Ngày Tết nhanh như… chớp mắt?

30/01/2025 08:38 GMT+7
0:00
00:00
Bài đầy đủ
Ngọc Huyền

Chọn giọng đọc

Đang sum vầy, đoàn tụ trong quấn quýt yêu thương, trong ấm áp gia đình tương hợp ngập tràn hạnh phúc rồi mai mốt đây thôi, người thân vội vã xách ba lô lên xe trực chỉ về phía thành phố. Hết Tết!

Tôi có lần thể hiện trạng thái bàng hoàng trong một bài thơ khi thấy thời gian chóng vánh: "Đang lầm lũi giữa đời thường cơm áo/ Chợt ngẩng lên, trời đất đã xuân rồi". Đó là thời gian của những ngày tháng chẳng ai để ý vì bận riết róng, bù đầu bù cổ trong cuộc mưu sinh. Chứ thời gian "Tết" thì thôi khỏi nói, còn nhanh hơn gấp bội.

Ngày Tết nhanh như… chớp mắt?- Ảnh 1.

Cữ 22 tháng Chạp thì người ta còn có vẻ thong dong

ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN

Dĩ nhiên, với thời gian thì không một phép màu nào có thể xê dịch tới lui nhanh chậm vì nó được định lượng rõ ràng, gọi là thời gian vật lý. Còn thời gian tâm lý được đo bằng đồng hồ "tâm trạng" với những vui buồn hờn giận ghét yêu.

Đây là loại đồng hồ mà dù muốn hay không ai cũng được đấng tạo hóa dí vào tay một cái, xài miễn phí khỏi mất tiền mua, khỏi lo hư hỏng và "buộc" phải mang theo suốt đời. Đồng hồ này đo đếm phút giây theo cơ chế cảm xúc. Vui thì nó chạy nhanh; khi nhớ nhung, hẹn hò, đợi chờ, trông ngóng, buồn bã, sầu tư, bức bách, khắc khoải… thì nó trôi chậm chạp, dềnh dàng, lê thê, trôi cứ như trêu ngươi, tưởng chừng mỗi giờ đi qua là cả một ngày ròng rã, khác nào "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại".

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00

Hà Nội vắng vẻ, yên bình lạ kỳ sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ 2025

Lại câu chuyện thời gian của Tết. Tháng Chạp, cữ 22 thì người ta còn có vẻ thong dong, dù thỉnh thoảng vẫn hỏi nhau "Tết tới đâu rồi?". Nhưng thật lạ! Khuya 22, cúng tiễn ông Táo về trời xong, mới nằm lơ mơ đã thấy… lờ mờ con số 23 chập chờn nhảy múa trên tấm lịch chính mình đã gỡ sau cái bái lạy cuối cùng đưa ông Táo lên Thiên đình. Hình như ai cũng ngầm hiểu: Tết bắt đầu từ ngày 23.

Ngày Tết nhanh như… chớp mắt?- Ảnh 2.

Một góc chợ hoa ngày Tết

ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN

Vậy nên sau con số 23 người ta thường gắn từ "Tết" vào. Ai cũng nói 23 Tết, rồi 24 Tết, 25 Tết… với những hối hả, cuống cuồng, chộn rộn, đi thì lật đật lầy đầy, về nhà cũng… lầy đầy lật đật. Năm nay càng lật đật hơn năm ngoái vì "ông" làm lịch "tự tiện" cắt bớt một ngày, rằng tháng Chạp chỉ có 29 thôi. Khuya 29 là nhảy tót qua giao thừa năm mới. Ông nào hát tặng bồ: "Anh đến thăm em đêm ba mươi" nên coi lại vì hổng chừng bị người đẹp chê là không… cập nhật thời gian.

Cứ lôi cái xóm nhỏ của tôi ra mà kể cũng biết bao nhiêu chuyện. Cánh phụ nữ nháo nhào ra chợ với những cá mắm, ớt cà, rau trái… Bán xong thì tới hàng nọ hàng kia mua nếp, mua đường, mua đồ Tết rồi nhanh chân quảy gánh ra về. Giữa đường hỏi dọ người quen mua những gì rồi? Đủ chưa?

