Ngày tàn của game online?

25/07/2010 02:42 GMT+7

Nếu các kiến nghị theo hướng siết chặt quản lý trò chơi trực tuyến (game online) trở thành quy định chính thức, ngành công nghiệp game vừa mới manh nha phát triển ở VN có thể sẽ lụi tàn. * Kinh nghiệm quản lý của các nước châu Á * Ý kiến doanh nghiệp: Khách hàng sẽ chuyển sang chơi game nước ngoài * Không thể cấm tuyệt đối

Kiến nghị của UBND TP.HCM: Siết chặt và không khuyến khích 

UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý game online (GO).

Theo đánh giá của UBND TP, số GO trên địa bàn TP.HCM phát triển khá nhanh, từ 2 GO được cấp phép năm 2006 đến nay đã lên đến con số 65. Cũng theo UBND TP, đa số các GO đều có những tác hại nhất định đối với người chơi, thể hiện rõ ở tính bạo lực, cờ bạc, khiêu dâm, kích dục và gây nghiện. Do đó UBND TP kiến nghị không khuyến khích phát triển GO vì những tác hại và yếu tố gây nghiện của nó; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ban hành và công khai tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và cờ bạc. Sau đó Bộ tổ chức thẩm định lại các GO đã cấp phép lưu hành và chỉ cho phép lưu hành các GO không mang tính bạo lực, cờ bạc, khiêu dâm. Cần thẩm định nghiêm ngặt và không cấp phép cho các GO mang nội dung bạo lực, cờ bạc, kích dục; khuyến khích sản xuất GO trong nước có nội dung phù hợp với văn hóa VN…  

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong 3 tháng 9, 10, 11.2010 các bộ, ngành liên quan tổ chức 3 đợt tổng kiểm tra các nhà cung cấp dịch vụ GO, các cửa hàng kinh doanh trò chơi trực tuyến và kinh doanh băng đĩa loại này trên toàn quốc để có cơ sở thực tế cho việc báo cáo với Quốc hội.

Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM (đơn vị tham mưu cho UBND TP.HCM về vấn đề này) - cho biết những kiến nghị như quản lý người chơi tương tự như quản lý thuê bao điện thoại cố định. Theo đó chỉ có chủ hộ được quyền đăng ký cho các thành viên gia đình sử dụng; một gia đình chỉ được một thuê bao chung để chơi GO; các doanh nghiệp thực hiện cấp số đăng ký chỉ được chơi 3 giờ/ngày cho tất cả các trò chơi. Việc dừng hoạt động của hệ thống máy chủ GO từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau chỉ là một biện pháp kỹ thuật, doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị để cấp thẻ trò chơi. Với thẻ này, người chơi có thể sử dụng ở bất kỳ nơi đâu nhưng đã bị hạn chế ở mức 3 giờ/ngày cho tất cả các trò chơi. Các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau để phát hành thẻ. Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng đủ thì không thể tham gia thị trường.

Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: Bộ TT-TT vẫn chưa đưa ra những tiêu chí để thẩm định nội dung các GO mặc dù Sở đã nhiều lần kiến nghị. Vì vậy khi cấp phép không thể đánh giá được mức độ bạo lực của từng trò chơi; người chơi và gia đình cũng không được cảnh báo về mức độ bạo lực của game. Hiện Sở TT-TT đã tự xây dựng các tiêu chí này và công khai yêu cầu doanh nghiệp tự phân loại. Bản thân Sở TT-TT - với sự thận trọng và khách quan - cũng sẽ đánh giá 43 GO đang lưu hành trên địa bàn vốn đã được xác định có hành vi bạo lực. Sau đó sẽ căn cứ vào mức độ bạo lực để có biện pháp kiểm soát như yêu cầu ngừng hành vi vi phạm đó (doanh nghiệp phải cắt bỏ những cảnh bạo lực - PV)… “Tuy nhiên các biện pháp quản lý nêu trên vẫn chỉ là giải pháp phần ngọn nếu vẫn còn số lượng GO được cấp phép nhiều như hiện nay mà không có tiêu chí cụ thể để thẩm định và để cảnh báo”, ông Lê Mạnh Hà nói.  

