>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 12: Những bức tranh lông gà
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 11: 15 năm sưu tầm đá cảnh
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 10: “Ông trùm” cổ vật Phù Nam
Hơn chục năm kiếm tìm, ông Dũng sở hữu hơn 50 tổ chim dồng dộc. Theo ông, khi những chú dồng dộc con đã cứng cáp và có thể xuất tổ, những chiếc tổ chim sẽ bị quên lãng và phân hủy dần theo thời gian. Chính vì vậy, ông đã cố công tìm kiếm, sưu tập, gìn giữ và bảo quản những chiếc tổ chim, phần vì sự độc đáo của nó, phần vì ông trân trọng những bài học quý giá mà ông chiêm nghiệm được từ quá trình xây tổ của loài chim này... Và trên cả, đó là những hoài niệm mà dù đi gần trọn cuộc đời mình ông vẫn không thể quên.
|
Cơ cấu mái ấm hoàn hảo
Dồng dộc là loài chim thuộc họ sẻ nhưng nhỉnh hơn chim sẻ một tí và có màu sắc sặc sỡ hơn. Dồng dộc không hót nhưng dấu ấn của chúng được lưu lại qua kiến trúc tổ độc đáo. Cuối xuân, đầu hè là mùa dồng dộc làm tổ. Những chiếc tổ đu đưa trên đọt tre, tán cau, trúc… được đan bằng sợi tranh, lá mía tước nhỏ. Miệng tổ chúc xuống, bụng phình ra, bám cành lủng lẳng nhưng rất chắc.
Ông Dũng cũng chia sẻ, về kiến tạo tổ người ta thường nhắc đến ong, kiến mà dễ quên dồng dộc. Trong khi đó, tổ dồng dộc được xem như độc đáo nhất trong các loài chim kể cả giá trị nghệ thuật, công năng lẫn tính khoa học.
Kết cấu tổ dồng dộc bao giờ cũng được kiến tạo gồm 2 phần. Một phần là tổ đẻ để dồng dộc mẹ đẻ trứng, ấp con. Một phần là tổ võng với kích thước chỉ bằng một nửa tổ đẻ, nhưng khi vào mùa sinh sản, sợi võng với hình thể đu đưa là nơi để đôi chim trống mái âu yếm, và chim con khi ra ràng, đủ lông đủ cánh cũng có chỗ tập bay. Tổ treo trên đọt cây, đỉnh của tổ luôn được lợp dày và tuyệt khéo để che mưa che nắng. Một cơ cấu mái ấm hoàn hảo được tạo dựng bởi bản năng sinh tồn mãnh liệt, với những tháng ngày cần mẫn, lao động miệt mài… Theo ông Dũng: “Cùng với kết cấu, kiến trúc tổ độc đáo thì chính mô hình và cách thức dồng dộc tạo dựng, bảo vệ mái ấm, duy trì nòi giống khiến người ta phải suy ngẫm, chiêm nghiệm”. Ông say sưa tìm và sưu tầm tổ chim dồng dộc cũng vì lẽ đó.
Hoài niệm tuổi thơ
Ông Dũng cho biết: “Giờ đây không dễ gì thấy chim dồng dộc. Nhưng cách đây chừng 30-40 năm, khi những trảng tranh, rặng tre còn ngút tầm mắt ở những vùng quê, sườn đồi… thì nhìn những chiếc tổ chim dồng dộc treo lơ lửng trên bầu trời xanh là một trong những trải nghiệm lý thú. Về sau, đạn bom của chiến tranh hủy hoại một phần màu xanh, thêm vào đó, môi trường sống đổi thay, tranh tre dần biến mất với công cuộc khai khẩn để lấy đất canh tác, dồng dộc không còn nơi làm tổ, vật liệu làm tổ cũng khan hiếm dần. Vì vậy chúng bắt đầu hành trình di trú vào những vùng đồi núi xa xôi hẻo lánh”.
Từ khoảng đầu những năm 2000, khi ông Dũng tìm và sở hữu được một chiếc tổ chim dồng dộc ở một huyện vùng sâu của tỉnh Quảng Nam thì cũng là lúc ông quyết tâm kiếm tìm và sưu tập những chiếc tổ mà theo ông, đó là những công trình kiến trúc độc đáo trong tự nhiên. Chính vì độc đáo và khó tìm nên hễ nghe ở đâu có tổ dồng dộc thì dù có xa xôi, cách trở mấy ông cũng tìm hỏi mua cho được. Có nhiều chiếc tổ để đến được với ông cũng phải qua đến mấy lượt tay người.
Ông kể, tuổi thơ của mỗi người con dân xứ Quảng vẫn gắn với từng miền quê xanh mướt, trù phú. Cũng như bao cậu bé cùng trang lứa, ông luôn bị những tổ chim dồng dộc màu vàng rộm treo lơ lửng hấp dẫn.
Ngày ấy, nhà ông ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có vườn rộng mênh mông, bao bọc bởi những lũy tre làng ngút mắt. Cứ đến tầm tháng 4 là mùa sinh sản của chim dồng dộc, những chiếc tổ xinh xinh bắt đầu xuất hiện trên những đọt tre.
Ông Dũng kể, vào những năm 1965-1966, nhà ông vẫn nằm trong vùng tạm chiếm và là một trong số ít nhà sở hữu máy xay gạo. Một buổi trưa hè ông phát hiện ở bụi tre gần máy xay gạo có một tổ chim dồng dộc treo rất thấp, trong đó có một cặp dồng dộc con. Định bắt chim con về nuôi nhưng thấy chúng còn yếu nên ông quyết định để lại tổ chờ thêm mươi ngày cho chúng cứng cáp hơn. Nhưng ngay hôm sau, ông cùng gia đình chạy giặc, nhà ông bị thiêu rụi trong một trận càn. Lúc quay về, việc đầu tiên ông nghĩ đến là đi tìm đôi dồng dộc con, nhưng khi đến nơi thì đôi chim đã chết khô. Tổ chim không cháy, nhưng đôi chim non đã chết vì ngạt khói bom. Hai sinh mệnh nhỏ nhoi đã mất. Với tuổi thơ của ông thì đó là một nỗi mất mát khó quên.
Giờ đây, niềm vui khi có thể tìm và giữ lại cho mình những chiếc tổ dồng dộc xinh xắn khiến ông cảm thấy an ủi phần nào nỗi buồn một thời tuổi trẻ. Nhìn cách ông sắp đặt những chiếc tổ chim trên nền mành tre, cuốn trúc đẹp như một bức tranh nghệ thuật và treo ở những vị trí trang trọng đủ thấy tâm huyết của ông dành cho những chiếc tổ dồng dộc. Cùng với hơn 50 chiếc tổ đa dạng về kích cỡ, phong phú về kiểu dáng, hiện ông Dũng cũng là một trong số rất ít người sở hữu một tổ đôi dồng dộc (gồm tổ đẻ và tổ võng) liền nhau, được tết trên một nhánh lá cau. Đặc biệt hơn cả là cặp tổ sóng đôi này dài hơn 1 m. Với ông, đây thực sự là một tuyệt tác nghệ thuật từ tự nhiên…
An Dy
Bình luận (0)