Bộ trưởng Bộ Tài chính:

'Ngày xưa khó khăn vẫn có nhà khoa học như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của'

Mai Hà
Mai Hà
07/06/2023 16:01 GMT+7

Được mời trao đổi thêm về chi ngân sách cho KH-CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phải có "kích nổ", thu hút nguồn lực xã hội cho khoa học để có những nhân tài.

Thông tin với đại biểu Quốc hội về chất vấn KH-CN chiều 7.6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết về ngân sách chi cho KH-CN, năm 2017 đã chi 1.390 tỉ đồng, tỷ lệ 1,18% so với chi ngân sách; năm 2023 chi 2.076 tỉ đồng, tỷ lệ 0,82% so với chi ngân sách, tỷ lệ 0,23% so với chi đầu tư của cả nước và tỷ lệ 0,58% so với chi thường xuyên của cả nước. 

'Ngày xưa khó khăn vẫn có nhà khoa học như Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

GIA HÂN

Theo ông Phớc, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95, Bộ Tài chính và Bộ KH-CN ban hành Thông tư 27 liên tịch về cơ chế khoán nhiệm vụ chi KH-CN có sử dụng ngân sách, chuyển từ chi hóa đơn hồ sơ sang chi cho bảng mục công việc, “rất mở trong khoán chi cho KH-CN”.

Song, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu rất phức tạp và kéo dài, việc thực hiện giao khoán theo hướng hồ sơ, chứng từ gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. “Các nhà khoa học khi thanh toán cũng thấy rất phiền phức”, ông Phớc nói.

Để khắc phục điều này, ông Phớc cho biết các bộ sẽ phối hợp sửa Nghị định 95 và Thông tư 27 trên cơ sở lấy ý kiến nhà khoa học, quản lý, “đảm bảo tính thông thoáng, chủ động, căn cứ vào đầu ra sản phẩm và hiệu quả công việc”.

Theo đó, cơ chế quản lý KH-CN cần thiết kế lại phù hợp hơn theo hướng sản phẩm đầu ra và hiệu quả. Nhà nước đặt hàng và thanh toán, có thể đấu thầu hoặc chỉ định thầu; quy định chuyển giao và ứng dụng những đề tài được nghiên cứu trong thực tiễn. Với các đơn vị nghiên cứu ngoài Nhà nước có phát minh thì có cơ chế hỗ trợ mua lại phát minh, sáng kiến, chuyển giao ứng dụng đề tài khoa học.

“Nên bỏ điều kiện chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, kiểm toán viên phải có đề tài nghiên cứu khoa học vì làm cho cán bộ viên chức sao chép đề tài nghiệm thu chứ không ứng dụng được thực tiễn”, ông Phớc nói.

Nhắc lại phát biểu trước đó của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) là cần điểm “kích nổ” cho KH-CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng lĩnh vực KH-CN phải có "kích nổ" để có nhân tài, nhưng phải có môi trường để họ cống hiến tốt. 

“Ngày xưa khó khăn, chúng ta có những nhà khoa học rất nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, sản xuất ra bom bay hay bom ba càng, súng bazuka; nhà bác học như Lương Định Của. Cần thu hút nguồn lực xã hội để đảm bảo sáng kiến khoa học”, ông Phớc nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngày xưa khó khăn vẫn có nhà khoa học như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của

Trong những năm tháng chiến tranh, chúng ta vẫn có các nhà khoa học đầu ngành. Nhưng sao hiện nay công nghệ phẳng, kinh tế - xã hội tốt hơn nhiều thì đội ngũ này lại hụt hẫng? Bộ KH-CN đã thống kê xem lĩnh vực nào có, lĩnh vực nào thiếu những nhà khoa học đầu ngành hay chưa?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa

Trước đó, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu câu hỏi băn khoăn với tình trạng thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành hiện nay.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chỉ rõ, đội ngũ các nhà khoa học tăng nhưng chúng ta lại đang thiếu những nhà khoa học đầu ngành. Ông cho biết, đi thực tế tìm hiểu tại các trường đại học thì thấy rõ sự hụt hẫng của những nhà khoa học đầu ngành.

“Trong những năm tháng chiến tranh, chúng ta vẫn có các nhà khoa học đầu ngành. Nhưng sao hiện nay công nghệ phẳng, kinh tế - xã hội tốt hơn nhiều thì đội ngũ này lại hụt hẫng. Bộ KH-CN đã thống kê xem lĩnh vực nào có, lĩnh vực nào thiếu những nhà khoa học đầu ngành hay chưa?”, đại biểu Nghĩa nêu và cho rằng nếu không làm rõ vấn đề thì lo rằng khi ra nghị quyết mới hay chất vấn lần tới, vấn đề này lại được nêu ra như mới.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho biết, đại biểu Quốc hội khóa 14 đấu tranh tăng chi cho khoa học trên 2% GDP, “nhưng rất may là đấu tranh của chúng tôi không đạt được, Quốc hội chỉ chi 2% GDP”. Tuy nhiên theo ông, đến nay ngành khoa học cũng chỉ mới chi được 0,63% GDP, bộ trưởng giải thích cũng chưa thỏa đáng.

Đại biểu Thân cũng nhắc lại Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói các doanh nghiệp vừa và lớn chưa mặn mà với đề tài khoa học. “Bộ trưởng chắc không biết, chứ nhiều doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển, thậm chí có các giải thưởng, ký hợp đồng với các nhà khoa học ứng dụng”, ông Thân nêu. Theo đại biểu, nếu cứ sợ rủi ro thì không làm được gì, đề tài cấp Nhà nước, Chính phủ đã duyệt thì phải triển khai bằng ngân sách, các quỹ.

Trước các chất vấn này, Bộ trưởng Bộ KH-CN lấy ví dụ, năm 2023 tổng chi thường xuyên cho KH-CN là 12.000 tỉ đồng; trong đó, ngân sách T.Ư là 8.800 tỉ đồng, địa phương là khoảng 3.200 tỉ đồng.

Ông Đạt cũng nhấn mạnh về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mong muốn các vị đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro của hoạt động nghiên cứu KH-CN.

Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng Bộ KH-CN khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính; đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.