Ngày sức khoẻ tâm thần thế giới: Người trẻ dễ khủng hoảng hơn trong đại dịch Covid-19

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/10/2021 14:08 GMT+7

Trong một thế giới đầy biến động, con người rất dễ bị gục ngã nếu như sức khỏe tâm thần không đủ mạnh. Đại dịch Covid-19 không chỉ đánh bại những người có thể chất yếu, mà người tinh thần yếu cũng dễ bị 'hạ gục'.

Tổng đài 111 hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ em trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát

A.T

Đó là nhận định của chuyên gia nhân Ngày Sức khoẻ tâm thần thế giới 10.10, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tới toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống mỗi cá nhân, đặc biệt là những người trẻ.

Ít người quan tâm tới sức khoẻ tâm thần

Bác sĩ Tô Xuân Lân, chuyên khoa 2 ngành Tâm thần học, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho biết bất cứ lúc nào sức khỏe tâm thần cũng có vai trò vô cùng quan trọng với con người. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra và chưa biết khi nào sẽ kết thúc thì con người càng cần phải "chăm sóc" nó nếu muốn vững vàng để tồn tại.

"Theo Tổ chức y tế thế giới, sức khoẻ của con người gồm 3 yếu tố tạo nên: thể chất, tâm thần và các mối quan hệ xã hội. Hiện chúng ta chỉ lưu ý đến thể chất, các mối quan hệ xã hội mà bỏ quên chăm sóc và rèn luyện sức khỏe tâm thần. Đó là lý do mà chúng ta dễ bị căng thẳng, hoảng loạn, trầm cảm trước những khó khăn và biến cố. Có không ít người khi biết mình nhiễm Covid-19 hay mắc bệnh hiểm nghèo, đã trở nên sợ hãi, suy sụp và điều đó khiến cho bệnh tật nặng hơn và dẫn đến tử vong", bác sĩ Lân nhận định.

Sức khỏe tâm thần của con người luôn phải được đặt ngang hàng với quan tâm về sức khỏe thể lý, thậm chí còn quan trọng hơn.

Tiến sĩ Lê Minh Công

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng việc quan tâm đến đời sống tinh thần, sức khỏe tâm thần của con người luôn phải được đặt ngang hàng với sức khỏe thể chất, thậm chí còn quan trọng hơn. "Việc quan tâm đến sức khoẻ tinh thần là phải thường xuyên, ngay cả khi chúng ta đang khỏe mạnh chứ không phải đến khi rơi vào khủng hoảng, nguy cơ hay khi có các rối loạn tâm thần mới bắt đầu để ý", tiến sĩ Công cho hay.

Người trẻ dễ bị khủng hoảng hơn

Trong một buổi tư vấn tâm lý trực tuyến cho sinh viên do Phòng Không gian chia sẻ của Trường ĐH Quốc tế TP.HCM tổ chức, sinh viên N.T.H cho biết thời gian giãn cách, ở nhà quá lâu khiến giữa cô và cha mẹ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. "Em và mẹ thường xuyên cãi nhau vì bất đồng quan điểm. Rồi dịch ba mẹ không bán được hàng, khó khăn về tài chính nên rất hay cáu gắt. Cứ nhìn thấy em là mẹ lại không vừa ý chuyện này chuyện kia, mà em thì nóng tính. Có hôm em bỏ ăn cơm vì ngồi vào bàn là lại cãi nhau. Em cảm thấy rất ức chế, chán ăn và mất ngủ. Em muốn đi học để thoát khỏi không gian nặng nề này mà không biết bao giờ mới được đi học trở lại. Ở nhà mãi thế này, em bị trầm cảm mất", N.T.H chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tính, người chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho sinh viên của một số trường ĐH trong ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay đó là một trong rất nhiều câu chuyện mà người trẻ gặp phải trong dịch Covid-19 và hầu như các bạn không biết cách làm thế nào để giải quyết do tuổi còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm.

Theo tiến sĩ Lê Minh Công, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tâm thần của con người. Đặc biệt, những người trẻ tuổi, thanh thiếu niên dẽ bị khủng hoảng hơn do tuổi còn nhỏ, chưa có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm xử lý trước các tác động của xung quanh.

Một buổi chuyên gia tâm lý tư vấn trực tuyến cho sinh viên trong thời gian giãn cách

CHỤP TỪ CLIP

"Thanh thiếu niên là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Giãn cách xã hội do dịch Covid-19 khiến các em phải ở nhà, gặp các xung đột với người thân, phải học trực tuyến trong thời gian dài, có em phải chịu sự mất mát do người thân tử vong vì Covid, có em phải trải nghiệm cảnh bạo lực gia đình. Nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ bị mồ côi cha mẹ trong đại dịch sẽ có nguy cơ rối loạn tâm thần gấp 4 lần trẻ bình thường. Những ảnh hưởng này dẫn đến căng thẳng, khủng hoảng, lo âu, rối loạn tâm thần... Nhẹ thì nó biến mất khi cuộc sống trở lại bình thường, nhưng nếu kéo dài thì sẽ thành bệnh lý cần phải chữa trị", tiến sĩ Công phân tích.

Chính vì thế, theo tiến sĩ Công, ngay khi bạn trẻ cảm thấy thường xuyên lo lắng, cảm thấy choáng ngợp, khó tập trung, tính khí và tâm trạng thất thường, khó chịu hoặc dễ nổi nóng, khó thư giãn, ăn nhiều hơn hoặc ít hơn... thì cần phải nhận biết đó là các dấu hiệu cho thấy sức khỏe tâm thần của mình đang bị ảnh hưởng. "Phải luôn lắng nghe bản thân, để khi các em nhận ra nó thì chúng ta hoàn toàn có thể tự chữa lành, bằng cách thay đổi nhận thức, tập ngồi thiền, viết nhật ký, đọc những cuốn sách nhẹ nhàng tích cực, kết nối với những người có tư duy tích cực, không đọc tin tức xấu. Ngoài ra cần vận động thể chất, ăn ngủ điều độ... Tất cả những điều này bạn trẻ phải thực hành và rèn luyện thường xuyên mới có thể tự mình giúp mình mỗi khi có nguy cơ hay biến cố xảy ra", tiến sĩ Minh Công chia sẻ.

Bác sĩ Tô Xuân Lân cũng cho rằng tuổi trẻ chưa có nhiều trải nghiệm nên dễ bị khủng hoảng tâm lý, tinh thần hơn cả trong đại dịch Covid-19 hay trong bất cứ biến cố nào. Do đó, bác sĩ Lân khuyên bạn trẻ nên chịu khó tích lũy kinh nghiệm, tôi luyện tinh thần để có thể tự mình xử lý được các tình huống gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, tránh rơi vào trạng thái "bệnh", sẽ phải điều trị rất khó khăn và lâu dài.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người - Hãy biến nó thành hiện thực

Hôm nay, trên trang web của Tổ chức Y tế thế giới đã nói về Ngày sức khỏe tâm thần thế giới như sau: "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người - Hãy biến nó thành hiện thực”

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần của con người. Tuy nhiên, vẫn có lý do cho sự lạc quan. Trong kỳ Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5.2021, các Chính phủ trên khắp thế giới nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng các dịch vụ sức khỏe tâm thần có chất lượng ở tất cả các cấp. Và một số quốc gia đã tìm ra những cách mới để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân của họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.