Ngày trọng đại của Mỹ

04/11/2008 00:15 GMT+7

Ngày bầu cử hôm nay 4.11, năm nay có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử Mỹ khi lần đầu tiên xảy ra một trong hai trường hợp: hoặc một chính khách trẻ da màu lên ngôi nguyên thủ quốc gia, hoặc một nhân vật nữ đầu tiên trở thành phó tổng thống.

Dân chúng Mỹ đã đáp lời kêu gọi "CHANGE" (Thay đổi) của cả hai ứng viên mà đặc biệt là ứng viên Barack Obama, khi qua các thăm dò cho thấy, số lượng cử tri đến phòng phiếu sẽ tấp nập nhất trong vòng mấy thập niên qua.

Đòn tấn công cuối cùng

Hai ngày cuối cùng của cuộc vận động tranh cử cho thấy thế yếu của liên danh McCain-Palin khi chỉ gắng "cố thủ" một số tiểu bang vốn từng là thành trì của Cộng hòa, nay đang bị tấn công tơi tả. Giọng điệu của ông John McCain nghe có vẻ yếu ớt: "Chúng ta chỉ còn thua đối phương vài điểm, nhưng chúng ta có thể lật ngược thế cờ". Trong khi đó, sức trẻ từ ứng viên Dân chủ Obama bộc lộ hẳn qua đợt tấn công tổng lực bằng hình thức quảng cáo rộng khắp nhắm vào những bang từng dành phiếu cho Tổng thống George W.Bush trong cuộc bầu cử năm 2004. Điểm thấy rõ nét nhất là phe Dân chủ muốn có một chiến thắng vang dội và áp đảo đối phương nên đã "dám" đánh vào thành lũy cuối cùng của ông McCain. Đó là bang quê nhà của ông McCain, Arizona, nơi trước đây ông Obama còn "chừa" lại, chưa nghĩ tới.

Thông điệp cuối cùng của ông Obama cũng tập trung vào chữ "CHANGE" khi ông đưa ra lời kêu gọi trên hệ thống radio toàn liên bang: "Nếu các bạn bỏ phiếu cho tôi vào ngày thứ ba này thì chúng ta không chỉ chiến thắng trong cuộc bầu cử này, mà chúng ta sẽ cùng nhau THAY ĐỔI đất nước này, thay đổi thế giới này". Lời nhắn nhủ xem chừng đánh đúng vào tâm lý của cử tri Mỹ đang mong đợi 2 điều: thay đổi và hy vọng.

Những chuyển hướng vào giờ chót đầy ý nghĩa

Cử tri gốc Việt bầu cho McCain hay Obama?

Câu hỏi này đến ngày bầu cử đã khó trả lời, nhưng cách đây khoảng nửa tháng, khá đông người gốc Việt, nhất là những người lớn tuổi, có khuynh hướng ủng hộ ông McCain. Có điều cần biết là số phiếu bầu của người gốc Việt ở bang California hay bang Texas đều không ảnh hưởng mấy đến kết quả của cử tri đoàn. California là bang cứ địa của đảng Dân chủ (55% cho Obama so với 33% cho McCain) nên dù người gốc Việt có dồn hết phiếu cho ông McCain thì 55 phiếu cử tri đoàn của California vẫn thuộc về ông Obama. Trong khi đó, Texas là bang thành trì của đảng Cộng hòa (57% ủng hộ McCain, 38% hậu thuẫn Obama) nên 34 phiếu cử tri đoàn khó thoát khỏi tay ông McCain.

Trong ngày 4.11, cử tri Mỹ cũng còn bầu một số Thống đốc, nghị sĩ Quốc hội liên bang và tiểu bang cùng nhiều chức danh địa phương. Riêng tại Quận Cam, kỳ này có 13 ứng viên người gốc Việt ra tranh cử, trong đó có 1 người tái tranh cử dân biểu tiểu bang, còn lại tranh cử vào các hội đồng thành phố, hội đồng học khu...

Bang Montana nằm về phía tây bắc Mỹ. Đây là một bang có cư dân thưa thớt nên chỉ có 3 phiếu cử tri đoàn (tương đương với 2 thượng nghị sĩ và 1 dân biểu).

