Ngày xuân thưởng thức bánh lòng: Một khởi đầu thật vẹn tròn, ấm áp!

28/01/2023 15:54 GMT+7

Những ngày trời vào cơn rét ngọt, trời âm ẩm là lúc đám trẻ con làng tôi chụm vào nhau kể lể về những món ngon ngày tết quê nhà.

Trời rét rất hợp với những món ăn được chế biến từ gạo nếp. Nào chè con ong, nào xôi hoa cau, chè xôi, bánh chưng… Đặc biệt nhất là món bánh lòng. Thứ bánh thảo thơm từ gạo nếp cái hoa vàng mà chỉ quê tôi mới có.

Không kén một cái tên mỹ miều, người làng tôi gọi là bánh lòng có lẽ bởi vì khi làm bánh dâng lên tổ tiên, mời khách đến nhà ngày đầu xuân năm mới, người làm bánh đã dành cả tấm lòng cùng những nguyên liệu thảo thơm từ đồng đất quê nhà.

Gạo nếp cái hoa vàng thu hoạch từ vụ lúa mùa. Khi ấy, thóc nếp vừa gặt xong sẽ được phơi trên sân gạch trong những ngày mùa thu nắng hanh vàng. Thóc nếp cái hoa vàng phải phơi thật dày kẻo thóc khô cướp sẽ mất đi hương thơm đặc trưng. Hạt thóc mẩy tròn, mày dài khô khén mẹ tôi sẽ đựng trong bao gai cất riêng vào phi thóc. Có lẽ tôi yêu thiết tha đồng đất quê nhà nên thấy hạt gạo nếp làng mình cũng thơm hơn nơi khác. Hạt gạo xát xong thơm nức cả tay người sàng gạo.

Gần ngày cúng ông Công ông Táo mẹ đem gạo sàng lại thật kỹ, chọn những mẻ gạo mẩy tròn, phần thì để gói bánh chưng, phần thì để đóng bánh lòng. Trước tết mấy ngày, trẻ con làng tôi lũ lượt chở gạo đi nổ bỏng. Nhà nổ bỏng gạo lúc nào cũng đông như trẩy hội, chờ từ sáng có khi đến trưa chặt, đến chiều mới nổ được bao bỏng gạo đẩy vun. Gạo được quay trong quả nổ, đủ độ nóng nhất định thì người ta tháo chốt, sau tiếng nổ vang lên bỏng gạo sẽ bay hết vào nhà bạt. Gạo nổ xong được đem đi nghiền nhỏ, không nghiền mịn quá sẽ khiến bánh bị nhão, bỏng nghiền dối đủ tạo độ mịn mà vẫn tơi xốp không ngậm nhiều nước đường khi ăn vừa dẻo, vừa giòn lại không bị ngán.

Đem bao bỏng gạo về nhà, mẹ tôi đã sên xong mứt dừa mứt bí. Mứt dừa trắng phau, mứt bí giòn, trong. Thịt ba chỉ mẹ quay thật khô trong cái chảo gang, một bát vừng trắng rang thơm, một bát lạc rang giã dập, một nồi nước đường phên nấu cùng gừng sẻ giã nhỏ thơm nức sôi liu riu trên bếp trấu.

Chiếu hoa trải ra sân nhà, chiếc nia đã được giặt sạch phơi khô đặt lên trên chiếu, bày ra giấy điều, khuôn bánh cùng tất cả nguyên liệu. Bỏng gạo được đổ vào một chiếc chậu nhôm lớn, thêm mứt bí, mứt dừa, lạc giã dập, vừng rang, thịt ba chỉ quay khô trộn thật đều sau đó mẹ tôi trút nước đường gừng vào. Nước đường được trút từ từ, ai khỏe tay sẽ dùng hai chiếc đũa cả đảo thật nhanh. Khâu nhào bánh này quan trọng nhất, nước đường không được quá nhiều bánh sẽ bị ướt, hỗn hợp bánh phải ngấm đều nước đường gừng mà không bị vón cục, các nguyên liệu trải đều trong lòng bánh. Khi hỗn hợp bánh đạt yêu cầu sẽ đem bỏ vào khuôn gỗ hình chữ nhật. Bánh được dồn thật kỹ vào bốn góc khuôn, chày gỗ đập nhẹ trên mặt khuôn. Tấm bánh đầy đặn, chắc tay, độ xốp, độ dẻo vừa phải. Khi bánh nguội, khô lại mẹ tôi sẽ bọc bánh trong giấy điều dâng lên bàn thờ gia tiên, đem biếu ông bà rồi cắt ra cho con cháu trong nhà thưởng thức.

Trời lạnh, mưa rắc như phủ sương, cầm trên tay miếng bánh thảo thơm mộc mạc, vị thơm cay nồng của gừng sẻ, vị ngọt rất thanh tao của đường phên, bỏng gạo thơm giòn, lấm tấm những hạt lạc, hạt vừng thơm lựng điểm thêm vị béo ngậy của thịt ba chỉ kho khô, chút mứt dừa giòn giòn mứt bí ngọt thanh vừa ăn vừa nâng niu sợ hết, vừa xuýt xoa tấm tắc khen món bánh ngon nhất mùa đông.

Ngày tết, khách đến xông nhà chúc tết, pha một ấm trà, thưởng miếng bánh lòng hay lúc cuộn trong chăn ấm xem hài tết với lấy miếng bánh lòng vừa nhâm nhi vừa cười khúc khích là những khởi đầu thật vẹn tròn, ấm áp đầu xuân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.