Nghiên cứu thực hiện bởi các nhà tâm lý học đến từ Đại học Lancaster (Anh), Đại học Central Lancashire (Anh) và Đại học Gävle (Thụy Điển), xuất bản trên Applied Psychology: An International Review, phát hiện ra không chỉ không giúp ích, nhạc nền còn có thể làm giảm đáng kể khả năng sáng tạo.
Thay vào đó, sự yên tĩnh mới là vàng khi chúng ta thực hiện một nhiệm vụ sáng tạo, theo Medical News Today.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Neil McLatchiethis thuộc khoa Tâm lý học, Đại học Lancaster, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về hiệu suất làm việc khi bật nhạc nền so với điều kiện yên tĩnh”.
Theo Daily Mail, các nhà tâm lý học lưu ý rằng nghe nhạc nền là công cụ hỗ trợ phổ biến cho các nhiệm vụ sáng tạo như vẽ, nhưng có thể gây bất lợi cho việc giải quyết vấn đề hoặc sáng tạo lời nói.
Điều này áp dụng với bất cứ loại nhạc nào, dù đó là bản hit mới nhất trên Spotify hay bản piano nhẹ nhàng không lời.
Nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm, cho người tham gia một series ba từ và yêu cầu họ nghĩ ra từ thứ tư để thêm vào trước hoặc cuối của các từ đã cho, tạo ra một cụm từ mới, theo Medical News Today.
Nhiệm vụ này được đánh giá trong các môi trường khác nhau: yên tĩnh, có tiếng ồn thư viện hoặc với nhạc nền (bao gồm nhạc không lời, nhạc lời quen thuộc và nhạc lời lạ).
Hiệu quả giảm đáng kể khi người tham gia thực hiện các nhiệm vụ sáng tạo bằng lời nói trong môi trường âm nhạc, nhưng không có ảnh hưởng tiêu cực tương tự nếu họ trong môi trường tiếng ồn của thư viện hoặc yên tĩnh.
“Phát hiện này thách thức quan điểm phổ biến cho rằng âm nhạc tăng cường sự sáng tạo, và thay vào đó, chứng minh rằng âm nhạc, bất kể sự hiện diện của nội dung ngữ nghĩa có như thế nào - không lời, lời bài hát quen thuộc hoặc lời bài hát lạ - luôn phá vỡ hiệu suất sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề”, nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Applied Psychology.
Một số nghiên cứu trước đây cho rằng uống rượu vang hoặc uống trà thường xuyên có thể khiến một người sáng tạo hơn.
Bình luận (0)