Montana được xem là thành lũy đáng tin cậy của đảng Cộng hòa nên các ứng viên ít quan tâm đến và trong các cuộc thăm dò dư luận khi nào cũng mang màu đỏ (đảng Cộng hòa màu đỏ, đảng Dân chủ màu xanh). Trong cuộc bầu cử năm 2004, Tổng thống Bush bỏ xa đối thủ đến 20 điểm. Thế nhưng, lần này đã có sự chuyển hướng quan trọng và đảng Cộng hòa có cơ nguy mất thêm một bang nữa. Cuộc thăm dò sau cùng ở đây cho thấy, ứng viên McCain chỉ còn dẫn trước ông Obama có 1 điểm: 46% so với 45% trong khi còn đến 9% chưa quyết định. Trước giờ cử tri Mỹ đi bỏ phiếu, Montana được "tô" thành màu xám, ám chỉ các bang còn tranh chấp.

Trong khi đó, ở bang Iowa, thăm dò mới nhất cho thấy ứng viên Obama bỏ xa đối thủ McCain tới 14 điểm: 53% so với 39% và thế là các nhà dự báo đã chuyển 7 phiếu cử tri đoàn của bang này từ màu xanh nhạt "có khuynh hướng bỏ phiếu cho ông Obama" qua màu xanh đậm, tức là "an toàn cho ông Obama".

Với những chuyển biến đó, các nhà dự báo cho rằng, đích nhắm của ứng viên Obama là không chỉ thắng mà là "thắng lớn".

Vai trò các ứng viên của đảng thứ ba

Một điều đáng nói là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này, không chỉ có 2 liên danh McCain-Palin (đảng Cộng hòa) và Obama-Biden (đảng Dân chủ), mà còn một số nhân vật khác nữa. Cụ thể là ứng viên độc lập Ralph Nader hay ứng viên Bob Bar, cựu dân biểu Cộng hòa nay là đại diện cho đảng Tự do, hoặc một số ứng viên đảng Xanh... chỉ có tên trên phiếu bầu của một số bang.

Vai trò của họ cũng rất có ý nghĩa, thậm chí ảnh hưởng mạnh đến kết quả bầu cử vì một trong 2 liên danh của đảng Cộng hòa hay Dân chủ sẽ bị chia phiếu. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, tỉ phú Ross Perot chiếm được đến 19% phiếu phổ thông (dù không được một phiếu đại cử tri nào), nhưng đã chia phiếu ở những bang là yếu huyệt của Tổng thống Bush (cha) nên đã giúp ứng viên trẻ tuổi lúc đó là Bill Clinton thắng phiếu cử tri đoàn để bước vào Nhà Trắng. Còn trong cuộc bầu cử năm 2000, nếu như không có ứng viên độc lập Ralph Nader lấy đi khoảng 32.000 phiếu bầu của cử tri bang Florida, thì có lẽ ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ đã nghiễm nhiên ngồi ghế tổng thống mà không phải tranh chấp dẫn đến kiểm phiếu lại, để rồi ông George W.Bush thắng cử, làm luôn 2 nhiệm kỳ.

Thế nhưng, trong tình cảnh năm nay, khi dân chúng quan tâm mạnh đến bầu cử thì các thăm dò dư luận cho thấy, không ứng viên thứ ba nào có được hậu thuẫn lớn. Ứng viên "mạnh" nhất là Ralph Nader, có tên trên phiếu bầu của 45 bang, cũng chỉ được chưa tới 2% phiếu. Thế nên, ông Nader bèn nghĩ ra một cách để không "phí" công của đi vận động của mình: Chỉ trong ngày 25.10 tại bang Massachusetts, ông đã đọc đến 17 bài diễn văn vận động tranh cử dài tổng cộng 255 phút, phá kỷ lục cũ của sách Guinness là 15 bài trong 1 ngày. Một phát ngôn viên của ứng viên Nader nói là ý tưởng thực hiện việc phá kỷ lục nói trên chỉ nhằm "nhắc nhở" cử tri Mỹ về sự "hiện diện" của ứng viên độc lập Nader trong kỳ tranh cử lần này vì có đến 2/3 dân chúng không hề biết đến thực tế đó.

Lê Đình Bì
(viết từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.