Thị trường lớn nhất Đông Nam Á

Theo đánh giá của Hiệp hội phần mềm VN (Vinasa), VN là thị trường GO lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với gần 20 nhà phát hành trên cả nước, doanh thu năm 2009 là 130 triệu USD. Còn theo đánh giá của Bộ TT-TT tại hội thảo lấy ý kiến về Thông tư quản lý GO vào tháng 5.2010, trong những năm gần đây ngành công nghiệp game và nội dung số VN đã phát triển rất nhanh. Số doanh nghiệp phát hành GO tuy chưa nhiều nhưng với doanh số lớn và tăng trưởng nhanh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số.

Theo yêu cầu của Sở TT-TT TP.HCM, 14 doanh nghiệp đang cung cấp 65 GO trên địa bàn phải gửi báo cáo kết quả đánh giá GO theo các tiêu chí mà Sở đưa ra trước ngày 27.7. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo hoặc chậm báo cáo sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 28/2009/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị cần có đánh giá tác động xã hội của GO trước khi cấp phép, tương tự như đánh giá tác động đến môi trường của một dự án. Hơn nữa, các GO có nội dung lành mạnh vẫn có yếu tố gây nghiện nên phải cấm quảng cáo dưới mọi hình thức, tương tự như cấm quảng cáo rượu, thuốc lá; tăng cường vai trò của địa phương trong thẩm định và xử lý vi phạm ở lĩnh vực GO…    

Tất cả game sẽ bị loại bỏ?

Sở TT-TT TP.HCM kiến nghị phân loại các GO dựa trên 3 nhóm tiêu chí:

- Nhóm tiêu chí bạo lực căn cứ theo vũ khí sử dụng và hoạt động đâm chém bắn giết đơn lẻ hay có tổ chức trong trò chơi, bao gồm 6 mức độ:

+ Mức 1: Đánh nhau tay không (không có vũ khí), bao gồm cả đánh nhau đơn lẻ và đánh nhau có tổ chức (tập hợp thành băng nhóm, bang hội).

+ Mức 2: Đâm chém cá nhân, đơn độc (sử dụng vũ khí lạnh như dao, kiếm...).

+ Mức 3: Đâm chém có tổ chức (tập hợp thành băng nhóm, bang hội... sử dụng vũ khí lạnh như dao, kiếm...).

+ Mức 4: Bắn giết cá nhân, đơn độc (sử dụng vũ khí nóng như súng...).

+ Mức 5: Bắn giết có tổ chức (tập hợp thành băng nhóm, bang hội... sử dụng vũ khí nóng như súng...).

+ Mức 6: Giết người hàng loạt.

- Nhóm tiêu chí bạo lực căn cứ theo đối tượng bị chém giết trong trò chơi, gồm có 3 nhóm: tiêu diệt các vật thể (máy bay, tàu vũ trụ...); tiêu diệt ác quỷ, quái vật và tiêu diệt con người.

- Nhóm tiêu chí bạo lực căn cứ vào góc độ nhập vai của người chơi, có 3 góc độ: nhập vai tích cực (cảnh sát, người tốt...); nhập vai tiêu cực (kẻ khủng bố, người xấu...); nhập vai không rõ ràng (đâm chém bắn giết không cần phân biệt tốt xấu, ví dụ trong các game kiếm hiệp, giữa bang này với bang kia).

Theo ông Trần Phương Huy - Phó giám đốc Công ty đầu tư và phát triển công nghệ thông tin VTC Intecom - bảng phân loại game trên còn chưa hợp lý, thiếu cơ sở đánh giá khách quan, khoa học. Nếu chiếu theo các tiêu chí này thì hầu hết các sản phẩm GO hiện đang cung cấp tại VN đều bị loại bỏ, kể cả những trò chơi điện tử trên máy Nintendo 4 nút du nhập vào VN từ những năm 1980. Theo ông Huy, để xây dựng hệ thống phân loại game phù hợp, VN nên nghiên cứu, tham khảo các bảng đánh giá xếp hạng được thừa nhận ở tầm quốc tế như ESRB (Mỹ) hay PEGI (châu u). “Điều cơ bản là tìm ra cách quản lý phù hợp để mỗi loại GO cung cấp đúng đối tượng khách hàng thực sự của nó, hạn chế trẻ em tiếp cận với sản phẩm GO chỉ dành cho người lớn”, ông Huy nói.

Phan Hậu

Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: Không thể cấm tuyệt đối

Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh việc quản lý GO, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho rằng, các GO có hai mặt tốt và xấu, nhưng dù chỉ có mặt tốt thì chơi quá nhiều cũng trở thành có hại.

