọng rất sâu trong tâm khảm của mỗi người, vì thế theo cách nhìn của tôi, ông vẫn hiện diện mãi giữa đời…
1. Nhưng xin gửi gắm một điều: Người Việt có tục thắp nén nhang giỗ người đã mất trước một ngày người ấy ra đi. Vì thế, trong buổi sáng nay, tôi không thể nào không viết về ông, như một lời tri ân thành kính. Bởi với tôi, nhìn vào bất cứ góc khuất nào ở trên đất nước này, từ thành phố đến thôn quê, cùng với tấm lòng yêu thương những thân phận người, Trịnh vẫn như đang đâu đó. Trong một đêm sáng trăng, người ta có thể thấy vẳng đâu đây nhạc của ông, hóa ra bên bờ ruộng xanh, có nhóm thanh niên ôm đàn guitar say sưa hát những tình khúc bất hủ của ông, trong ngọn gió đầu hè, hay buổi chiều thu muộn…
Tôi có một người anh bà con, vốn là nông dân ở làng quê xa xôi của Gio Linh, Quảng Trị. Anh yêu nhạc Trịnh, và anh thờ Trịnh. Một nơi trang trọng trong ngôi nhà nhỏ, giữa căn chính diện là bàn thờ tổ tiên, còn phía bên trái, nơi cái bàn viết nhỏ mà anh dùng để viết những điều suy nghĩ của mình, hoặc những bài thơ khi đêm về sau một ngày làm lụng vất vả, anh đặt đóng riêng một chiếc tủ nhỏ và trong đó bức ảnh của Trịnh mà anh sưu tầm, được trang trọng lồng kính. Trong những nốt nhạc Trịnh từ một cái máy cũ kỹ, tư tưởng anh mặc sức đuổi theo Hạ trắng, Ru ta ngậm ngùi, Đêm thấy ta là thác đổ
Đến thăm nhà anh, trong một lần về quê. Anh soạn một mâm bia và anh mở nhạc để mời tôi thưởng thức. Tôi lặng người nghe những nốt nhạc Trịnh trong chiều, khi gió ngoài cánh đồng thổi vào vi vút, bên góc vườn những khóm địa lan dịu dàng tỏa hương, mà anh trịnh trọng đặt tên là “Ẩn lan”, bỗng nghe rợn ngợp đến vô cùng. Và tôi ngước nhìn vào bức ảnh ưu tư của Trịnh, thấy anh viết một dòng tưởng-niệm-của-riêng-mình: “Chút kỷ niệm về ông - người nhạc sĩ tài hoa mà tôi ngưỡng vọng nhất”, rồi ký tên mình…
2. Tôi có chút cơ duyên, vào năm 1998, khi đến quán Ba Miền cùng với một nhà thơ và 2 nhà báo kỳ cựu ở Báo Thanh Niên. Gặp ông ngồi trong góc quán, với một chai rượu, và cánh tay gầy khẳng khiu, vầng trán rộng, ông nâng ly sóng sánh nhắp từng ngụm nhỏ. Khi ấy, tôi hình dung ông đang viết nhạc, hay nghĩ về những ca từ. Một nhạc sĩ đang viết nhạc với rượu Chivas, và không có cây đàn nào bên cạnh. Nhưng tôi tin, mỗi buổi như thế, khi ra về ông lại có một bản nhạc hay dành tặng cho đời…
Buổi tối hôm ấy, tôi đã liều mạng cầm ly rượu qua bàn ông xin được cụng ly, và tôi nói rằng "em xin hát bài Ướt mi của anh được không", ông ậm ừ vì không biết tôi là ai. Nhưng rất đơn giản, tôi chỉ là người yêu và thích hát nhạc của ông, thế thôi. Và tôi cất tiếng hát. Trong hơi rượu say, tôi cố gắng hát cho chuẩn. Ai dè, ông nói "hát được đó, cũng truyền cảm…". Cũng trong buổi tối hôm đó, tiếp sau tôi là nhà báo Đặng Ngọc Khoa hát những bản nhạc trong tập Ca khúc da vàng của ông. Khoa uống và hát, và ông có vẻ rất phấn khích gõ nhịp. Thành ra có một buổi tối vui, khi trở lại căn phòng trọ, tôi và Khoa thấy sướng râm ran suốt đường về…
3. Ngày 1.4.2001, tin ông ra đi lan truyền rất nhanh, nhưng hôm đó là ngày Cá tháng tư, nên vẫn có nhiều người nghi hoặc. Nhiều người không tin, và tôi cũng không tin. Có lẽ niềm yêu mến Trịnh đã khiến cho mọi người không tin đó là sự thật. Nhưng rồi ông đã ra đi, như tất cả mọi người trên trái đất này, tàu cũng đến ga cuối cùng…
15 năm, một khoảng bằng ¼ thời gian Trịnh sống giữa đời này, nhưng ông có biết đâu, một đêm khuya cách đây hai năm, cũng vào ngày 1.4, khi cùng vài người bạn uống rượu trở về, trong đêm khuya tôi chợt nghe nhà ai bật nhạc của ông, và trong tôi bật ra mấy câu thơ, lặng lẽ tưởng niệm Trịnh, như bao người yêu nhạc ông vô bờ. Tôi đã nhẩm những dòng thơ ấy đến thuộc lòng:
… Chúng tôi ngồi với những nốt nhạc Trịnh
Lặng lẽ rơi
Đâu đây ánh mắt buồn ngoài cõi người
Thân phận cũ mòn
Rượu ánh lên màu mắt khói sương
Trịnh về mông mênh
Mà vẫn luôn là da vàng
Mà vẫn luôn là cát bụi
Tình cờ rơi xuống
Đêm!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.