Biết tiếng Anh, đam mê du lịch, yêu quê hương mình, mong muốn kết bạn với nhiều người trên thế giới..., những yếu tố sẽ giúp họ trở thành chuyên gia địa phương - một công việc thú vị.
Du khách Singapore vui thích thử nghiệm chèo xuồng trên sông trước nhà của Lê Thanh Sơn - Ảnh: Thanh Sơn
|
|
Niềm vui của những du khách tại nhà, vườn của chuyên gia địa phương
|
Những người trẻ năng động
Tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần, Lê Thanh Sơn (21 tuổi, làm việc tại Q.1, TP.HCM) tất bật đón rồi đưa nhóm bạn trẻ người Đức về nhà mình tận xã Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp để... chơi.
Tại đây, Sơn cùng nhóm bạn trẻ Đức tham quan vườn cây ăn trái, ao cá, chợ nổi, ngôi chùa cổ... “Bên cạnh việc đưa các bạn tham quan, mình còn chia sẻ những kỷ niệm vui buồn của bản thân gắn với các điểm đến. Những kỷ niệm bình dị thôi nhưng các bạn rất thích”, Thanh Sơn kể.
Nghe chuyện, tận mắt nhìn quê hương Sơn, tham gia sinh hoạt cùng gia đình, hàng xóm, rồi cùng nấu ăn, câu cá, hái trái cây, gặt lúa, nghe ca vọng cổ..., ai trong nhóm bạn trẻ người Đức ấy cũng cười tươi rói.
Công việc của Sơn có tên gọi là chuyên gia địa phương, một công việc vừa quen, vừa lạ ở cả VN cũng như trên thế giới.
Phú Tuệ Năng (30 tuổi), bạn bè quen gọi Jaka, là người Chăm. Kể từ khi nghề chuyên gia địa phương ra đời, Jaka tham gia và ngày càng yêu thích. Sau một thời gian đưa du khách tham quan các điểm du lịch do mình tự thiết kế ở TP.HCM, để chuyên nghiệp hơn, truyền tải sinh động văn hóa của dân tộc mình, Jaka rời TP.HCM về Ninh Thuận mua đất và xây dựng một ngôi nhà Chăm truyền thống. Tại đây, Jaka giới thiệu với du khách về làng Chăm và nét đặc thù trong văn hóa, ẩm thực... của dân tộc mình.
Không chỉ đưa đi chơi, Lê Huỳnh Kim Ngân (25 tuổi) còn giúp du khách tìm kiếm cơ hội làm việc, hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP.HCM. “Khách của mình đa số là dân công nghệ thông tin. Họ tìm đến để mình giúp họ có các cuộc tiếp xúc với những đối tác trong cùng lĩnh vực tại TP.HCM. Cũng có người chỉ cần mình đưa đi uống cà phê, dạo phố công nghệ, trò chuyện về lĩnh vực này trong một ngày hoặc một buổi”, Ngân chia sẻ.
Du lịch để yêu và để nhớ
|
Là dân làm du lịch, với cá tính mạnh mẽ, thích đột phá, tìm tòi sự mới mẻ, Lâm Thị Thúy Hà đã sáng lập Triip.me từ năm 2013. “Mình muốn thay đổi quan niệm về du lịch. Du lịch kiểu cưỡi ngựa xem hoa, du lịch cho biết dần được thay bằng du lịch để yêu, để nhớ. Mình muốn du khách nếm được phong vị từng địa phương khác nhau, từ văn hóa, món ăn, phong cảnh cho đến con người. Với những chuyên gia địa phương, họ chia sẻ được tình yêu của mình về quê hương với du khách. Từ đó, giúp du khách và người dân địa phương xích lại gần nhau hơn”, Thúy Hà cho biết. Cho đến nay, Triip.me đã có hơn 5.000 chuyên gia địa phương ở khắp nơi trên thế giới.
Muốn trở thành chuyên gia địa phương, các bạn trẻ phải tự thiết kế tour của mình sao cho hấp dẫn. Tất nhiên, tour ấy phải là tour tại quê hương của họ hoặc thuộc lĩnh vực mà họ đang công tác. Sau khi gửi thông tin đến Triip.me, đại diện trang web này sẽ có buổi phỏng vấn. Khi có khách đặt tour, Triip.me gửi email, điện thoại để xác nhận với chuyên gia địa phương, tạo mối liên hệ giữa các bên trước khi khách khởi hành.
Theo Lâm Thị Thúy Hà, đa số bạn trẻ làm nghề này đều có công việc ổn định, thu nhập cao. Họ không đến với nghề vì tiền, mà chỉ mong được thỏa đam mê, được giới thiệu quê hương mình và quan trọng là có được nhiều bạn bè.
Bình luận (0)