>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 9: “Đại gia” cổ vật người Cơ Tu
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 8: Ông chủ trạm xăng mê sưu tập xe máy
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 7: Sưu tầm đồ vật thời chiến tranh và bao cấp
2 cổ tượng hiếm hoi của Phù Nam
Năm 1997, ông Phan Tấn Nam (ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chơi cổ vật và đến nay đã lưu giữ hàng trăm cổ vật của các nền văn hóa Phù Nam, Trung Quốc, Campuchia. 2 cổ vật mà ông tự hào chính là cổ tượng xưa gồm thủy thần
|
Matsya tạc bằng đá và tượng đồng Vikrama, đều là một trong hai hóa thân của thần Vishnu. Theo truyền thuyết, thần Vishnu là vị thần vĩ đại bảo vệ cho thế giới, thần đã đo vũ trụ bằng ba bước chân khổng lồ của mình và xây dựng nơi đây thành nơi ở của thần linh và loài người. Mỗi khi thế giới loài người bị ác thần đe dọa, thần Vishnu lại giáng xuống trần gian dưới hình hài các hóa thân khác nhau giúp loài người.
Ông Nam cho biết tư liệu cổ xưa cho thấy thủy thần Matsya là kiếp thân đầu tiên của thần Vishnu. Đây là cổ tượng làm bằng đá đen - loại đá độc đáo xuất hiện ở Ấn Độ. Khác với người cá và các thủy thần trong truyền thuyết phương Tây, thủy thần Matsya ngồi tư thế hình chữ S tóc xõa quá vai, tay phải cầm con ốc thể hiện trí tuệ, tay trái xòe ra vỗ về, che chở vạn vật. Ông Nam cho biết theo nghiên cứu, ngày xưa các thủy thủ, ngư dân khi ra khơi trên thuyền đều đặt tượng thần Matsya với niềm tin được thần trì hộ, an lành. Còn tượng thần Vikrama bằng đồng được tạc trong tư thế vô cùng độc đáo, đầu tượng cắm xuống đất còn hai tay ôm nâng Linga lên. Ông Nam diễn giải tư thế này ví như ngọn lửa bừng cháy thể hiện sự sống mãnh liệt vô tận.
|
Hai cổ tượng trên ông Nam đã phải lùng mua vất vả ở xã Vọng Thê (H.Thoại Sơn, An Giang) - nơi nổi tiếng với nền văn hóa Óc Eo xưa còn chưa khai phá hết. Trước đó, từ những thông tin mơ hồ rằng có vài hộ dân Vọng Thê lưu giữ các tượng cổ Óc Eo, ông Nam lần tìm tới nhưng chỉ nhận được những chỉ dẫn vu vơ. Sự kiên trì theo đuổi đã giúp ông mục kiến cổ vật ngàn năm. Ông Nam kể: “Người ta đam mê tượng cổ Phù Nam bởi bí ẩn của vương quốc này cùng nét độc đáo trong hoa văn chế tác”.
|
Tượng thần Vikrama bằng đồng với tư thế lạ đã gây ra không ít tranh cãi. Để hiểu rõ, ông Nam nghiên cứu các tài liệu cổ xưa, tài liệu của các chuyên gia giám định cổ vật ở Đại học Milano Bicocca (Ý), Đại học Lille (Pháp) và Viện Kist Seoul (Hàn Quốc)… Ông Nam tâm niệm đã chơi cổ vật là phải hiểu tường tận, không thì có lỗi với di vật của người xưa, chơi cổ vật không chỉ để mãn nhãn mà còn giúp tiếp cận tìm hiểu cội nguồn văn hóa, đó mới chính là thông điệp của cổ vật.
Lời “thách đố” bạc triệu
Với 2 cổ vật trên, năm 2004 ông Nam treo bảng “thách đố” biếu 2.000 USD cho những ai sưu tập bán cho ông các tượng đồng, tượng đá thuộc văn hóa Phù Nam mà ông đang sở hữu. Ông Nam khao khát 2 cổ vật của ông sẽ không nằm lẻ loi mà có đôi có cặp nhưng đến nay dù căn nhà luôn rộng mở đón tiếp dân sành chơi cổ vật nhưng bảng treo đã lâu vẫn chưa có ai đến tháo. Ông Nam nói: "Cho đến nay nó vẫn là 2 pho tượng độc bản trong cổ vật". Điều này chưa ai phản đối bởi trong làng chơi cổ vật, ông Nam luôn là người có uy tín.
Ngoài các cổ vật Phù Nam, ông Nam còn sở hữu nhiều cổ vật độc đáo thời Trung Hoa xa xưa. Đã có người hỏi mua nhưng ông Nam dứt khoát không bán vì những cổ vật ấy giờ như phần hồn của ông, không thể đong đếm bằng tiền mà phải bằng giá trị thời gian. Nắm giữ nó để tìm tòi chạm từng bước vào sâu thẳm của nền văn hóa bị vùi sâu trong lòng đất luôn là điều lý thú với ông Nam.
Thanh Dũng
Bình luận (0)