Cách đây không lâu, câu chuyện về cô gái Pháp Emma Kiener (26 tuổi) hay Kallisté (24 tuổi) về TP.HCM tìm lại gia đình ruột thịt được đăng tải trên Báo Thanh Niên đã lấy đi không ít nước mắt của bạn đọc. Đằng sau cuộc hội ngộ bất ngờ là những hạnh phúc không thể nói hết bằng lời.
Một năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của Emma…
Đó là những ngày tháng 7.2022, chị Emma cùng ba mẹ nuôi là cặp vợ chồng Pháp - Hà Lan về lại TP.HCM tìm lại người mẹ 25 năm trước đã đành đoạn bỏ rơi mình, nhưng trong mơ họ cũng chưa từng nghĩ rằng phép màu lại đến bất ngờ đến vậy.
Emma được cặp vợ chồng Pháp - Hà Lan nhận nuôi |
nvcc |
Phép màu xuất hiện, cô gái Pháp tìm được người thân |
cao an biên |
Đến giờ, Emma vẫn không thể nào quên được những dòng tin nhắn đầu tiên mà chị Trần Thị Thanh Loan (35 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) gửi đến Emma: “Hạnh ơi! Chị là chị của em đây…”. Bởi, sau dòng tin nhắn định mệnh, với sự hỗ trợ của Báo Thanh Niên, 2 chị em đã nghẹn ngào gặp nhau, kể cho nhau nghe mọi điều về mẹ, về cuộc sống của nhau tại một quán cà phê ngay trung tâm Q.1.
Emma và chị Loan nói rằng, dường như mọi nhập nhằng của 25 năm đời người đều được nói hết, kể hết, trút hết vào buổi gặp ngày đặc biệt đó.
2 chị em hội ngộ cùng nhau hồi tháng 7.2022, sau hơn 25 năm xa cách |
cao an biên |
“Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác nhận được kết quả xét nghiệm ADN vài ngày sau, rằng chúng tôi là chị em cùng mẹ khác cha của nhau. Đó là cảm giác hạnh phúc nhất trong cuộc đời, pha lẫn một chút tiếc nuối vì mẹ đã không còn trên cõi đời này. Dẫu rằng trước đó, chị em tôi đã chắc chắn rằng chúng tôi thực sự là người thân của nhau vì mọi thông tin đều trùng khớp", Emma nhớ lại.
Suốt những ngày ở Việt Nam, nhớ nhất có lẽ là một ngày mưa tầm tã, cô gái Pháp cùng ba mẹ nuôi, cùng chị Loan đi thăm mẹ ở một ngôi chùa trung tâm TP.HCM. Nhìn di ảnh của người mẹ sinh ra mình ở đó, chị tiếc rằng chưa kịp gọi 2 tiếng: “Mẹ ơi!”.
Bạn có biết về câu chuyện đoàn tụ của cô gái Pháp Emma trước đó?
Sau hôm đó, chị Loan cùng gia đình Emma có một bữa ăn đầy thân mật và ấm cúng. Những khác biệt về ngôn ngữ không phải là rào cản, để rồi họ dành cho nhau những tình cảm đặc biệt, thâm tình mà trước đó, chị Loan chưa bao giờ cảm nhận được.
Emma cùng chị Loan và ba mẹ nuôi vào chùa thăm mẹ |
cao an biên |
“Ba mẹ của Emma nhìn tôi với ánh mắt đầy trìu mến và tình cảm. Ông bà biết rằng tôi không còn ba mẹ trên đời, nên đối đãi với tôi, dành cho tôi một tình cảm ấm áp như ba mẹ dành cho con cái”, chị nói thêm.
Giải đáp được câu hỏi lớn nhất đời mình, trở về Pháp, Emma tiếp tục cuộc sống và hoàn thành những công việc vẫn còn dang dở. Chị Loan tại Việt Nam cũng vậy, cũng tất bật với công việc buôn bán và chăm sóc đứa con trai ngoan ngoãn, dễ thương. Nhưng kể từ đó, cuộc đời họ đã sang một trang mới hạnh phúc và tươi sáng.
Kể với PV, chị Loan nói rằng cả 2 vẫn theo dõi cuộc sống của nhau thông qua mạng xã hội, vẫn dành cho nhau những lời chúc, lời hỏi thăm, tâm sự với nhau khi có thời gian hay trong những sự kiện đặc biệt trong đời.
