So với thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề làm long nhãn Hưng Yên bị mai một nhiều. Tuy nhiên, ở H.Tiên Lữ và khu vực quanh thành phố Hưng Yên, vẫn có tới hàng trăm gia đình giữ nghề này.
Công việc trên thu hút rất đông lao động là người già và các học sinh
đang trong kỳ nghỉ hè - Ảnh: Thúy Hằng
Nhiều người dân địa phương cho hay, thời điểm đầu tháng 8 hằng năm tương ứng với mùa nhãn chín, họ thu xếp việc nhà để phát huy hết công suất cho việc bóc long (long nhãn).
Chúng tôi đến ở tại một gia đình thôn An Xá, xã An Viên, H.Tiên Lữ, Hưng Yên trong 2 ngày cuối tuần vừa qua và đã được sống trong không khí “nhà nhà bóc long, người người bóc long”.
Từ tối hôm trước, bà con hàng xóm làng giềng ngồi trò chuyện đã lên kế hoạch làm việc cho sáng hôm sau.
Để được trả thù lao cao, không ít gia đình cả chồng, vợ, các con sẵn sàng đạp xe đạp từ làng này qua làng khác từ lúc tờ mờ sáng để bóc long thuê đến tối mịt.
Thường thường vào các vụ bóc long, những làng quanh các lò sấy dậy rất sớm. Người dân dậy nấu cơm ăn cho chắc dạ, để có thể ngồi làm cả ngày.
9 - 10 giờ sáng, khi nhãn đã “trẩy” (hái - tiếng địa phương) từ trên cây về, bà con tranh nhau mang thúng đến nhận nhãn và đi cân. Giờ xoáy long có thể qua trưa hoặc được chủ nhà mời ăn cơm trưa, nghỉ một lát trước giờ làm buổi chiều.
Người đi bóc long nhãn thuê thường theo các “mối” thân quen, là hàng xóm láng giềng hoặc là bà con họ hàng với chủ lò sấy.
Dụng cụ cần chuẩn bị là một cái ngòi xoáy. Vật dụng này có cán gỗ, ngòi như ngòi bút máy, làm bằng nhôm, cong và cực sắc. Do đó không cẩn thận, người làm chưa quen có thể bị thương ở tay là chuyện thường tình.
Người làm long cần bóc một phần vỏ của quả nhãn trên đầu quả, dùng ngòi xoáy lấy sao cho được hết phần cùi nhãn rồi xếp vào phên sấy.
Người ta thích nhất xoáy được nhãn cùi, nhãn hương chi, giống nhãn cùi dày, ít nước, như vậy sẽ cho phần long nhãn xoáy được không bị nát.
Ngược lại những ngày gặp nhãn nước, trái nhỏ, năng suất của bà con giảm đi rõ rệt.
Với năng suất bình thường của một học sinh lớp 2 cũng như một bà già 70 tuổi tại Hưng Yên, một ngày ít nhất họ có thể xoáy xong 30 kg nhãn quả.
Tiền công cho 1 kg nhãn quả những năm trước chỉ là 2.500-3000 đồng. Tuy nhiên, do lượng nhân công ở nông thôn giảm mạnh, năm nay 1 kg nhãn quả bà con được trả giá 5.000 đồng.
Như vậy với các em nhỏ tiểu học cho tới những cụ già 70-80 tuổi, một ngày là công việc bóc long họ có thể bỏ túi 150.000 - một mức thu nhập cao ở nông thôn.
Nghề có thu nhập được, tuy nhiên phụ thuộc vào vụ nhãn, tình hình tiêu thụ long nhãn của các chủ lò sấy nên bà con ở Hưng Yên chỉ mong sao cho vụ nhãn dài ngày, trái nhãn lớn, các chủ lò sấy ăn ra làm nên.
Bà Nguyễn Thị Tình, chủ lò sấy ở Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên cho hay có năm cả 3 lò sấy long nhãn của gia đình đều đóng cửa vì long nhãn ế ẩm. “Bà con hàng xóm cứ nhắn nhủ cho đến bóc long, nhưng đành từ chối, vì có bán được hàng đâu”, bà Tình kể lại.
Thường thường, một vụ làm long nhãn thường kéo dài một tháng rưỡi, đầu tháng 8 đến cuối tháng 9. Trong 45 ngày này, một người bình thường có thể thu về ít nhất 3 triệu đồng. Một gia đình (2 bố mẹ, 2 con nhỏ) làm năng suất nhất ở Hưng Yên có thể thu nhập 12 - 15 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Đĩnh, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề kinh tế nông thôn xã Dị Chế, H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho biết mặc dù chỉ mang tính thời vụ nhưng nghề làm long nhãn, cũng như bóc long nhãn thuê đang tạo công ăn việc làm khá lớn cho bà con trong vùng. “Quan trọng nhất, chính những người dân địa phương đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống trăm năm của đất nhãn Hưng Yên”, ông Đĩnh nói.
Thúy Hằng
Bình luận (0)