Hàng về gấp đôi bình thường
Bên kia cầu Lò Gốm, đoạn cuối đường Nguyễn Văn Luông (Q.6) có những dãy trọ có phần lụp xụp của nhiều người từ các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu và cả những người ở Campuchia… đến TP.HCM mưu sinh.
Những ngày cận tết, đi ngang qua những khu trọ này, mùi hành tỏi nồng nàn làm tôi cay cay khóe mắt. Ở đây, sáng sáng khi đàn ông bắt đầu ra khỏi nhà làm đủ thứ nghề tự do như bốc vác, thợ hồ, công nhân thì chị em phụ nữ ở nhà, lớn tuổi có, trẻ tuổi cũng có, tất bật với việc bóc vỏ hành tỏi.
Tấp xe máy vào một góc trọ, con đường gồ ghề đá sỏi, tôi vào căn trọ của gia đình chị Thạch Thu (35 tuổi) để hỏi thăm, bởi ở đây, có 5 - 6 chị em đang tất bật lột vỏ củ hành tím, tiếng cười nói bằng tiếng Khmer rôm rả.
Chị Thu cho biết gia đình mình từ Campuchia đến TP.HCM nương náu, nay cũng hơn mười mấy năm. Thời điểm đầu, chị làm công việc bán vé số kiếm thêm thu nhập. Gần chục năm nay, các chị em trong gia đình chị làm nghề bóc vỏ hành, tỏi, xem đó là công việc chính để có đồng ra đồng vào trang trải tiền đóng trọ, sinh hoạt.
Trong những căn trọ có phần lụp xụp, gia đình người Campuchia ngồi từ sáng tới tối để kiếm thu nhập.
CAO AN BIÊN
Căn trọ nhỏ, là nơi 9 thành viên trong nhà chị Thu sinh sống. Chị kể ban ngày, đàn ông trong nhà ra ngoài đi làm, 6 giờ sáng, chị em phụ nữ bắt đầu công việc này cho tới tối muộn, có khi 19 - 20 giờ, hết hàng thì nghỉ.
“Cuối năm, cận tết, hàng về tăng gấp đôi. Cả nhà tôi nhiều khi làm tới muộn hơn mới hết hàng. Nhưng với năm ngoái thì không có bằng. Nhưng đây cũng là việc mà tôi làm gần chục năm nay để có thêm tiền, nhất là vào ngày tết", chị Thu kể với giọng không sõi tiếng Việt.
Kế bên, chị Thạch Tha (48 tuổi), là em họ của chị Thu cho biết với mỗi ký hành tím lột vỏ, thu về 2.000 đồng, tỏi thì 1.600 đồng/kg. Mỗi ngày, gia đình chị kiếm khoảng dưới 100.000 đồng/người. Tuy nhiên dịp tết, thu nhập từ công việc này tăng lên khi lượng hàng tăng.
Nông dân Ninh Thuận chong đèn xuyên đêm thu hoạch củ kiệu cho mùa tết
Có đêm ngủ vài tiếng
Cách căn trọ nhà chị Thu mấy bước chân, chị Ngọc Lan (49 tuổi) cũng ngồi trong nhà với chiếc quạt gió thổi liên tục, đang lột vỏ củ hành tím. Chị nói nhờ chiếc quạt này mà chị đỡ cay mắt, bởi công việc này là công việc "chảy nước mắt từ sáng tới tối", theo cách nói vui của chị Lan.
Sau khi chồng mất, ở quê không có sở làm, chị Lan từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) khăn gói lên TP.HCM kiếm việc làm để nuôi 4 con và mẹ già ở quê. Qua nhiều nghề, cuối cùng chị gắn bó với công việc lột hành tỏi này cũng ngót nghét hơn chục năm. Hiện chị ở cùng với 2 con trai, các con cũng có công việc ở ngoài, chị ở nhà lo nội trợ, sẵn kiếm thêm tiền từ nghề này.
Suốt năm, ngày nào cũng như ngày nào, mở mắt chị thấy hành, tỏi, nhắm mắt cũng thấy. Dịp tết, hàng về nhiều hơn, chị cũng phấn khởi hơn. Bởi, điều đó giúp cho thu nhập của chị tăng thêm đôi chút.
26 tết, khi con được nghỉ làm, 3 mẹ con chị Lan định về quê thăm ông bà với đứa con út đang còn đi học. Nhưng cho tới đó, ngày nào chị cũng phải cật lực làm, hy vọng có dư “chút đỉnh" về quê.
Bà Sáu và cháu gái tỉ mẩn lột từng vỏ củ hành.
CAO AN BIÊN
Đồng hương với chị Lan, bà Phạm Thị Sáu (60 tuổi) cùng cô cháu bên ngoại, chị Tuấn (46 tuổi) tay cũng nhanh thoăn thoắt để lột hết số hành tím hôm nay, kịp giao cho chủ. Bà Sáu tâm sự mình làm nghề này cũng có thâm niên ở đây, ngót nghét cũng hơn 20 năm, kể từ năm 2004 bà dưới quê lên TP.HCM sống.
Bà tâm sự nghề này làm cả đời cũng không giàu, nhưng phù hợp với sức khỏe của mình. Thường dịp tết những năm trước, hàng về 3 - 4 lần, năm nay chỉ gấp đôi, nên bà cũng không phải quá lao lực, ngồi từ sáng tới tối chút là hết hàng.
Dù có cay mắt, nhưng hàng chục hộ làm nghề ở “xóm hành tỏi" này cũng đã quen với công việc. Với họ, đó là chén cơm, là kế sinh nhai và cũng là cách để chị em kiếm thêm cho tết thêm phần ấm no…
Bình luận (0)