“Việc nhẹ lương cao”
Khi bóng đá Việt Nam trên đường bước lên chuyên nghiệp vào đầu những năm 2000, còn tranh tối tranh sáng, nghề môi giới cầu thủ (thường được gọi là “cò bóng đá” - PV) được xem là “việc nhẹ lương cao”. Chỉ cần vài cuộc điện thoại, người môi giới có thể thu về tiền phí hàng tỉ đồng, hàng chục ngàn USD. Điển hình như “siêu cò” nổi danh từ nam chí bắc T.T.Đ. Xuất thân là cầu thủ, ông T.T.Đ có đầu óc nhạy bén, sớm nhận thấy tiềm năng thị trường màu mỡ này nên đã nhanh chân nhảy vào. Lúc đó FIFA còn quy định người đại diện hoặc nhà môi giới phải thi đậu chứng chỉ hành nghề và ký quỹ 100.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 2,5 tỉ đồng Việt Nam). Dù chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng bấy giờ ông T.T.Đ vẫn là người mà ai cũng cần tới, từ các CLB cho đến cầu thủ nước ngoài lẫn các ngôi sao trong nước.
Trước mỗi kỳ chuyển nhượng, điện thoại của ông T.T.Đ đổ chuông không ngớt. Hầu như mọi CLB từ hạng nhất đến V-League, thậm chí cả hạng dưới, đều cần tới ông bởi nguồn cầu thủ dồi dào, phong phú từ trong nước đến thị trường châu Phi lẫn Nam Mỹ. Các ngôi sao bóng đá thời đó muốn ra đi tìm bến đỗ mới đều liên hệ qua ông bởi luôn được giá cao, dù tiền phí cũng cao ngất. Có thể nói, ông T.T.Đ là người kiếm tiền môi giới nhiều nhất thời đó. Trước mỗi mùa bóng, ông có hàng chục phi vụ chuyển nhượng, thu về hàng tỉ đến chục tỉ đồng. Nhiều ngôi sao bóng đá Việt Nam nói vui giới cầu thủ nên có lễ tri ân với “siêu cò Việt Nam” này vì ông đã giúp các cầu thủ từ sống lay lắt, bị CLB bắt chẹt qua một đêm đã đổi đời, nhà lầu xe hơi, tài khoản tiền tỉ.
|
Không phải ai cũng kiếm được tiền
Từ thành công của ông T.T.Đ, nhiều người, nhiều giới liên quan đến bóng đá thấy kiếm tiền “dễ ăn” nên cùng lao vào. Thực tế mọi việc không đơn giản. Nghề môi giới nghe thì dễ: chỉ cần đáp ứng cung - cầu, tức là có cầu thủ, rồi tìm đến CLB đàm phán, nếu thành công sẽ ăn tiền hoa hồng, nhưng lao vào làm thì lại vô cùng khó khăn. Ông T.T.Đ thành công bởi được xem là người đi tiên phong, có tài ngoại giao, có mối quan hệ đặc biệt rộng với các lãnh đạo CLB, HLV, cũng như cầu thủ. Đặc biệt, ông khá nhạy bén, có tầm nhìn “đi trước thời đại” nên mới thành công. Còn những người khác tay ngang nhảy vào thì rất dễ “tiền mất, tật mang”.
Chúng tôi có quen một người rất lanh lợi trong làm ăn, thấy thị trường môi giới cầu thủ Việt Nam béo bở nên bỏ công việc đang làm để rẽ ngang. Anh cũng tìm nguồn cầu thủ có chuyên môn tốt từ châu Phi và châu Âu đưa về Việt Nam chào mời các CLB. Nhưng do là “người ngoại đạo” với bóng đá, nên đã gặp nhiều “khúc xương khó gặm”. Có lần anh đưa 3 cầu thủ từ châu Phi về thử việc ở một đội bóng phía nam. Chất lượng chuyên môn rất tốt, HLV đội bóng cũng đồng ý lấy, nhưng đến đoạn chốt hợp đồng lại sinh chuyện. Vị HLV nói thẳng sẽ lấy cầu thủ A và B với điều kiện phải chi tiền cho ông với mức cụ thể. Anh chàng môi giới nhẩm tính tiền chi cho vị HLV còn nhiều hơn số tiền anh được nhận cho phi vụ đầu tiên, nên đành chia tay. Đến CLB khác anh cũng gặp tình trạng tương tự. Anh nhẩm tính tiền vé cho 3 cầu thủ, phí visa, thuê phòng trọ, thuê sân tập… ngốn của anh gần 200 triệu đồng. Phi vụ lại không thành, anh mất trắng. Sau một vài phi vụ thua lỗ cũng với kịch bản tương tự, anh đành từ giã cái nghề dễ người, khó ta này. (còn tiếp)
|
Mới đây xảy ra một vụ việc gây xôn xao dư luận liên quan cầu thủ Pedro Paulo. Tay “cò” D.B.T phải ngậm đắng nuốt cay khi Pedro công khai tuyên bố nhà môi giới này không phải là đại diện của mình, và vị này không có bằng chứng nào để chứng minh mình đang “sở hữu” ngoại binh này. Vì lo lắng sẽ mất trắng tiền hoa hồng chuyển nhượng một chân sút đang cao giá nên D.B.T nhắn tin đe dọa, khiến Pedro phải cầu cứu. Ở đội Thanh Hóa, D.B.T cũng rơi vào tình cảnh tương tự nên nhắn tin với lời lẽ khó nghe cho trợ lý HLV Ngô Văn Hòa của đội này. Ngày 22.8 CLB Thanh Hóa đã làm đơn nhờ Công an TP.HCM vào cuộc để bảo vệ cho thành viên đội bóng mình.
|
Bình luận (0)