Nghề mà ai cũng mong được... thất nghiệp

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
21/09/2023 07:00 GMT+7

Từ lâu, cứu hỏa được xem là nguy hiểm, chuyên cứu "cái còn trong cái mất". Mọi người còn nói với nhau rằng: "Đây là nghề mà ai cũng muốn thất nghiệp", bởi khi những đám cháy xảy ra đều mang đến nhiều mất mát.

ĐI CỨU "CÁI CÒN TRONG CÁI MẤT"

Từng có mặt tại hiện trường đám cháy nhà kho cạnh ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vào tháng 4.2022, người viết vô cùng xúc động khi chứng kiến một lính cứu hỏa bị thương rất nặng ở tay trong quá trình chữa cháy. Trông vết thương có vẻ rất đau nhưng anh vẫn giữ bình tĩnh để các đồng đội yên tâm tiếp tục làm nhiệm vụ. Người lính cứu hỏa kiên cường đó là Đoàn Phú Quang (24 tuổi, quê tại TP.Cần Thơ).

Nghề mà ai cũng mong được... thất nghiệp - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa là giữ cho mình sự minh mẫn, tập trung khi bước vào công việc

Trần Duy Khánh

Quang cho biết để theo đuổi được công việc này, anh phải thường xuyên rèn luyện sức bền, phản ứng nhanh nhẹn trong việc ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy ra trong đám cháy. Ngoài ra, việc tạo niềm tin cho đồng đội và khiến gia đình yên tâm luôn được Quang chú trọng. "Chính vì đam mê quá lớn nên khi đối mặt với nhiều khó khăn, mình càng có động lực hơn trong tập luyện, để đảm bảo an toàn cho đồng đội, người dân khi có hỏa hoạn xảy ra", Quang cho biết.

Trong quá trình làm nhiệm vụ không chỉ để cứu người mà còn phải đảm bảo an toàn cho đồng đội. Một khi đã nhận được thông tin thì đồng nghĩa có vụ cháy lớn xảy ra, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của con người. Cho nên nghề này ai cũng mong thất nghiệp là vậy.

Anh Lê Tấn Kiệt, PC07 khu vực 1 (Q.1, TP.HCM)

Nhắc về kỷ niệm đặc biệt trong quá trình làm nhiệm vụ, Quang chia sẻ: "Đó là sáng 10.11.2020, khi hồi chuông chữa cháy vang lên và kéo dài mãi không dứt, lúc đó tất cả nhanh chóng lên xe đến địa điểm xảy ra cháy. Khi đến nơi, trước mắt mình là cảnh tượng khoảng 12.000 m2 nhà xưởng chuyên sản xuất thực phẩm trong khu công nghiệp Hiệp Phước (H.Nhà Bè, TP.HCM), gần như bị cháy rụi. Và tất cả lính cứu hỏa đều phải cật lực tham gia dập tắt đám cháy đến chiều tối. Các anh em thay phiên nhau đến khi kiệt sức nằm trên đất cùng với những miếng bìa carton dùng làm mền đắp. Đó là hình ảnh in đậm vào tâm trí mà mình mãi không thể nào quên".

"HÃY ĐỂ CHÚNG MÌNH ĐƯỢC THẤT NGHIỆP"

Trần Thái Tài (22 tuổi, quê ở H.Củ Chi, TP.HCM), là lính cứu hỏa phục vụ tại PC07 khu vực 1 (Q.1, TP.HCM), cho biết để theo đuổi nghề này cần phải tâm huyết, hết mình phục vụ người dân và đất nước. "Không ai muốn có việc làm hết vì mỗi lần lên xe thi hành nhiệm vụ là biết rằng ngoài kia sẽ có người mất của cải hoặc nặng hơn là tính mạng. Vì vậy, hãy thực sự cẩn trọng phòng cháy để chúng mình được thất nghiệp", Tài nói.

Tài cho biết những vụ cháy xảy ra bất ngờ vì thế mỗi ngày đều tập luyện và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng cứu. Cụ thể, người lính cứu hỏa phải rèn luyện thể chất bằng nhiều bài tập, như: chạy bộ đường dài, triển khai đường vòi... để khi có nhiệm vụ sẽ phối hợp với nhau nhanh chóng và hiệu quả.

"Mỗi ngày, chúng mình phải đeo bình khí chạy đủ 1,5 km để duy trì thể lực. Khó khăn của lính cứu hỏa là giữ cho mình sự minh mẫn, tập trung khi bước vào công việc, vì mắc sai lầm sẽ phải trả giá đắt", Tài chia sẻ.

Cũng đang phục vụ tại PC07 khu vực 1 (Q.1, TP.HCM), Lê Tấn Kiệt (21 tuổi) đã trở thành lính cứu hỏa được 2 năm. Chia sẻ lý do chọn nghề này, Kiệt nói: "Yêu thích nghề vì rèn luyện cho mình một bản lĩnh gang thép, dũng cảm để bảo vệ tính mạng, của cải cho người dân".

Mỗi ngày, Kiệt và đồng đội thức dậy từ 5 giờ 30 phút để tập luyện thể lực. Kiệt cho biết phải thực hiện 11 động tác thể lực nâng cao, vác vòi dẫn nước và bình dưỡng khí lên xuống 12 tầng lầu. Những dụng cụ chữa cháy thường có trọng lượng khá nặng, như: bình dưỡng khí 8 kg, vòi dẫn nước gần 10 kg, lăng phun nước 2 kg… vì vậy đòi hỏi một sức khỏe tốt mới sử dụng thuần thục, nhanh nhẹn.

"Khó khăn của người lính cứu hỏa phải đối mặt là những vụ cháy trong đêm, ở hẻm nhỏ sâu hay chung cư vì rất dễ xảy ra chết chóc. Trong quá trình làm nhiệm vụ không chỉ để cứu người mà còn phải đảm bảo an toàn cho đồng đội. Một khi đã nhận được thông tin thì đồng nghĩa có vụ cháy lớn xảy ra, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của con người. Cho nên nghề này ai cũng mong thất nghiệp là vậy", Kiệt nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.