Vừa nghe câu trả lời thì nói chết chết, ông nhà tui dặn mua thứ này thứ kia mà tui quên mất. Tới nhà uống chưa hết ly nước lại sớn sác bắt vịt, gà cột chưn cột cánh, cắp rổ chạy le te ra chợ bán nhanh mua lẹ rồi đem về "cho ổng đơm bàn thờ", cho "thằng hai trang hoàng nhà cửa", cho "thằng Cu thử bộ đồ mới có vừa không".

Tết, ngoài đường lộ xe cộ đông đúc, xe chạy nhanh hơn, còi xe to hơn và "gay gắt" hơn ngày thường. Trong xóm, người người xôn xao đi mua hoa chưng Tết. Ngã ba, ngã tư nào cũng có vài cái loa kẹo kéo của mấy người bán pháo bông, bán chổi lông gà, hoa giấy, hoa nhựa… cứ rền vang câu hát "Tết tết tết tết đến rồi…" nghe đầy thúc giục, nghe như ai liên tục đẩy sau lưng.

Giao thừa thì đã cố định giờ khắc. Nhích một giây là mùng một, coi như xuân vừa hé. Người có thâm niên kinh nghiện ăn Tết thì nói mùng một tết phai, mùng hai Tết tàn, mùng ba úa vàng, mấy mùng sau đó là tả tơi rơi rụng. Tất cả chỉ vì thời gian tâm lý khống chế. Đang sum vầy, đoàn tụ trong quấn quýt yêu thương, trong ấm áp gia đình tương hợp ngập tràn hạnh phúc rồi mai mốt đây thôi, người thân vội vã xách ba lô lên xe trực chỉ về phía thành phố. Ngày xuân thoáng chốc, ngày Tết qua mau như cái chớp mắt.

Ngày Tết nhanh như… chớp mắt?- Ảnh 3.

Trong xóm, người người xôn xao đi mua hoa chưng Tết...

ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN

Có cách nào thoát khỏi tâm trạng ngày Tết qua nhanh như "con én đưa thoi" không? Theo tôi, câu trả lời là "có". Phải hiểu Tết để làm chủ nó, chầm chậm thưởng thức nó, kéo dài nó, không cho nó lôi mình đi xềnh xệch tới mướt mồ hôi, không để nó quay mình như chong chóng. Một triết gia từng nói sống lâu không bằng sống sâu. Ta hãy hòa cùng Tết, lắng nghe Tết, hiểu Tết, sống với Tết trọn vẹn từng giây một.

Chẳng hạn ngồi trước thềm thong thả đánh bóng bộ lư đồng, thấy nó sáng lên từng phút. Khi ấy thời gian sẽ ngồi lại, thư thả cùng ta ngắm bộ lư mặc áo mới. Rồi tới công việc quét dọn bàn thờ, thành kính khi chưng bình hoa, soạn mâm ngũ quả. Từng khoảnh khắc Tết "bị" ta hút vào "miền" tưởng nhớ tổ tiên. Thời gian bị ta "bắt dính" vào từng chữ lúc treo câu đối đỏ, biến thành công cụ để ta nghe rõ Tết, nhẩn nha ăn Tết mà không hề có cảm giác bị thời gian truy đuổi.

Thời gian tâm lý chỉ mềm mại với những ai không thô bạo với nó. Theo nghĩa đó, thời gian sẽ "ngưng đọng" khi ta hiểu chất đốt khiến Tết mau hóa thành tro chính là "cồn". Nói nôm na: "Biết Tết qua nhanh hãy phanh bia rượu". Uống càng ít, thời gian sống với Tết, chơi với Tết càng nhiều.

Ngày Tết nhanh như… chớp mắt?- Ảnh 4.

Ngày Tết qua mau như cái chớp mắt

ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN

Men xuân lâng lâng có sẵn trên búp mai, trên nụ đào, trong nụ cười, trong gió xuân, trong đôi mắt người thân. Chứ mùng một mà uống "líp ba ga", mắt mở không ra, nói "để ta nằm một chút" mà lút cả ngày, tỉnh dậy đã… mùng hai. Đi "phạc ma xi" mua thuốc uống cho hết nhức đầu để ăn Tết tiếp. Đầu hết nhứt thì đã mùng bốn mùng năm. Lúc này người thì ra đồng, người thì xuống biển, người xách ba lô đi làm ăn xa. Thôi xong! Tết nhứt gì nữa?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.