Nghe ảnh kể chuyện

07/01/2018 06:44 GMT+7

Gần 40 tác phẩm đặc sắc trong bộ sưu tập của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Réhahn gắn với những câu chuyện về con người và cuộc hành trình khám phá nền văn hóa phong phú của VN.

Mối lương duyên với nhiếp ảnh
Ngày 6.1, nhiếp ảnh gia Réhahn đã khai mạc triển lãm ảnh Di sản vô giá tại 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM.
Nói đến Réhahn, không thể không nhắc đến bức ảnh ra đời năm 2007 Nụ cười ẩn giấu nổi tiếng thế giới, đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời để ông chọn Hội An (Quảng Nam) làm quê hương thứ hai của mình.
Réhahn nhớ lại: “Lúc lên thuyền trên sông Hoài do cụ Bùi Thị Xong chèo, nhìn gương mặt đôn hậu, đặc biệt là những nếp nhăn hằn sâu theo thời gian, đôi mắt sáng của cụ đã tạo sự chú ý đặc biệt nên tôi liên tục... bấm máy. Khi tôi khen bà đẹp, cụ mắc cỡ quá nên lấy một tay đưa trán, một tay che miệng cười”.
Bức ảnh “chộp” giây phút xuất thần của cụ Xong sau này quá nổi tiếng, được xuất hiện trên nhiều tờ báo và cơ quan truyền thông lớn quốc tế. Cụ được khen tặng là “cụ bà đẹp nhất thế giới” và đây cũng là bức ảnh đầu tiên nhân vật của Réhahn chụp trong trạng thái… che miệng, khởi nguồn để ông cho ra đời dự án Hidden Smile (Nụ cười ẩn giấu).
Bức ảnh Nụ cười ẩn giấu chụp cụ bà Bùi Thị Xong ẢNH: RÉHAHN
Réhahn gắn bó luôn với nghiệp nhiếp ảnh từ đó. Năm 2014, ông ra mắt bộ sách Những mảnh ghép tương phản phát hành ở gần 30 quốc gia, gồm cả VN. Dù đã đi qua hơn 35 nước nhưng như một sự sắp đặt của cuộc sống, ông quyết định đưa vợ con từ Pháp qua VN “an cư lạc nghiệp”, dành thời gian rong ruổi tới tận các vùng miền xa xôi hẻo lánh nhất để sáng tác. Đến nay, đã có 49 trên 54 dân tộc VN có nhân vật làm “người mẫu” trong các tác phẩm của Réhahn. Năm 2017, ông còn được bình chọn là một trong top 20 nhiếp ảnh gia nổi tiếng toàn thế giới trên chuyên trang nhiếp ảnh quốc tế www.webneel.com, với đa phần là các sáng tác tại VN.
Nhiếp ảnh gia Lê Đỗ Hạ My dù đang sinh sống ở TP.HCM vẫn quyết định “dời đô” ra Hội An để theo “sư phụ” học hỏi nghề nghiệp. Cô cho biết: “Kết bạn và trao đổi Facebook với Réhahn hơn 1 năm, tôi mới quyết định ra Quảng Nam. Như một cơ duyên, tôi đưa tất cả hình ảnh đã chụp để ông xem và ông rất thích thú. Sau này có điều kiện làm việc, chúng tôi nhận ra nhiều điểm tương đồng, cùng hướng đi và say mê với nghề. Ông nhận tôi làm cô học trò duy nhất từ trước đến nay khiến tôi vô cùng cảm động”. Hạ My cho biết, triển lãm đầu tiên của cô Những câu chuyện cuộc đời tại TP.HCM vào năm 2018 sẽ là những “quả ngọt” đánh dấu mối nhân duyên giữa hai nhiếp ảnh gia Pháp - Việt.

Phía sau những bức ảnh biết nói
Réhahn nhớ mãi bức ảnh chụp cụ bà Lý Cà Su (dân tộc La Hủ, Lai Châu) vào năm 2014. Lúc gặp bà cụ, Réhahn đang bị tai nạn giao thông khi đi tác nghiệp, người đầy thương tích. Thấy người lạ vào làng, mọi người hốt hoảng nhưng vẫn lo chu đáo cho Réhahn để rồi ông có bức ảnh đẹp xuất thần như trả ơn cho ân nhân đã cưu mang lúc hiểm nghèo. Khuôn mặt cụ bà đăm chiêu, nghiêm nghị nhìn xa xăm, với khăn quấn đầu trong trang phục dân tộc truyền thống.
Tác phẩm cụ già dân tộc Lự lại là góc máy khác được ông ghi lại thật sự cảm động ở một tỉnh phía bắc VN. Điều khiến Réhahn nhớ mãi là bà cụ cứ thắc mắc: “Tại sao ông không đến lúc tôi còn trẻ và còn đẹp hơn mà chụp, giờ xấu xí quá”, rồi… mắc cỡ lấy hai tay bụm miệng lại. Ông còn khoe bức ảnh cụ bà nhăn nheo, cười hồn nhiên với hàm răng không còn cái nào, trên tay là ống thuốc lào. Réhahn kể: “Khi tôi chạy xe máy vào làng tìm mọi người thì ai cũng chạy trốn. Cụ bà này cũng mắc cỡ từ chối, khi tôi lén đưa máy lên chụp vừa lúc cụ đang rít thuốc nên quay mặt né dù nụ cười rất tươi. Sau khi bấm máy, cụ lấy rượu trong nhà ra mời khiến tôi say một trận nhờ đời”. Bức ảnh cụ ông Bana (Kon Tum) có vẻ hoang dã, khi nghe Réhahn bắt buộc thể hiện cảnh nghiêm nghị nhưng vẫn không làm được đành cười hóm hỉnh, miệng ngậm tẩu phì phèo.
Dù không dư dả nhưng qua việc bán ảnh, Réhahn cũng giúp đỡ được nhiều số phận vượt qua khó khăn. Cụ Bùi Thị Xong được ông mua thuyền mới tặng để mưu sinh hay mỗi khi có triển lãm ảnh ở đâu, ông đều mời cụ đi cho biết đó, biết đây. Bức ảnh Nụ cười ẩn giấu bán đấu giá gần 700 triệu đồng, ông dành đóng góp xây Bảo tàng Văn hóa Cơ Tu (Quảng Nam). Thỉnh thoảng các nhân vật trong ảnh lại có dịp được ông tài trợ “tụ hội” trò chuyện cùng nhau vui vẻ. Tại triển lãm lần này ở TP.HCM, toàn bộ ảnh sẽ được bán nhằm đóng góp quỹ ủng hộ các chương trình giúp đỡ trẻ em và người già khó khăn thuộc các dân tộc thiểu số ở VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.