Theo ông Hải, trong môi trường mở như internet, dù trong nước cấm tuyệt đối cũng chưa chắc giảm thiểu ảnh hưởng từ GO khi người chơi tìm đến các server (máy chủ) tại nước ngoài. “Công tác quản lý ngoài việc tập trung vào các đơn vị phân phối phát hành và điểm truy cập internet, còn phải có sự hài hòa giữa nhiều yếu tố. Chúng ta không thể cấm đoán triệt để mà chỉ có thể áp dụng các nhóm giải pháp làm gia tăng tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực, lấy tích cực lấn át tiêu cực của GO”, ông Hải nói.

Về kiến nghị và các tiêu chí phân loại game bạo lực của UBND và Sở TT-TT TP.HCM, ông Hải cho biết đó là ý kiến mang tính tham khảo, hội đồng soạn thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến sẽ sàng lọc, chọn ra tiêu chí phù hợp nhằm xây dựng quy chế cụ thể, hoàn chỉnh và minh bạch nhất. Tuy nhiên, ông Hải đánh giá cao đề xuất của UBND TP.HCM về việc quản lý người chơi tương tự như quản lý thuê bao điện thoại cố định. Trong điều kiện chưa có hệ thống thông tin điện tử xác thực và phân loại trò chơi phù hợp theo từng độ tuổi, cách quản lý như thế có thể kiểm tra xem mỗi cá nhân chơi bao nhiêu giờ trong một ngày.

Ông Hải nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của hội đồng soạn thảo quy chế là luôn khuyến khích doanh nghiệp VN đầu tư nhân lực, công nghệ nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm GO tích cực, lành mạnh. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp góp phần hình thành, phát triển ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số; không chỉ đóng góp ngân sách đáng kể vào nền kinh tế trong nước mà còn có thể tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế không phải là yếu tố quyết định mà phải đặt trong sự tương quan giữa các giá trị tổng thể như giải quyết việc làm, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu giáo dục, giải trí lành mạnh...

Phan Hậu (ghi)

Mai Phương


Ý kiến doanh nghiệp: Khách hàng sẽ chuyển sang chơi game nước ngoài

Nhóm thiết kế game dã sử thuần Việt Thuận Thiên Kiếm của VNG  - ảnh: C.T.V

Trao đổi với Thanh Niên, một số doanh nghiệp phát hành GO cho rằng hiện vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể về những tác động thật sự của GO đối với xã hội, hay con số cụ thể về thanh thiếu niên nghiện GO. Hơn nữa, cần phải xem xét một cách toàn diện trên nền tảng chung của giáo dục gia đình và nhà trường, các tác động xã hội khác chứ không nên đổ lỗi hoàn toàn cho một hình thức giải trí nào.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT cho rằng, việc cấp số đăng ký cho người chơi và một số đăng ký chỉ được chơi 3 giờ/ngày cho tất cả trò chơi là rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Muốn quản lý được thời gian đối với tất cả các trò chơi mà game thủ tham gia thì phải liên thông dữ liệu của tất cả các nhà phát hành lại với nhau. Hoặc quản lý việc đăng nhập của game thủ qua một trang trung gian, bất cứ game nào cũng phải đăng nhập qua đó. Tất cả những giải pháp này, hiện tại công nghệ của VN đều chưa đáp ứng được.

Còn việc bắt buộc phải dừng hoạt động của hệ thống máy chủ GO từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, doanh nghiệp phát hành GO sẽ gặp khó khăn. “Với số lượng máy chủ lớn, đảm bảo phục vụ tốt cho những game mà chúng tôi đang phát hành, đây quả thực là một thiệt hại không nhỏ. Hình thức này sẽ khiến công việc hằng ngày của chúng tôi tăng lên rất nhiều, từ việc tắt bật các thiết bị, sửa lỗi cơ sở dữ liệu do việc khởi động thường xuyên gây ra, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Đồng thời, khi không thỏa mãn được nhu cầu giải trí của game thủ trong nước, đặc biệt là các game thủ đã ở tuổi trưởng thành, chỉ có thời gian rảnh sau giờ làm việc và có xu hướng chơi game sau 23 giờ, chúng tôi sẽ mất đi một lượng khách hàng lớn. Chưa kể tới sự chênh lệch múi giờ khiến các game thủ đang sống tại nước ngoài không thể tham gia game trong khoảng thời gian cho phép. Vô hình trung, toàn bộ khách hàng này sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài” - ông Dũng nói. Đây cũng là ý kiến của nhiều nhà phát hành và khách hàng GO: Các kiến nghị quản lý GO của UBND TP.HCM liệu có quản lý được những GO của nước ngoài đang lưu hành trên internet và người chơi tại VN vẫn dễ dàng tham gia? Theo ông Trần Phương Huy - Phó giám đốc Công ty đầu tư và phát triển công nghệ thông tin VTC Intecom - khi nhu cầu chơi game rất lớn mà doanh nghiệp trong nước bị hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ, người chơi chắc chắn sẽ tìm đến các sản phẩm GO phiên bản quốc tế, thậm chí là các GO Việt hóa do nhà phát hành nước ngoài cung cấp mà không cần có sự đồng ý của các cơ quan quản lý của VN.

