Sau khi hết mùa chem chép, khoảng đầu tháng 2 âm lịch, người dân ở xóm Vạn (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) lại tiếp tục ngụp lặn để mò tìm trứng của loài sinh vật thân mềm mà họ thường gọi là con "bún sông".
Trứng của loài sinh vật 'lạ'
Để tìm hiểu về loài trứng "lạ" đang được dư luận quan tâm dạo gần đây, chúng tôi di chuyển đến xóm Vạn vào sáng sớm. Ở bến thuyền xóm Vạn, người dân tất bật chuẩn bị vợt, lưới, máy thở lặn khí để khởi động chuyến khai thác trứng "lạ" dưới lòng sông.
Người dân nơi đây thường gọi loại trứng "lạ" này là "bún sông", một trong những món đặc sản độc đáo ở dòng sông Cu Đê. "Bún sông" xuất hiện vào đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 âm lịch và sinh sản dày đặc dưới đáy sông Cu Đê.
"Bún sông" có đặc tính sinh sản trong đêm tối với số lượng lớn. Khi sinh sản, con "bún mẹ" sẽ đẻ nhiều dây trứng, cuộn lại như lọn bún cỡ bằng một bàn tay và có màu xanh nhạt. "Bún mẹ" có hình dáng xù xì, thân mềm, nhiều đốm xanh trên lưng, xung quanh thân có nhiều chân màu cam vàng và thường tiết ra chất dịch màu đen tím để bảo vệ khi gặp nguy hiểm.
"Trước đây, người dân dọc dòng sông Cu Đê có biết đến "bún sông" nhưng họ rất ít ăn. Vì thời đó, cá, tôm ở sông Cu Để rất nhiều nên họ không chú ý đến việc khai thác "bún sông". Nếu có ăn thì họ vớt lượng vừa phải, chỉ đủ dùng trong một bữa…", ông Huỳnh Tặng (63 tuổi, trú tại tổ 37, P.Hòa Hiệp Bắc) chia sẻ.
Ông Tặng nói thêm, "bún sông" khi mới sinh sản có màu xanh nhạt, ăn sẽ rất giòn, ngọt thanh. Nếu "bún sông" đã sinh sản được một thời gian nhất định sẽ ngả vàng, không còn giữ được hương vị độc đáo của "con bún" nữa.
Người dân lặn ở độ sâu khoảng 5 m để tìm "bún sông"
HỮU TÚ
Chiều muộn, người dân thả lưới dọc sông để bẫy "bún sông" vào đẻ trứng, cách làm này sẽ đạt được hiệu quả cao vì "con bún" thường sinh sản ở những chỗ có nhiều vật cản. Thế nhưng, đối với người có sức khỏe, họ sẽ lặn mò, bắt bằng tay để đảm bảo "bún sông" không bị đứt đoạn, giữ được độ tươi, giòn và được thu mua với giá cao hơn.
Đặc sản miền sông nước
Chúng tôi theo chân ông Lê Văn Úc (54 tuổi, trú tại tổ 37, P.Hòa Hiệp Bắc) để tìm hiểu rõ hơn về cách đánh bắt "bún sông" dưới lòng Cu Đê.
Ông Úc cho biết, ngày trước, máy móc chưa phát triển nên người dân trong vùng chỉ lặn và vớt một ít "bún sông" về làm thức ăn cho gia đình. Bây giờ, "bún sông" có giá trị về kinh tế nên người dân trong vùng mua máy lặn khí để giảm sức lực cũng như khai thác hiệu quả hơn.
Trước khi lặn, ông Úc buộc khoảng 8 kg chì vào thắt lưng, chuẩn bị máy bơm khí và đeo lưới đựng "bún sông" vào cổ. Sau khoảng 20 phút lặn, ông kéo chiếc ghe nhỏ rời xa khu vực neo đậu khoảng 200 m. Cứ thế, bọt khí nổi lên mặt nước, ông Úc lặn và kéo theo chiếc ghe nhỏ len lỏi trong những chiếc rớ chòi để tìm "bún sông".
Hơn 40 phút lặn, ông Úc thu về được mẻ "bún sông" đầu tiên, chừng 2 kg. Xung quanh, nhiều chiếc ghe nhỏ "không người" vẫn di chuyển trên dòng sông Cu Đê, dưới mặt nước là những người đang "săn lùng" ổ trứng của "con bún".
"Đầu mùa, mỗi buổi, tôi lặn được từ 10 - 15 kg là bình thường. Nay đã cuối mùa, kèm theo đó người dân thả lưới dọc sông rất nhiều nên những người lặn như tôi khó thu được số lượng lớn, nếu có cũng chỉ khoảng 5 - 7 kg…", ông Úc bày tỏ.
"Bún sông" được các thương lái thu mua tận bến thuyền xóm Vạn. Đầu mùa, giá "bún sông" dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Hiện nay, giá "bún sông" đã giảm đi phần nhiều vì kích thước nhỏ, chỉ còn từ 65.000 – 80.000 đồng/kg.
"Để bảo quản "bún sông" giữ được độ tươi ngon vốn có, sau khi khai thác, chúng tôi rửa sạch bằng nước biển loại bỏ rong tảo, bùn đất. Tiếp đến, chúng tôi rửa sạch lại bằng nước ngọt và ngâm trong nước muối đến khi thương lái đến thu mua", ông Úc nói.
"Bún sông" cuối mùa
HỮU TÚ
"Bún sông" Cu Đê là một trong những món đặc sản độc đáo của bà con nơi đây. Người dân thường chuẩn bị nhiều loại rau mùi, tôm, thịt luộc, đậu phộng để trộn cùng "bún sông", tạo nên một hương vị thanh mát, giải nhiệt trong những ngày oi bức đầu hè…
Bình luận (0)