Cắt rừng tìm cổ vật
Ông là Alăng Linh (53 tuổi, trú tại thôn Prao, thị trấn Prao, H.Đông Giang, Quảng Nam) - người hơn 30 năm cất công len lỏi khắp các bản làng vùng cao để sưu tầm cổ vật. Nhiều hiểm nguy, tai nạn luôn rình rập trong hành trình một mình cắt rừng nhưng vì niềm đam mê cháy bỏng, ông sẵn sàng bỏ ra hàng tháng ròng theo đuổi một món đồ cổ ưng cái bụng. “Hồi đó, muốn mua được một món đồ cổ phải cuốc bộ mấy ngày liền. Có khi đến nơi, người ta chưa ưng bán, mình phải ngậm ngùi ra về rồi lần sau lại tìm đến… Người nhà thấy tui có tiền lại tậu một loại đồ cổ khác về cũng lo lo. Nhưng biết sao được, trót mê rồi…”, Alăng Linh khề khà.
|
Nạn chảy máu cổ vật từ các huyện vùng cao Quảng Nam âm thầm và đã diễn ra từ khá lâu. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên thời điểm khoảng 20 - 30 năm trước, nhiều cổ vật quý như: chiêng, chum, ché… từ các vùng xa giáp biên giới Việt - Lào bị tuồn đi nơi khác. Ông Alăng Linh biết chuyện này và không muốn khoanh tay đứng nhìn từng món đồ của cha ông mất dần. “Gia cảnh của tui cũng không khá hơn so với nhiều người khác nên ưng mua cũng không được. Nhưng may mắn năm đó nhà được mùa. Có nhiều thóc, tui tìm cách để giữ lại từng loại đồ cổ…”, ông Linh nói.
Nắm bắt được thói quen cũng như hiểu được đồng bào mình đang cần gì, ông Linh đã vào từng bản làng rồi “lấy vật đổi vật” để thu mua đồ cổ. Ban đầu, ông mua thuốc lá dưới xuôi rồi vào các bản heo hút tít tận các xã Ch’ơm, Gary, Axan... (H.Tây Giang) để đổi lấy thóc. Có thóc, ông lại mang về xuôi bán lấy tiền mua vật dụng khác, đặc biệt là đồng hồ đeo tay, sau đó lại ngược rừng để đổi lấy cổ vật. Ai không có cổ vật thì ông đổi lấy trâu, bò, xalung (vải thổ cẩm), rồi lại dùng những thứ này để đổi cổ vật.
“Đi buôn có nhiều chuyện tui không thể quên. Vất vả, bệnh tật, thậm chí đối mặt với thú dữ, tui cũng không sợ. Có lần, tui dắt hai con bò xuống xã Tư (thuộc H.Đông Giang) để đổi một món đồ cổ. Khi gần tới nơi thì trời tối sập, tui bất ngờ gặp ba người trông dữ tợn lắm. Họ định cướp bò của tui. Giằng co mãi, tui mới rút con dao bỏ sẵn sau gùi ra, họ mới bỏ chạy”, ông Linh kể. Đó chỉ là một trong nhiều lần Alăng Linh gặp nguy. Trên đường một mình băng rừng, không biết bao lần ông gặp “thảo khấu”. Nhưng nhờ lanh lợi, hoạt ngôn mà ông thoát nạn.
Ông Linh cho biết một lần nọ đang trên đường sang H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế) thì bị bệnh nặng phải đánh liều vào nhà dân xin giúp đỡ, điều trị. Nằm liệt giường suốt tuần liền, bệnh còn âm ỉ, túi cũng rỗng tiền, nhưng ông vẫn sang đến huyện này rồi tìm cách xoay xở. Với Alăng Linh, sở thích sưu tầm đồ cổ đã ăn sâu vào huyết quản. Hễ cứ nghe nơi này người ta mới phát hiện được chiếc chiêng cổ, nơi khác người nọ đang muốn bán chiếc chum… thế nào ông cũng tìm đến.
