‘Ngày tận thế’ từng ập xuống địa cầu

24/10/2022 19:15 GMT+7

Khoảng 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh bề ngang 10 km đã đâm xuống bề mặt trái đất, kích hoạt những cơn sóng thần cao hơn 1.600 m và gần như cuốn sạch mọi thứ.

Mô phỏng vụ tấn công của tiểu hành tinh hủy diệt các loài khủng long

Shutterstock

Thời điểm đó, sự kiện tuyệt chủng trên diện rộng đã xảy ra cho trái đất, tiêu diệt khoảng 80% sự sống trên bề mặt địa cầu và nhấn chìm hành tinh xanh vào bóng tối tưởng chừng như vô tận. Trong số này có toàn bộ các loài khủng long không thuộc họ chim.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu phát hiện cái gọi là tiểu hành tinh Chicxulub còn kích hoạt “siêu sóng thần” chiều cao hơn 1.600 m trên toàn cầu, theo báo cáo thông tin về mô hình tái hiện siêu sóng thần được đăng trên chuyên san AGU Advances.

Bên cạnh việc xâu chuỗi những chi tiết về ngày tận thế của các loài khủng long, các nhà nghiên cứu của Đại học Montclair (thành phố Clifton, New Jersey, Mỹ) cho biết phát hiện mới cung cấp hiểu biết thêm về tình trạng địa chất vào cuối Kỷ Phấn Trắng.

Chân dung sóng thần hủy diệt loài khủng long

Sau khi tiểu hành lao xuống và tạo nên hố va chạm gần bán đảo Yucatan ở Mexico, đội ngũ nhà khoa học phát hiện hai giai đoạn nước biển dâng: sóng vành và sóng thần.

“Nếu bạn thả một hòn đá vào vũng nước, chùm nước bắn tung tóe ngay ban đầu chính là sóng vành”, theo nhà khoa học Molly Range của Đại học Michigan, người chịu trách nhiệm xử lý bản thảo và trả lời truyền thông về báo cáo.

Bản thân những đợt sóng ban đầu này đã đạt đến độ cao không tưởng là 1.600 m, và đó là thời điểm trước khi sóng thần thực sự ập đến, mà theo ước tính của báo cáo phải cao hơn mức đó.

Sau 10 phút đầu tiên kể từ thời điểm va chạm, toàn bộ những mảnh vụn vật chất liên quan đến tiểu hành tinh hoàn toàn rơi xuống vùng vịnh của Mexico. Hố va chạm hình thành và lúc đó sóng thần bắt đầu càn quét đại dương với tốc độ của một máy bay phản lực.

Tiểu hành tinh xóa sổ các loài khủng long

afp/getty

“Đa số Bờ Đông của Bắc Mỹ và bờ bắc của châu Phi chứng kiến sự xuất hiện của sóng thần cao hơn 8 m. Và sóng thần tràn qua Thái Bình Dương”, nhà khoa học Range cho biết.

Bà Range đề cập đến cơn sóng thần khét tiếng ở Indonesia vào năm 2004, xuất hiện sau trận động đất 9,2 độ Richter ở bờ tây của phía bắc Sumatra, khiến hơn 200.000 người thiệt mạng.

Những trận động đất sinh ra từ vụ va chạm đạt đến cấp hơn 11 độ Richter. Nếu so với sóng thần năm 2004, nhà khoa học Mỹ cho hay siêu sóng thần cách đây 66 triệu năm đã phóng thích năng lượng cao gấp 30.000 lần.

Còn vụ va chạm tạo ra nguồn năng lượng ở mức độ tàn phá, tương đương sức công phá của 10 tỉ quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.

Mô phỏng vụ va chạm

eos

Địa cầu rung chuyển suốt nhiều tháng

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thẩm định các chứng cứ địa chất nhằm nghiên cứu đường đi và sức mạnh của siêu sóng thần.

Đồng tác giả báo cáo Ted Moore tìm được những bằng chứng phản ánh sự xáo trộn trong các lớp trầm tích của những cao nguyên trong lòng đại dương và dọc theo các bờ biển tại hơn 100 địa điểm. Điều này ủng hộ kết quả của các mô phỏng do nhóm thực hiện.

Tác giả báo cáo Hermann Bermúdez, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ của Đại học Montclair, phân tích các mẫu đá thu thập trên thềm biển ở địa phận của hố va chạm. Kết quả cho thấy địa cầu tiếp tục rung chuyển suốt nhiều tháng kể từ khi tiểu hành tinh lao xuống.

Ông Bermúdez quyết định quay lại Mexico để nghiên cứu thực địa với hy vọng có thể ước tính được mức độ của trận siêu động đất khi xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.