Xôi nóng, bánh rán nếp nướng
Con đường từ homestay ở trung tâm thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) đến khu chợ len qua những ngôi nhà gỗ đơn sơ - nơi có chú gà trống với bộ lông rực rỡ chạy đôn chạy đáo. Chỉ chưa đầy 20 phút thả bộ, chúng tôi đã thấy mình đứng giữa chợ.
Dù đã phần nào được “cách tân” theo kiểu miền xuôi với những dãy nhà bán hàng lợp tôn cao rộng, nhưng chợ ở đây vẫn mang đậm nét núi rừng: những chiếc gùi đựng rau xanh còn đọng sương xếp hai bên lối vào khu chợ; những chú dê ngoan ngoãn đứng yên cho ông chủ chào bán; một con gà nhơ nhỡ được cậu bé choai choai ôm gọn trên tay...
Đến đây, du khách miền xuôi sẽ bị “dụ dỗ” bởi những chiếc bánh rán tẩm đường tròn căng được xếp từng lớp bên cạnh chảo dầu nóng sôi. Chỉ 20.000 đồng có thể mua được 4 - 5 chiếc bánh rán thơm lừng được làm từ bột nếp, đậu xanh, đường mía. Cũng chỉ 10.000 - 15.000 đồng, thực khách đã được một hộp xôi nếp nướng dẻo ngon ăn cùng thịt băm nhỏ rang khô hoặc ruốc (chà bông) làm từ thịt heo.
tin liên quan
Cam Xã Đoài tiến vua: Vì sao hiếm và đắt thế?Bánh cuốn chan... mềm môi
Nếu chậm rãi hơn, thực khách có thể thưởng thức bánh cuốn chan - món riêng có ở vùng cao. Vừa dẻo tay múc bột trải một lượt mỏng lên chiếc khuôn tròn, bà chủ quán bánh cuốn vừa thủng thẳng: “Bánh làm bằng bột gạo xay ướt, sau đó gạn lấy nước trong, bột mịn lắng lại để làm bánh. Chẳng cần thêm gì, chỉ cần tỷ lệ nước - bột vừa đủ là tráng được bánh”. Ông chủ nhanh nhảu bảo: “Ở dưới xuôi có bánh cuốn chấm, còn trên này có bánh cuốn chan”.
Bánh cuốn chan thu hút bởi vị ngon hết sức mộc mạc, bày biện chân phương. Nhân có vị thơm ngon của nấm hương rừng cùng thịt lợn và mộc nhĩ băm nhỏ, xào chín. Tất cả những nguyên liệu sẵn có của miền rừng núi quyện lại nằm gọn ghẽ trong những miếng bánh tráng mỏng, mềm mà vẫn có độ dai đủ để ôm gọn nhân bánh.
Thứ bánh này còn rất “đáng nhớ” bởi hương thơm mới từ bột gạo nương. Không có màu trắng tinh như bánh cuốn dưới xuôi, cũng không trắng trong như bánh cuốn thị thành, bánh cuốn chan của vùng núi cao đậm, ngọt, thơm từ bột gạo nương không hề trau chuốt mà vẫn mềm mịn khi đưa lên môi. Ngay cạnh lò tráng bánh là nồi nước dùng ninh từ xương heo thơm ngậy, rắc thêm chút hành hoa, nước dùng được múc chan cho mỗi suất bánh làm nên món bánh cuốn chan ngon lạ.
Cũng là lượt bột gạo mịn trong khuôn, bà chủ thả vào đó một lòng đỏ trứng gà rồi rải đều, chiếc bánh cuốn nóng ngả màu vàng rộm. “Trẻ con trên này hay được ăn như vậy cho cứng cáp, mau lớn”, bà chủ giải thích.
Thơm lừng món nướng trên đỉnh Mã Pí Lèng
Lên Hà Giang những ngày cuối đông, khi cái rét đã trở nên sâu hơn, cảm nhận các đầu ngón tay buôn buốt, chính là lúc không thể bỏ qua những món nướng nóng hổi trên đỉnh Mã Pí Lèng.
Trên cung đường đèo hiểm trở, dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng ở độ cao 1.200 m so với mặt nước biển, du khách không chỉ chiêm ngưỡng cao nguyên đá kỳ thú mà còn thỏa sức thưởng thức những món nướng thơm ngon. Chị bán hàng với chiếc khăn thổ cẩm chít trên đầu, hai má hồng rực bởi hơi ấm từ bếp than hồng và kế bên là nồi ngô luộc nóng hổi luôn tay phục vụ thực khách. Dù bận bịu với cuốn sổ nhỏ và cây bút ghi chép thực đơn, tính tiền nhưng chị vẫn kịp thời chuyển đến khách nào thịt xiên, khoai nướng, ngô dẻo...
tin liên quan
Ấm sực bánh trôi tàu, chè nóng giữa đông lạnhChúng tôi vẫn nhớ xiên thịt đậm ngon của thớ thịt nạc quyện với vị ngầy ngậy của miếng mỡ khổ lát mỏng. Đặc biệt, những chiếc lá mắc khén được xếp xen kẽ giữa các lát thịt khiến xiên thịt thơm đến khó tả. Ăn món nướng trên đỉnh Mã Pí Lèng, nếu không cẩn trọng thực khách có thể bỏng rẫy tay bởi những củ khoai nướng trên bếp than hồng.
Đặc sản ở Mã Pí Lèng còn có món trứng nướng độc đáo. Món này đòi hỏi sự khéo léo của chủ bếp vì nếu không canh chừng, lửa quá nóng sẽ làm trứng nứt vỡ. Với chiếc vỉ sắt đặt trên bếp than hồng, chủ bếp phải sắp xếp mẻ trứng ở mé ngoài đủ để chín trứng mà vẫn nguyên vẹn.
Khi khách gọi món, những quả trứng có vỏ màu vàng nhạt, sem sém đốm vàng sậm sẽ được lựa chọn để phục vụ. Hương vị thơm bùi của lòng đỏ trứng nướng giữa đỉnh Mã Pí Lèng cứ mãi làm lữ khách thương nhớ.
Bình luận (0)