Và đó chính là lúc cáo chung của ngành công nghiệp GO non trẻ của VN.

Ông Dũng nhấn mạnh, tất cả doanh nghiệp tất nhiên phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng để có được biện pháp quản lý GO khả thi nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình. Một doanh nghiệp phát hành GO khác tại TP.HCM thì ủng hộ việc thành lập hội đồng cũng như ban hành tiêu chí để thẩm định nội dung GO. Vì hiện nay để được phát hành một GO, doanh nghiệp đã phải hoàn tất rất nhiều yêu cầu về nội dung, về kỹ thuật của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là các cơ quan phải thống nhất với nhau về những quy định này và sẽ được áp dụng chung trên toàn quốc. Đặc biệt, phải có sự thống nhất trong nhận định thế nào là bạo lực trong GO.              

Kinh nghiệm quản lý của các nước châu Á

Ngày 1.8 tới, Trung Quốc sẽ bắt đầu áp dụng quy định mới trong quản lý GO, khi số người chơi tại nước này đã lên tới 105 triệu tính đến tháng 4.2010 (thống kê từ Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc). Theo tờ China Daily, với quy định mới, khi muốn chơi bất kỳ một GO nào người chơi phải đăng ký tên thật với những thông tin cá nhân có giá trị pháp lý. Quy định không cho phép những người dưới 18 tuổi mua bán vật dụng trong game bằng tiền ảo và cấm các nhà cung cấp đưa ra các loại game không phù hợp với lứa tuổi này.

Ngoài ra, luật mới còn cấm nhà phát hành game tạo ra sự đối kháng bắt buộc giữa người chơi để lôi cuốn họ, đồng thời yêu cầu các công ty game phải phát triển kỹ thuật để hạn chế giờ chơi của trẻ dưới 18 tuổi. Hồi đầu tháng 7, Bắc Kinh cũng đã ban hành lệnh cấm các công ty GO thực hiện những chương trình quảng cáo bị cho là dung tục, khiếm nhã.

Từ năm 2005, chính quyền Trung Quốc đã ra quy định hạn chế giờ chơi GO là 3 giờ mỗi ngày đối với tất cả mọi người, nhưng đến năm 2007, quy định này được nới lỏng, chỉ còn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi. Theo đó, sau 3 giờ chơi được quy định, nếu người chơi tiếp tục chơi nữa thì sẽ mất phân nửa điểm tích lũy và mất hết điểm nếu chơi thêm hơn 5 giờ.

Tháng 4.2010, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch nhằm cấm trẻ em trong độ tuổi đi học chơi game vào ban đêm. Theo Reuters, luật này quy định thanh thiếu niên sẽ bị cấm chơi game từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã yêu cầu các nhà cung cấp game đến cuối năm nay phải đưa ra các giải pháp ngăn chặn trẻ em chơi game cũng như hạn chế giờ chơi của người lớn. Chính phủ đã yêu cầu các nhà cung cấp game kiểm soát số thẻ căn cước của người chơi đồng thời cho phép phụ huynh kiểm tra xem số căn cước của mình có bị con em dùng để chơi game sau khi hết giờ quy định hay không.

Tại Thái Lan, chính quyền đã ra quy định mỗi ngày trẻ em dưới 15 tuổi được chơi GO tối đa đến 8 giờ tối và từ 15-18 tuổi thì được chơi tới 10 giờ tối.

Văn Khoa

M.Phương - P.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.