Nghệ nhân vẽ truyền thần nức tiếng Hà Nội từng là sinh viên vật lý nguyên tử

Trời nắng hay mưa, gần 60 năm qua ở căn nhà số 47 Hàng Ngang, Hà Nội, người ta vẫn thấy cụ già râu tóc bạc phơ cặm cụi bên bát muội than, chăm chút cho bức vẽ truyền thần đang dang dở.

Đó là ông Nguyễn Bảo Nguyên, một trong những nghệ nhân vẽ truyền thần hiếm hoi còn lại của thành phố này. Cho đến nay, khi bước sang tuổi 83, người nghệ sĩ già vẫn miệt mài gìn giữ nét đẹp của đất Hà thành xưa với những giá trị văn hóa “một thời vang bóng”.
Ông Nguyễn Bảo Nguyên từng là sinh viên giỏi của khoa Vật lý nguyên tử (Đại học Tổng hợp Hà Nội), tuy nhiên lý do để chàng trai suýt là kỹ sư vật lý nguyên tử trở thành người thợ vẽ truyền thần đó là một trận ốm thập tử nhất sinh trước ngày thi tốt nghiệp.
Tiệm tranh truyền thần nằm lọt thỏm giữa con phố Hàng Ngang buôn bán sầm uất
“Bạn bè ra trường cả rồi, người ở lại trường giảng dạy, người về làm trong các viện nghiên cứu, chỉ có tôi ở lại trường và quyết định năm sau thi lại. Trong thời gian ở nhà nghỉ ốm, tôi đi khắp các con phố, xem người ta vẽ tranh truyền thần rồi tự học lấy và thấy đam mê rồi theo nghề tới tận bây giờ”, ông Nguyễn Bảo Nguyên nhớ lại.
Nằm nép mình trên con phố Hàng Ngang, ngôi nhà chưa đầy 10 m2 của nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên cũng trầm mặc và hiền hòa như chính chủ nhân của nó. Không gian đó là bao nhiêu bức vẽ, ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm từ ngày mới cầm cọ cho đến khi đã ở tuổi bát thập xưa nay hiếm. Những bà mẹ địu những em bé vùng cao với đôi má tròn bầu bĩnh, cô gái Hà Nội với mái tóc buông dài và đôi mắt trong veo… Nhắc về những tác phẩm của mình, ông Nguyễn Bảo Nguyên nói, bức vẽ mà ông ấn tượng nhất đến ngày hôm nay là bức vẽ chân dung người bạn thân.
“Đó là năm 1960, cửa hàng của tôi mới mở tại Hàng Bài. Bây giờ ông bạn tôi vẫn mang tranh ra khoe mỗi khi có dịp. Ở góc bức tranh còn ghi lại ngày 15.8.1960, ngày đầu tiên tôi vào nghề và chọn tranh truyền thần là nghiệp”, ông Nguyễn Bảo Nguyên bồi hồi.
Không sợ nghề tàn lụi
Những ngày đầu tiên đến với tranh truyền thần, ông Nguyễn Bảo Nguyên từng đến nhiều nơi xin học nghề nhưng không có ai nhận dạy cả, vì thế ông đều phải tự mày mò tìm hiểu.
Những chiếc bút gắn bó với ông Nguyên
Gần 60 năm nay, tranh truyền thần của ông Nguyên vẽ bằng muội than (còn gọi là muội đèn), đây là chất liệu khó phai màu, rất bền. Người tìm đến ông Nguyên không chỉ là những người làm mẫu, muốn ông Nguyên ghi lại chân dung. Nhiều người mang đến những tấm ảnh người thân đã cũ, mờ trên tờ giấy ố vàng, nhờ ông tái hiện lại thành chân dung để làm ảnh thờ, ảnh kỷ niệm trong nhà.
Trước đây quanh phố cổ Hà Nội có đến hơn 40 hiệu vẽ truyền thần, nhưng không phải ai cũng có hồn trong nét vẽ, nhất là ở đôi mắt của nhân vật trong tranh, để người được vẽ và người mua tranh xiêu lòng mà đồng cảm.
Ông Nguyễn Bảo Nguyên cho rằng, cái hồn đó được tạo nên từ lòng yêu nghề, sự quyết tâm, kiên trì, bên cạnh đó là khả năng quan sát và sự tinh tế của người họa sĩ, làm sao cho bắt được cái thần thái trên khuôn mặt người ngồi mẫu.
“Chỉ thêm một chi tiết trên ánh mắt, thần thái của bức tranh sẽ có sự khác biệt hoàn toàn lớn, từ một khuôn mặt bình thường sẽ trở nên có hồn hơn”, ông Nguyễn Bảo Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyên đang chăm chút cho một bức vẽ
Nói về cái hồn trong ánh mắt của người trong tranh, đến giờ ông Nguyên vẫn nhớ như in giọt nước mắt xúc động của những người đến nhận tranh vì thấy trên tấm giấy kia, người thân của họ như hiện ra sống động và gần gũi quá.
Thời hoàng kim của nghề vẽ truyền thần trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 1980, trước khi công nghệ chụp ảnh và in tráng trở nên bùng nổ và tiện ích. Nhiều người bạn nghệ sĩ của ông Nguyên lần lượt rời xa giá vẽ, rời xa muội đèn, chỉ còn ông Nguyên, ngày tháng cặm cụi và tỉ mẩn cho những đam mê và những ai còn chút gì luyến tiếc với tranh truyền thần xưa. Có những quãng thời gian rất buồn, cả tuần ông Nguyên chỉ có một người khách.
Thế nhưng, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, máy móc kỹ thuật số đã bão hòa, người ta lại muốn quay về với những giá trị truyền thống và vững bền.
Ông Nguyên đi nhiều nơi, gặp nhiều người và ghi lại trong ống kính máy ảnh của mình hình ảnh của những người tình cờ gặp và sau đó, dùng nét bút, muội than tái hiện lại họ trong tranh. Những bà mẹ địu con ở vùng cao, những em bé trong trang phục dân tộc với đôi má bầu bĩnh ửng hồng… đó là những bức vẽ mà khách nước ngoài rất thích. Họ sẵn sàng trả ông Nguyên giá cao để mua tranh về làm quà kỷ niệm.
Ông Nguyên không lo là vẽ tranh truyền thần sẽ mai một
Ngay khi hôm chúng tôi đến gặp ông thôi, có một thanh niên trẻ mang đến một tấm ảnh cô gái rất xinh và nhờ ông vẽ lại trong một bức tranh khổ A1. Anh muốn bạn gái của mình cảm động và bất ngờ với món quà được tặng.
“Tôi không sợ cái nghề này mai một. Vì cái gì sinh ra rồi tự nó sẽ mất đi, cũng đến một ngày, cái nghề vẽ tranh truyền thần này mai một rồi biến mất như quy luật đấy. Nhưng tôi vẫn tin chắc nó sẽ được phục hồi và tôn vinh trở lại. Đến một lúc nào, khi người ta chán các công cụ máy móc, họ lại quay về với những thứ truyền thống, thô mộc và giản dị như nghề vẽ truyền thần”, ông Nguyên trầm ngâm.
Và như thế, bình dị và lặng lẽ, trong phố cổ Hà Nội mỗi ngày nườm nượp xe cộ và người qua lại bán buôn, cửa hàng vẽ truyền thần của người họa sĩ già Nguyễn Bảo Nguyên vẫn nằm im nơi đó, số 47 Hàng Ngang, lưu giữ những gì xưa cũ của một Hà Nội đã xa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.