Trước đó, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện quân y 175, đã sang Nam Sudan để đón các chiến sĩ, bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã ra sân bay Tân Sơn Nhất đón đoàn.
|
Sau lễ chào cờ tại sân bay, bầu không khí vui mừng, bùi ngùi thương nhớ bao trùm một góc ở bãi đỗ của sân bay. Cha mẹ ôm con, vợ ôm chồng, con ôm ba, mẹ và những bó hoa được trao nhau, bày tỏ thương yêu.
|
“Khi máy bay đáp xuống mặt đất sân bay, cả đoàn rưng rưng nước mắt nhưng không ai dám khóc. Vì tất cả đoàn ai cũng háo hức và vui mừng vì an toàn trở về”, chị Phan Thị Vân Huyền, chiến sĩ vừa từ Nam Sudan về, bày tỏ. Khi xuống sân bay, chị Huyền được em trai và các anh, chị tại Bệnh viện quân y 175 đến đón, còn cha mẹ chị ở ngoài Bắc không vào được.
"Khi ở Nam Sudan, môi trường làm việc có nhiều căn bệnh nguy hiểm, đôi khi mọi người stress và nhớ nhà, nhưng ai cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao", chị Huyền cho biết thêm.
|
Vừa xuống máy bay, anh Phan Bá Hiếu cho biết mình rất tự hào vì thực hiện nhiệm vụ quốc tế được giao. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, nơi chiến sự xảy ra nên khó khăn gian khổ nhiều và mọi người đều đã vượt qua được.
Còn anh Phạm Anh Tuấn thì bộc bạch: "Sau một năm xa nhà thì hiện nay chỉ muốn về nhà gặp vợ con!".
Ngày 28.11 tới, 32 chiến sĩ, bác sĩ còn lại của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ về TP.HCM.
Trong khi đó, sáng 19.11, tại sân bay quốc tế Nội Bài (TP.Hà Nội), Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan thay cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.
Ngày 1.10.2018, đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ cùng hàng hóa, trang thiết bị đã lên đường sang Nam Sudan để thay thế bệnh viện dã chiến của Vương quốc Anh, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Sau 1 năm hoạt động tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã điều trị gần 1.800 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh nặng như hoại tử ruột, sốt rét ác tính... Và tất cả được điều trị thành công.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam điều động nhân sự ở cấp độ đơn vị tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Cán bộ, chiến sĩ quân y tham gia Bệnh viện dã chiến được đào tạo bồi dưỡng, triển khai các trang thiết bị theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Liệp Hiệp Quốc.
Đoàn cũng đã được huấn luyện các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, nhận diện bom, mìn, vật liệu nổ; huấn luyện về luật giao tranh của Liên Hiệp Quốc, luật nhân đạo theo công ước quốc tế, các chuẩn mực hành xử trong chống lạm dụng tình dục và các khoa mục quân sự khác phục vụ cho hoạt động ở môi trường độc lập.
Cùng với sự ủng hộ tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, Bệnh viện dã chiến của Việt Nam triển khai tại Nam Sudan cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn về vật chất và tinh thần từ nhiều quốc gia.
|
Dưới đây là một số hình ảnh chào đón các chiến sĩ, bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về từ Nam Sudan.
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)