Bởi với họ, đây không chỉ là nghề để mưu sinh, mà còn là một nghề có thể cứu người, làm điều thiện...
Công việc đòi hỏi tài xế cứu thương phải có thần kinh thép - Ảnh: Diệu Hiền
Thần kinh thép...
Buổi tối thứ bảy những ngày đầu tháng 10, có mặt ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, chứng kiến cảnh xe cấp cứu 115 ra vào như mắc cửi. Những chiếc xe lao vào, tài xế nhanh chóng bung cửa, nhảy ra khỏi buồng lái vội vàng cùng nhân viên y tế kéo băng ca, đưa bệnh nhân máu me đầm đìa vào phòng cấp cứu. Khi bệnh nhân đã yên vị, tài xế phải tiếp tục nổ máy với lệnh điều động cấp cứu cho một ca bệnh mới, đồng thời nhường chỗ cho chiếc xe cấp cứu khác đang chạy vào sân khoa... “Nhiều khi cấp tập không biết mình thở vào lúc nào. Nhưng có lệnh điều động, thì tinh thần, trạng thái luôn sẵn sàng. Phải chạy đến nơi, để kịp xử lý hiện trường nếu là tai nạn giao thông, nếu không người dân không biết xử lý ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhân. Nếu tình trạng bệnh nhân tốt, thì đường về sẽ bớt căng thẳng hơn. Nhưng nếu tình trạng bệnh nhân xấu, mọi tình huống xảy ra trên đường đi liên quan rất lớn đến sinh mạng của bệnh nhân, thì người tài xế xe cứu thương phải thực sự là người vững vàng sau tay lái, sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện...”, tài xế Nguyễn Đặng Minh Huy, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng chia sẻ về công việc của mình, sau một ngày căng thẳng trong guồng quay lái xe cấp cứu, cứu người.
Bs Ngô Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cho rằng nghề lái xe cấp cứu là một nghề đặc thù. Để tuyển dụng được một tài xế lái không phải là việc đơn giản. Người được tuyển phải hội đủ rất nhiều điều kiện như: trẻ, linh hoạt, có sức khỏe tốt để đảm nhận công việc lâu dài, xử lý tình huống linh hoạt, tay lái vững vàng... “Và phải có thần kinh thép mới theo đuổi được nghề nghiệp này!”, Bs Thảo nói. Mỗi tài xế được tuyển vào, còn phải được đào tạo thêm ít nhất là 4-5 tháng, nhiều nhất là 7-8 tháng. Bên cạnh đó, tài xế còn được tập huấn nghiệp vụ sơ cấp cứu, bởi tài xế cũng là nhân viên của ngành y tế, phải hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách khi xảy ra trường hợp nhiều người bị tai nạn cần hỗ trợ sơ cấp cứu... “Tài xế lái xe cấp cứu cũng phải rành rẽ về xe cộ, bởi không ít những trường hợp gọi đến cấp cứu đều vào buổi tối, nếu xảy ra sự cố về xe không kịp xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh nhân!”, Bs Thảo nói thêm.
Vui buồn với nghề
8 năm gắn bó với nghề lái xe cấp cứu cũng là quãng thời gian anh Huy trải qua không ít chuyện nghề vui buồn. Có không ít lần, khi đang cùng những đồng nghiệp xử lý cấp cứu cho những nạn nhân bị tai nạn giao thông trên đường, người nhà nạn nhân xuất hiện lao vô đánh hoặc chửi bới. “Những lúc bị đánh oan như vậy, phải ngừng cấp cứu để giải thích, rồi mới tiếp tục làm được. Đó là nghề của mình rồi, phải chịu thôi!”, anh Huy cười buồn nói. Chuyện của tài xế Nguyễn Quang Khải cũng kém vui, khi anh cho rằng, nghề lái xe cứu thương, dù là để cứu người, nhưng lại phải luôn nghe... chửi. “Nhiều khi nghe điện thoại gọi đến, ba chân bốn cẳng lái xe chạy đi cho kịp thời gian, nhưng nhiều hôm gặp những sự cố khách quan như kẹt xe, đường hỏng... tiếp cận hiện trường chậm, khi có mặt thì người bệnh đã được đưa đi bằng xe taxi, xe ôm... Vậy là người dân xúm vào chửi toàn bộ kíp xe cứu thương, bằng tất cả ngôn ngữ kinh khủng nhất. Lúc đầu tôi sốc dữ lắm. Nhưng nghe riết cũng quen, họ chửi thì cứ bình tĩnh mà rời hiện trường, chứ đôi co thì sự thể sẽ rất xấu”, anh Khải nói kinh nghiệm.
Cách đây không lâu, trong khi đưa bệnh nhân về Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu, các tài xế cứu thương cũng gặp không ít trường hợp dở khóc dở cười. Nhiều trường hợp bệnh nhân đánh nhau, đang được đưa đi cấp cứu, máu me đầm đìa, vậy mà đang đi trên đường, thấy người trong nhóm vừa đánh mình đứng bên đường, liền hù dọa tài xế, bắt phải dừng xe để... đánh tiếp. Có không ít trường hợp 2 nhóm đánh nhau, người dân thấy có người bị thương thì gọi cấp cứu, nhưng khi vào cấp cứu nhóm kia, thì nhóm này cho là giúp nhóm kia đối đầu với họ, vậy là họ xúm vô đuổi đánh luôn kíp cấp cứu...
“Tai nạn là việc rất dễ xảy ra, nhất là những trường hợp va quẹt. Nếu bản thân người cầm lái không tự ý thức được việc bảo đảm an toàn cho mình và người bệnh, cùng cán bộ y tế trên xe, thì sẽ rất nguy hiểm”, anh Khải với thâm niên 10 năm cầm lái khẳng định. “Cách đây 5 năm, một tài xế của Trung tâm 115 Đà Nẵng chở bệnh nhân ra Hà Nội, đến khu vực Thanh Hóa thì bị sự cố, xe lật nhào. May là không bị thiệt hại về người, còn xe thì hư hỏng nặng... Sau lần đó, anh em lái xe Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng càng đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết”, Bs Thảo chia sẻ.
Diệu Hiền
>> Xe cứu thương giúp bệnh nhân nghèo
>> Những người tử tế - Bài 2: Xe cứu thương của "Hai lúa
Bình luận (0)