Nghệ An: Cho khai thác núi gây sạt lở, chính quyền chật vật 'chữa cháy'

Khánh Hoan
Khánh Hoan
31/05/2021 09:50 GMT+7

Sau một thời gian cho khai thác đất ở núi Truông, chính quyền H.Nam Đàn (Nghệ An) đang phải xử lý hậu quả bằng cách đề nghị lập dự án chống sạt lở vì hiện tượng nứt núi đang đe dọa các nhà dân sống phía dưới.

Sống nơm nớp dưới chân núi

Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ xóm Hồng Sơn, xã Nam Thái, H.Nam Đàn, Nghệ An), một người dân sống dưới chân núi Truông, cho biết gia đình ông đến ở đây từ hơn 30 năm qua. Thời điểm ban đầu, ở đây không hề có hiện tượng sạt lở. Mấy năm gần đây, một số người đưa máy múc đến khai thác đất để san lấp mặt bằng khiến chân và hông núi bị khoét hẫng, cũng từ đó xuất hiện hiện tượng sạt lở, đe dọa đến những hộ gia đình sống dưới chân núi.
Năm ngoái, mưa lớn đã khiến một lượng đất đá khá lớn từ trên núi trượt xuống, tràn vào nhà ông. “Chúng tôi phải sơ tán, không dám ở nhà vì sợ”, ông Thắng nói.
Ông Văn Bá Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Thái, cho biết theo kết luận của đoàn kiểm tra H.Nam Đàn, nguyên nhân sạt lở ngoài đặc điểm thổ nhưỡng còn do việc khai thác đất khiến chân núi không còn vững. Ngoài việc khai thác đất để mở rộng QL46 vào năm 2002, ông Hòa cũng thừa nhận thời gian gần đây, một số hộ dân xin cải tạo vườn khiến một lượng đất lớn bị lấy đi để san lấp mặt bằng. Theo ông Hòa, việc cải tạo vườn này được UBND H.Nam Đàn cho phép.
Ngoài ra, ông Hòa thừa nhận một khối lượng đất khá lớn cũng bị đào bới trộm. Ghi nhận của phóng viên tại khu vực này cho thấy, phần hông núi phía xóm Hồng Sơn, từ chân ngược lên gần đến đỉnh núi, đã bị khai thác và lấy đi một khối lượng đất đá rất lớn, nhiều điểm dấu vết còn rất mới. Khu vực này nằm gần sát bên QL46.
Một người dân sống ở chân núi này cho biết, do một số doanh nghiệp ở gần đó có nhu cầu đất để san lấp mặt bằng nên một số hộ dân đã lấy danh nghĩa xin hạ đất núi cải tạo vườn để bán đất cho doanh nghiệp.

Rất khó để xử lý cung trượt

Ngày 10.3, UBND H.Nam Đàn có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An cho chủ trương cải tạo chống sạt lở tại núi Truông. Theo báo cáo, sau đợt mưa lũ năm 2020 đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên sườn núi, nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa tính mạng và tài sản của các hộ dân đang sinh sống dọc chân núi.
UBND H.Nam Đàn đã lập đoàn kiểm tra, phát hiện sườn núi bị nứt rộng, kéo dài, lượng đất đá khả năng sẽ sạt lở khoảng hơn 188.000 m3. UBND H.Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra và cho lập dự án xử lý, chống sạt lở.
Đầu tháng 4 vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT và Sở TN-MT Nghệ An đã đến kiểm tra thực địa tại khu vực này. Kết luận ghi nhận xuất hiện hiện tượng sạt lở đất chạy dọc theo sườn núi núi Truông và đang có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp.
Các vết nứt rộng 2,5 - 3 m, sâu khảng 8 - 10 m, nối tiếp nhau chạy dài khoảng 1.000 m. Tại thời điểm kiểm tra có phát hiện dấu vết đào mới và đắp bờ bao sát chân núi. Khu vực núi Truông một phần diện tích đã giao khoán cho người dân, một phần do xã quản lý và phần còn lại là rừng đặc dụng. Phía dưới chân núi có 10 hộ dân đang sinh sống và sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra sạt lở.
Báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, việc xử lý các cung trượt, sụt lún này là rất khó khăn, vì cung trượt dài, vùng phạm vi ảnh hưởng lớn. Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo H.Nam Đàn thực hiện ngay các biện pháp cảnh báo, cử người theo dõi diễn biến hiện tượng sạt lở, ngăn chặn việc khai thác đất, sẵn sàng di dời các hộ dân dưới chân núi khi có mưa lũ... Về phương án xử lý lâu dài, sẽ cắt đỉnh núi, giật cấp hạ độ cao của núi để cản sạt lở.
Ông Hồ Sỹ Hải, Phó chủ tịch UBND H.Nam Đàn, cho biết sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, huyện đã chỉ đạo UBND xã Nam Thái tìm doanh nghiệp để phối hợp xử lý cung trượt này, trên cơ sở xã hội hóa bằng cách tận thu đất đá để san lấp mặt bằng, không sử dụng kinh phí nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận. Phương án di dời dân ra khỏi khu vực này để tái định cư khó khả thi vì cần kinh phí lớn. Trong khi đó, ông Văn Bá Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Thái, cho biết xã đang xây dựng phương án xử lý nhưng không có chuyên môn nên không thể lập thiết kế.
“Việc thiết kế xử lý cung trượt là rất khó, phải do cơ quan có chuyên môn. Chúng tôi đã đề nghị lên Sở NN-PTNT và đang chờ phương án”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho biết xã đang muốn xử lý càng sớm càng tốt, vì nguy cơ sạt lở là rất cao và cứ có mưa lũ là xã lại lo di dời dân vì sợ núi lở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.