Chỉ mua, không bán
Với gần 100 cái chum, ché, chiêng cổ… thuộc hàng quý hiếm, trị giá hàng tỉ đồng, Alăng Linh thực sự là một tay chơi cổ vật đang có nhiều món đồ hết sức độc đáo. Ông nâng niu đồ cổ như con bởi theo lý giải của ông, mình đã mất công tìm và tốn tiền, tốn nước bọt thì phải trân quý. Thế mới có chuyện, mỗi lần có được một cổ vật, ông xếp ngay ngắn rồi mang vào lưng gùi về đến tận nhà mặc dù đường rừng hiểm trở, xa hàng trăm cây số. Căn nhà gỗ của Alăng Linh không rộng, nhưng chỗ để bày biện cổ vật khi nào cũng nằm ngay tại vị trí trang trọng nhất. Và đó là cách mà ông Linh thể hiện sự tôn kính với cổ vật của dân tộc mình.
Trong nhiều hiện vật ông Linh đang giữ có tẩu thuốc độc đáo mà theo ông là có từ thời vua Gia Long (triều Nguyễn). Để có được tẩu thuốc này, ông đã phải bỏ một con trâu béo tốt, ba lần năn nỉ người ta mới để lại. Ngày ngày, Alăng Linh lại dùng chiếc tẩu này đốt điếu thuốc cảm nhận giá trị tinh thần hết sức sảng khoái. Hay tin, nhiều người chơi đồ cổ khắp nơi kéo về ngã giá, xin nhượng lại nhưng ông Linh quyết không bán. “Không dưới hai lượng vàng đâu nhé. Nhưng đây là hàng không có cái thứ hai nên làm sao tôi bán được”, ông Linh giọng đầy tự hào khi nói về chiếc tẩu của mình.
“Nhiều người tìm đến nhà tui để hỏi mua nhưng tui không bán. Của còn đó thì còn mãi cho con cháu, bán đi rồi biết tìm chỗ mô. Bây giờ, ai bán thì mua, chứ nói tui bán lại thì không”, Alăng Linh tiếp lời: “Cổ vật hàng trăm năm tuổi, cha ông bao đời gìn giữ rồi để lại cho con cháu, cho tui bây giờ. Giờ nhiệm vụ của tui là tiếp tục lưu giữ cho con cháu mình”. Theo ý của ông Linh, đồ cổ chỉ có đến với ông nhưng không có chuyện sẽ ra đi và thất tán. Cũng phải, bởi Alăng Linh đang ấp ủ ước mơ mở một bảo tàng tư nhân để giáo dục thế hệ trẻ.
Ông Linh cho biết hiện ông đang có nhiều chiêng, ché, chum cổ... Nhìn vào cách bài trí, có thể thấy ông quý nhất là 4 cái ché (trị giá 150 triệu đồng/cái) được đặt ở gian giữa, cạnh bàn thờ hằng ngày ông vẫn hương khói. Ngoài ra, ông còn có hàng trăm chiếc xalung quý, cổ vật khác như: đĩa, chén, lư cổ... có giá trị. Đã không ít người đến nhà ông để hỏi mua cổ vật, thậm chí có người từ Lào qua gặp ông để mua một bộ chiêng cổ với giá 100 triệu đồng. Có người nản chí bỏ cuộc vì không mua được, người kiên nhẫn hơn thì quay lại 3-4 lần, nhưng họ đều nhận được cái lắc đầu của Alăng Linh. |
Hoàng Sơn
>> Ngắm bộ sưu tập cổ vật phục vụ thú vui người xưa tại Huế
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 5: Những chiếc ấn mang dấu thời gian
>> Khai quật cổ vật trên con tàu đắm
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 2: Tượng 500 năm tuổi giữa đồng
>> Phượt lên biên giới với người dân Cơ Tu
>> Giúp đồng bào Cơ Tu
Bình luận (0)