Ngày Tết ghé nơi chôn cất, thờ tự hơn 100 con cá voi của người miền biển

Phạm Đức
Phạm Đức
05/02/2022 13:01 GMT+7

Ngư dân ở Hà Tĩnh xem cá voi như là thần “hộ mệnh” hoặc “vị cứu tinh” giúp đỡ họ mỗi khi gặp nạn trên biển. Vì thế mà khi cá voi chết, người dân làm lễ chôn cất, thờ tự cá không khác gì con người.

Cá voi được vua ban sắc phong

Nằm sát kè biển thôn Bắc Hải (xã Cẩm Nhượng, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có một miếu thờ được người dân xây dựng khá khang trang. Đây không phải là nơi thờ tự của một dòng họ nào đó mà là nơi thờ hơn 100 con cá voi (hay còn gọi là cá ông) bị chết, được người dân địa phương phát hiện, trải dài trong suốt hàng trăm năm qua.

Miếu Đức Ngư Ông ở xã Cẩm Nhượng

PHẠM ĐỨC

Người dân ở nơi này đặt tên là Miếu Đức Ngư Ông, có lịch sử khoảng 600 năm. Miếu được xây dựng trên diện tích hơn 2.000 m2 và hiện có hơn 100 con cá voi bị chết được ngư dân chôn cất và thờ tại đây. Bên trong khuôn viên có các điện thờ cá voi, được đặt các tên gọi khác nhau như: Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần, Đức Cá Ông, Đức Cá Bà, Đức Cậu và Đức Cô. Miếu cũng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2007.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng ban quản lý Miếu Đức Ngư Ông, cho biết được thờ chính tại đây là một con cá voi có công lớn hộ giá vua khi gặp nạn trên biển. Tương truyền trong một lần vua Lê Thánh Tông cùng tùy tùng đi thuyền rồng trên biển, bất ngờ gặp nguy hiểm vì bão tố nổi lên.

Khi đó, một con cá voi lớn xuất hiện hộ giá, đẩy thuyền của vua vào bờ an toàn. Nhà vua sau đó đã ban sắc phong con cá này là Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần và cho lập miếu thờ cúng.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng ban quản lý Miếu Đức Ngư Ông

PHẠM ĐỨC

“Miếu được lập nên là vì lý do này và từ đó về sau, ngư dân mỗi lần ra khơi đều đến đây để cầu an, cầu may. Ngư dân chúng tôi coi cá voi như là thần hộ mệnh nên mỗi khi phát hiện cá voi bị chết thì đều trục vớt, đưa về chôn cất tử tế tại miếu này”, ông Phương kể.

Theo ông Phương, ngư dân địa phương khi thấy cá voi chết trên biển thì gọi điện báo cho Ban quản lý miếu để chuẩn bị các thủ tục lo hậu sự. Trước khi chôn cất, cá voi được dùng nước sạch và rượu để khâm liệm. Nếu trên đầu cá có chữ thập thì được đặt tên là Đức Cá Ông hoặc Đức Cá Bà. Còn những con không có chữ thập trên đầu thì phải tung đồng xu.

Một phần mộ cá voi được đặt tên là Đức Cậu

PHẠM ĐỨC

Nếu cả hai lần đồng xu đều thể hiện một mặt dương thì đặt tên là Đức Cậu, được hiểu là con cá đực. Ngược lại đồng xu hai lần cùng lật mặt âm thì là cá cái, được đặt tên là Đức Cô. Xong thủ tục khâm liệm, cá được đưa ra khu đất trống cạnh miếu để chôn cất.

“Một lễ an táng diễn ra khoảng 3 tiếng, kinh phí hết khoảng 400.000 đồng. Ngư dân nào phát hiện cá voi chết thường sẽ tự bỏ tiền để lo hậu sự. Với các trường hợp khác, ban quản lý miếu sẽ trích tiền công đức để làm. Cá voi mới chôn cất đều được làm lễ cúng hương đăng, hoa quả vào các thời điểm 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày, giỗ đầu” như con người, ông Phương giải thích.

Thờ cá voi để thể hiện lòng biết ơn

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho hay miếu Đức Ngư Ông là di tích thiêng liêng được bà con ngư dân dày công gìn giữ. Hàng năm, chính quyền luôn huy động xã hội hóa và trích kinh phí để tôn tạo miếu.

“Việc chôn cất và thờ tự cá voi là nét văn hóa của người Việt nói chung và của ngư dân xã Cẩm Nhượng nói riêng. Đó cũng là lòng thành kính như để thể hiện lòng biết ơn đối với cá voi đã luôn hỗ trợ ngư dân thoát khỏi hiểm nguy khi đánh bắt trên biển”, ông Hùng tâm sự.

Ngư dân Hà Tĩnh chôn cất cá voi tử tế khi phát hiện cá lụy vào bờ

PHẠM ĐỨC

Không chỉ ở xã Cẩm Nhượng mà tục thờ cá voi hầu như có khắp các làng biển ở Hà Tĩnh. Đó là một dạng thức thờ vật linh, nhiên thần, vị thần độ mạng cho những người đi biển nhằm đem đến nhiều may mắn cho ngư dân làm nghề đánh cá, ra khơi vào lộng. Chính vì thế, nhiều xã ven biển khác ở Hà Tĩnh cũng có đền thờ cá voi. Ở đâu, người dân cũng quan tâm đến công tác tôn tạo, trùng tu.

Miếu thờ cá voi hầu như đều có tại các xã ven biển của Hà Tĩnh

PHẠM ĐỨC

Như ở xã Thạch Hải (H.Thạch Hà, Hà Tĩnh), địa phương này có hơn 75% số hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Vì thế, tín ngưỡng thờ cá voi ở đây rất được coi trọng. Cho đến nay, đã có 5 xác cá voi dạt vào bờ biển của xã này và tất cả đều được ngư dân chôn cất tử tế tại một khu vực nghĩa trang dành riêng cho cá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.