Những "quẻ bói" thơ được gắn trên cành đào trong Ngày thơ VN 2023 là sáng kiến của NXB Trẻ và nữ nhà thơ, cũng là dịch giả thơ Nguyễn Thụy Anh. Bốc một "quẻ bói", đọc lên một câu thơ trên đó, để từ đó đoán xem năm mới mình sẽ thế nào. Những cái tên Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh… đều có mặt trong các "quẻ" này. Với công chúng, thơ như mở ra một thời vận của năm mới. Nguyễn Thụy Anh tiết lộ chị làm điều này với tinh thần để công chúng trẻ đến tương tác.
Nhà thơ Vũ Quần Phương, trong hội thảo về thơ thuộc khuôn khổ Ngày thơ năm nay, ngay từ đầu phát biểu đã công nhận một thực trạng "tràn trề" các câu lạc bộ (CLB) thơ trong cả nước. "Nước ta ở đâu cũng có CLB thơ, mà vào CLB rồi là nhà thơ", ông Phương nói và bày tỏ băn khoăn, vì: "Thơ chưa đạt chuẩn vẫn mang ra thị trường. Thơ bị ế. Các hiệu sách không nhận bán thơ nữa. Số người làm thơ tăng, sách thơ tăng nhưng người đọc thơ giảm chưa từng có". Ông cũng gợi ý đến việc các NXB làm sao để "phanh" bớt việc in thơ dở lại.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, băn khoăn về việc liệu có phải thơ đang bị quần chúng hóa, hay CLB hóa hay đang bị thần bí hóa không. Lớn hơn, ông đặt câu hỏi: "Thơ ca có xé rách màng thực dụng để người ta nhìn thế giới long lanh như nó vốn có hay không?".
Đi trong không khí thơ năm nay tại Hoàng thành Thăng Long có thể thấy mong muốn đưa thơ đến gần người trẻ hơn, gần công chúng hơn của ban tổ chức. Nhưng cũng thấy có những cách làm, cách nghĩ còn cũ, còn xa tầm tay người đọc. Một trong những điều như thế là trưng bày Nhà ký ức của Bảo tàng Văn học VN. Trong gian trưng bày này có rất nhiều máy chữ nhưng không ai rõ mỗi chiếc máy chữ kỷ vật đó có câu chuyện riêng gì. Tiểu sử của các nhà thơ được giới thiệu theo công thức nhưng không có câu chuyện của những câu thơ họ để lại cho đời. Trưng bày không kể chuyện Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, cũng chẳng có chuyện ngày bé làm thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa, nguyên mẫu chiếc lá diêu bông của Hoàng Cầm… Trong khi đó cảm xúc của những câu thơ đó cần biết mấy. Thơ có ở lại cùng người, cùng đời không là nhờ vậy.
Nhìn như vậy để thấy rất cần nhân lên không khí tiếp xúc thường xuyên với thơ như "ngày hội làng" mà các CLB thơ đang nhân rộng. Cũng thấy, Hội Nhà văn VN cần có nhiều hoạt động đọc thơ ấm áp, bên cạnh những ngày thơ chỉ diễn ra vào tháng giêng. Tiếp xúc thơ hay nhiều lên, thơ dở mới dần mất, chuẩn thẩm mỹ cũng thay đổi theo. Sự tiếp xúc này rất cần được thực hiện một cách tự nhiên, như việc NXB Trẻ mang cành đào thơ đến với công chúng vậy.
Bình luận (0)