Thời vàng son trong quá khứ
Nhắc đến thời vàng son, chị Ngọc Linh, một tay phó nháy có hơn 15 năm trong nghề tại chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: "Đó là những năm 1980 đến 1990, chụp ảnh dạo cực kỳ thịnh vượng. Thiếu thầy thiếu thợ, thấy khách có nhu cầu chụp hình làm kỷ niệm đông quá, tôi cũng nhào vô làm theo lời rủ rê của mấy ông anh...". Với chiếc máy Pentax và một ống kính zoom cũ kỹ, chỉ qua một khóa huấn luyện ngắn ngày, chị Linh đã có thể ghi lại những khoảnh khắc mà khách phương xa yêu cầu bằng tất cả niềm say mê. "Hồi đó ngày chụp, đêm cũng chụp, tiền vào thoáng lắm, chi tiêu cũng thoải mái, thậm chí ai siêng năng chịu khó có thể vài ba năm là mua được căn nhà", chị bồi hồi nhớ lại. Không chỉ có nơi chùa chiền, thành phố ngày càng mọc ra nhiều điểm du lịch như: Thảo Cầm Viên, Hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, khu nhà thờ Đức Bà, Tao Đàn..., những nơi này đã nuôi sống hàng trăm "nhiếp ảnh gia... dạo" tứ xứ đổ về. Thời đó, có người còn phải "chạy chọt" cửa sau, tốn không ít tiền mới mong được đặt chân vào làng... chụp dạo! Trong số đó, nữ phó nháy tuy ít hơn nhưng lại là những tay chủ lực, bởi biết tiếp thị duyên dáng, khéo ăn nói, khéo cả cách nhìn cũng như nắm bắt tâm lý khách hàng khá nhanh. Cảnh quan đẹp, người chụp lịch sự, khách đến tham quan ai cũng muốn ghi lại kỷ niệm, cứ thế thời đó chụp ảnh dạo cứ như là một nghề thời thượng. Chỉ cần khách đứng vào khung là coi như... bấm máy lấy tiền.
Nghề không còn thịnh
Đa số khách du lịch ngày nay đều tự chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: L.Đ.Long |
Khách du lịch ngày nay hầu hết đều mang theo máy ảnh hiện đại, kỹ thuật số, để tự bấm máy cho mình và cả đoàn đi chung. Như các chị nói, đó là lý do chính khiến công việc chụp ảnh dạo có nguy cơ trở thành "nghề của ngày nào". Nhưng khi hỏi các chị có muốn tìm việc khác không, thì họ cười: "Việc gì bây giờ, chụp hình đến nay cũng đã 15 năm rồi, làm sao bỏ được. Còn đi nơi khác dựng nghiệp? Nói thì dễ, nhưng làm thì khó lắm! Suối Tiên thì khấm khá đấy, lực lượng nữ cũng được vài ba người, nhưng ở đấy cũng đủ người rồi. Bên Đầm Sen thay đổi cảnh quan liên tục nên sống có đỡ hơn, nhưng nghiệt một nỗi là bên ấy lại không nhận nữ, thấy buồn gì đâu...".
Nhiều nỗi âu lo
Ngoài nỗi âu lo cho nghề nghiệp, còn có một điều ít nói ra là nhiều nữ phó nháy nhà ta thường gặp trớ trêu trong chuyện tình cảm. Ngọc Xuân, cao khoảng một mét sáu lăm, gương mặt dễ nhìn lại thêm làn da trắng mịn, là tay máy cự phách trong làng chụp đám cưới ở khu vực Chợ Lớn, giờ đã bước vào hàng "băm cứng" vậy mà vẫn cứ phòng không gối chiếc. Hỏi thì nàng thưa: "Từng lăn lộn nhiều năm với nhiều đám cưới rình rang, nhưng sau đó lại chứng kiến quá nhiều cuộc tranh cãi của những đôi vợ chồng trẻ dẫn đến đổ vỡ, nên tôi đâm ra... ngại. Trong ống kính ngắm cái đẹp quen rồi, nên bên ngoài kiếm người vừa ý khó quá". Tuyết Trinh, nhà ở quận 4, thì thút thít đưa ra cái máy ảnh bị bể đầu kính: "Anh coi đó, chụp khách hàng thì phải mời chào vui vẻ, vậy mà ảnh ghen lên, quăng luôn cái máy, bây giờ biết làm sao kiếm cơm nữa đây?...". Thùy Trang, cô gái từng sang tận Hoa Kỳ và Hàn Quốc để triển lãm ảnh và giao lưu với các nước bạn, tưởng sẽ yên tâm học nghề nhiếp ảnh để phát huy sự nghiệp, thế mà hiện nay Trang rẽ sang con đường khác và sẽ lấy chồng sang năm, chấp nhận "buông máy" để yên bề gia thất, vì anh chồng tương lai không thích con gái cứ đi long nhong để "nháy" hình...
***
Trở lại với chùa Vĩnh Nghiêm vào một buổi chiều. Tiếng chuông chùa ngân vang từng hồi, khách viếng chùa thưa thớt; thế nhưng hình ảnh hai nữ phó nháy đứng tựa bờ tường nơi cầu thang, bất chấp nắng mưa, sớm tối, tay lúc nào cũng cầm máy ảnh, ánh mắt xa xăm nhưng luôn theo dõi từng động tĩnh của khách thập phương như sẵn sàng "tác chiến" dễ làm người bận tâm buồn buồn, xao xuyến. Nghề buồn bày tỏ cùng ai...
Đắc Long
Bình luận (0)