Trên thế giới, công tác xã hội (CTXH) với sự hành nghề chuyên nghiệp của các nhân viên xã hội được xem là công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy công bằng, an sinh xã hội để một quốc gia phát triển hài hòa. Là một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên mở trường đào tạo CTXH chuyên nghiệp, nhưng mãi đến thời gian gần đây ngành khoa học, nghề chuyên môn này mới được “đánh thức” tại Việt Nam.
Khác với từ thiện cho “con cá”, CTXH giúp “cần câu” theo cách hiểu giúp tăng nội lực để người ta tự đi trên đôi chân của chính mình.
Đời vác “cần câu” thời nào cũng đầy những câu chuyện vui buồn từ sự dấn thân.
Buổi sáng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đông nghịt người lớn ẵm bồng bệnh nhi chờ đến lượt khám. Các bạn trẻ nhóm Happier len qua rừng người ấy đi về khoa phỏng - chỉnh hình. Cảm xúc nghèn nghẹn khó tả khi họ đến gần những bệnh nhi bị lở loét, quấn băng trắng toát chỉ còn chừa đôi mắt. Nhiều bệnh nhi được cột tay chân để không cào cấu vết thương.
|
Những “thiên thần vui vẻ”
Thấy bé trai S. (9 tháng tuổi, phỏng nước sôi) khóc ngằn ngặt, bạn Quyên bước tới dỗ dành, chỉ trỏ hình ảnh trong truyện tranh một hồi thì bé nín khe. Rồi họ quay sang bắt chuyện với người thân chăm sóc bệnh nhi. Anh P. kể do cháy nhà nên vợ anh bị phỏng toàn thân, hai con anh cũng đang điều trị tại đây. Quay sang giường bệnh, bạn Tiến cùng hát với bé Ph. “bà ơi bà, cháu yêu bà lắm...”.
Tháng 4-2010, nhóm tình nguyện Happier được thành lập tại BV Nhi Đồng 1 với chín SV ngành CTXH đến từ Trường ĐH Mở TP.HCM. Mặc dù đã biết trước nhưng khi tiếp xúc bệnh nhi với những vết phỏng lở loét khắp người, ai cũng bị sốc nặng. Nhiều bạn trong nhóm đã không kìm giữ được cảm xúc, một số bị ám ảnh đến nỗi bỏ cơm.
|
Do phải cách ly điều trị, bệnh nhi phỏng không chỉ đau đớn mà còn thiếu thốn tình cảm. Thế là các “thiên thần vui vẻ” đến bên giường bệnh trò chuyện, vỗ về, cùng vẽ tranh, tô màu, ca hát và tổ chức các sự kiện vui dịp sinh nhật, Noel, Trung thu... “Bé T. 5 tuổi hay gào khóc mỗi khi thay băng nên bị mẹ la và đánh. Khi được giải thích, bà mẹ này đã biết an ủi, động viên bé” - bạn Tiến kể.
Nhờ hiểu rõ hoàn cảnh từng bệnh nhi nên nhóm lập hồ sơ xã hội rồi gửi tới nhà hảo tâm, đến nay đã hỗ trợ viện phí được gần chục trẻ. Hiện nhóm đang vận động quyên góp thêm đồ chơi cho các bé. “Ngày nào không đến với các bé tự dưng thấy bứt rứt khó chịu như thiếu cái gì đó” - bạn Mai Anh bộc bạch. Gắn bó thân thiết với nhau nên lúc chia tay cả SV lẫn bệnh nhi lắm khi không cầm được nước mắt.
Tôn trọng “thân chủ”
“Nghề CTXH đòi hỏi có kiến thức, kỹ năng và sự dấn thân mới làm được” - anh Trần Tuấn Huy, giám đốc Trung tâm kỹ năng sống YMCA, từng là thành viên nhóm tiếp cận HIV/AIDS thuộc Quỹ cứu trợ Nhi đồng Anh (SCF/UK), chia sẻ. Trong giai đoạn 1992-1998, nhóm này có tới 43 anh chị: Phạm Thanh Vân, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Hùng, Trần Công Bình, Trương Hồng Tâm... Trong đó, một số có tay nghề CTXH, còn lại là những tuyên truyền viên đồng đẳng.
Theo lời anh Huy, lúc đó nhóm không chỉ tiếp cận “các anh” (sử dụng ma túy) mà còn “các chị” (hành nghề mại dâm) - cách gọi thể hiện nguyên tắc chấp nhận và tôn trọng “thân chủ” của người làm CTXH. Họ lang thang khắp nơi, sắm đủ thứ vai (tìm người quen, bán bao cao su...) để nắm tình hình và thâm nhập các “điểm nóng”. Buổi đầu ai cũng bị “các chị” chửi rủa bằng thứ ngôn ngữ không có trong từ điển. “Các chị chửi vì cho rằng tụi mình trù ẻo, mở hàng xui”, anh Huy nhớ lại.