Sau khi trở về Pháp, 2 chị em vẫn giữ liên lạc và tâm sự với nhau thường xuyên |
nvcc |
2022 là năm đáng nhớ nhất đối với 2 chị em, vì họ đã tìm được nhau |
cao an biên |
“Sinh nhật tôi, Emma cũng gửi lời chúc. Có những ngày thấy tôi buồn, Emma cũng hỏi thăm và đưa ra cho tôi những lời khuyên. Mới đây, giỗ mẹ, tôi cũng có gửi ảnh, clip, cũng tâm sự với Emma thêm về ngày giỗ, về những câu chuyện lúc mẹ còn sống. Dù cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng chúng tôi luôn nghĩ về nhau”, chị nói thêm.
Không thể về Việt Nam thường xuyên, tuy nhiên chị Emma cũng tâm sự rằng khi có một dịp nào đó thích hợp, chị vẫn sẽ trở lại quê hương, cội nguồn của mình để thăm chị, thăm mẹ. Bởi cô gái Pháp biết rằng, chị Loan là máu mủ, ruột rà duy nhất của chị trên cõi đời này.
Kallisté và những tin nhắn tiếng Việt mỗi ngày cho mẹ…
Nhớ về cuộc đoàn tụ với mẹ ruột của mình, bà Phạm Thị Hà (48 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) vào ngày Quốc khánh Việt Nam 2.9 năm 2022 , Kallisté vẫn còn rùng mình không tin được. Bởi chỉ sau 1 ngày đăng tải thông tin lên mạng xã hội, cô đã tìm thấy mẹ ruột của mình.
Cuộc đoàn tụ của Kallisté và mẹ đã lấy đi nước mắt của nhiều người |
cao an biên |
Ngày hạnh phúc của 2 mẹ con |
cao an biên |
Thời điểm đó, cô cùng bạn trai người Hà Lan trở về TP.HCM tìm lại cha mẹ, tìm lại nguồn cội của mình, nhưng không ai trong cả 2 nghĩ rằng phép màu lại đến nhanh như thế. Cô gái Pháp nói rằng những giọt nước mắt tuôn trào ngay khoảnh khắc nhận giấy xét nghiệm ADN, có lẽ là giọt nước mắt hạnh phúc nhất trong cuộc đời của cô.
Sau cuộc đoàn tụ với toàn bộ người thân tại nhà của bà Hà ở TP.HCM cũng như có chuyến về quê Tây Ninh, sống trong tình cảm của đại gia đình bên ngoại, cô gái Pháp Kallisté trở lại Hàn Quốc học tập và làm việc, mang theo nỗi vấn vương và nhớ mong về mẹ.
“Tôi trút bỏ được những băn khoăn về nguồn cội, về quá khứ của mình và mang theo biết bao tình cảm từ gia đình ở Việt Nam. Từ nay, dù có đi đâu, làm gì, tôi cũng biết rằng mình có một nơi chốn bình yên để quay về - Việt Nam", chị tâm sự.
Bà Hà đã trút được nỗi day dứt của 24 năm về trước |
cao an biên |
Tâm sự với Thanh Niên, bà Hà nói rằng kể từ ngày tìm thấy con gái, là ngày hạnh phúc nhất đời bà, mà niềm hạnh phúc đó không điều gì có thể diễn tả được. Suốt ngần ấy năm, chưa một đêm bà ngủ ngon giấc, lòng vẫn ôm nỗi day dứt cho con năm xưa nhưng tất cả giờ đã qua. Mấy tháng nay, kể từ ngày Kallisté trở về, giấc ngủ của bà trọn vẹn khi mang theo hình bóng con vào trong cả giấc mơ.
“Tôi không biết tiếng nước ngoài, nhưng hầu như ngày nào con gái cũng nhắn tin tiếng Việt hỏi thăm tôi. Khi nó bận, thì 2 ngày mới nhắn. Mẹ con tôi dù không ở cạnh nhau, nhưng đọc tin nhắn của con là tôi thấy vui và hạnh phúc. Cảm ơn con vì đã tha thứ cho mẹ!”, bà rưng rưng.
Kallisté sẽ trở lại Việt Nam thăm mẹ |
cao an biên |
Năm mới này, Kallisté cho biết sẽ về Việt Nam để thăm mẹ của mình. Những chuyến về lại Việt Nam của cô gái Pháp sẽ đều đặn hơn, bởi cô biết có một người mẹ luôn dang vòng tay chờ đón cô quay về…
Bình luận (0)