Từ khi lôi kéo được một số chị hành nghề vào nhóm (trong số đó có chị Trương Hồng Tâm, tác giả cuốn hồi ký Tâm “si-đa” vượt lên cái chết và hiện vẫn là một nhân viên xã hội năng nổ) thì công việc có dễ dàng hơn, nhưng “cửa ải” tiếp theo là các tay ma cô, chủ chứa. Huy kể có lần anh Cương thả chị Huệ xuống tiếp cận “các chị”, lát sau mới đóng giả bác sĩ HIV/AIDS đến truyền thông, nhưng chỉ thấy chị Huệ nằm sụm do bị đám ma cô phang khúc gỗ. Anh Huy nói: “Chị ấy phải dưỡng thương suốt hai tháng ròng”.
Không chỉ vậy, các anh trong nhóm còn liều lĩnh giả làm khách làng chơi đột nhập các “động”. Nhưng do cách này hơi nguy hiểm và... tốn tiền nên nhóm nảy ra sáng kiến thương lượng cung cấp bao cao su cho các tay bảo kê bán “kiếm thêm” và đưa “các chị” đi khám, điều trị bệnh miễn phí. Về sau, nhóm thu xếp với chủ chứa cho bác sĩ khám tại “động” và kết hợp truyền thông HIV/AIDS. Theo lời anh Huy, lâu lâu lại có thành viên trong nhóm bị công an “hốt oan”.
Quá trình lăn xả tác nghiệp, nhóm chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Như chuyện một cô bé có mẹ bán dâm ở khu vực cầu Sài Gòn muốn “mai mốt làm gái giống mẹ”. Hay chuyện các chị vừa bán dâm vừa mang bầu đẻ thuê, chuyện gái bán dâm nhiễm HIV “trả thù đời” bằng cách cho khách “đi” không dùng bao cao su. “Chính vì vậy mà công việc của nhóm không bao giờ dừng lại”, anh Huy nói.
Điểm lặng của nghề
Mặc dù đó là công việc không có điểm dừng, nhưng theo anh Trần Minh Hải (hiện là giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe và phát triển cộng đồng Tương Lai), “điểm lặng” của nghề chính là khi giúp ai đó tự vượt qua chính mình. Như câu chuyện về Phùng Ngọc Phong - một trẻ đường phố sống lang bạt bằng “nghề” chôm chỉa, giật đồ, trấn lột...
“Ở trường giáo dưỡng, Phong làm đại ca với 60 đàn em dưới trướng”, anh Hải kể. Ra trường, “đại ca” tìm đến CLB trẻ em Cầu Muối (nay là Mái ấm Tre Xanh). Cậu đề nghị mở cửa lúc 3 giờ sáng để đi làm nhưng anh Hải không đồng ý. Sáng ra, anh Hải phát hiện chiếc xe đạp dành dụm từ mấy tháng tiền lương của mình bị Phong đập nát. “Tôi cố kiềm chế, đi dò hỏi mới biết đúng là Phong xin được việc làm, thế là phải xin lỗi vì đã không tin em”, anh Hải nhớ lại.
Sau cả năm trời trộn hồ, phụ làm cửa sắt và phục vụ tiệc cưới, Phong dành dụm mua được chiếc xe đạp làm phương tiện để đi học sửa ôtô. Chín tháng sau cậu có chứng chỉ nghề và được một người bạn của anh Hải dắt vô làm tại một gara. Ngày làm, tối đi học bổ túc văn hóa, ròng rã suốt sáu năm trời như thế thì Phong học hết lớp 12 và có thể “vọc” thoải mái các loại xe hơi đời mới.
Một thợ đàn anh bảo lãnh Phong vào thử việc tại một công ty chuyên bảo trì, sửa chữa ôtô. Vốn giỏi tay nghề, bạn trẻ này nhanh chóng được nhận vào làm chính thức. Từ khoản tiền dành dụm, Phong hùn vốn với ba người bạn mở gara sửa chữa - bảo trì ôtô. Giờ Phong đã thành ông chủ, cưới được vợ, tìm được người mẹ thất lạc bấy lâu. Anh Hải nói: “Tôi chưa từng thấy một trẻ đường phố nào có ý chí phấn đấu mạnh mẽ như thế, muốn gì là quyết tâm làm bằng được”.
Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ
>> Buôn lậu ma túy bằng đại bác
>> Độn ma túy vào ngực để buôn lậu
>> Người nghiện hút ma túy gia tăng
Bình luận (0)