Nghề nuôi... muỗi

12/02/2009 10:34 GMT+7

Một dãy phòng cũ kỹ, trên những chiếc bàn lớn bày la liệt khay nhựa trắng đựng nước. Một cô gái trẻ tên Thanh Vân cầm thìa xúc đỗ xanh, bánh mì, tôm sấy khô xay mịn nhẹ nhàng thả vào khay nước, nhẹ nhàng như nuôi con mọn, nhưng đám “con mọn” ấy là bọ gậy đang chờ nở thành... muỗi.

Đó là công việc ngày thường của tổ nuôi muỗi, Viện Sốt rét - côn trùng và ký sinh trùng trung ương.

Như nuôi con mọn

Vừa trải qua một chuyến đi bắt muỗi ở tận Phú Yên, “chiến lợi phẩm” mang về là ba lọ nhựa chứa khoảng 100 con muỗi đen sì, to tướng, đang bay loạn xạ bên trong. Chuyến đi bắt được nhiều muỗi như thế là thành công nên TS muỗi Vũ Đình Chử, tổ trưởng, rất vui! Anh kể loại muỗi vừa bắt được tên Anopheles dirus, loại muỗi gây bệnh sốt rét ở khu vực miền Trung. Từ 2006, tổ nuôi muỗi đã bắt đầu nhân nuôi loại muỗi này.

Còn trước đó họ đã nhân nuôi các loại Anopheles minimus gây sốt rét, cư trú trên toàn quốc; Anopheles epiroticus là vật chủ trung gian (vector) truyền bệnh sốt rét ở các tỉnh ven biển từ Bình Thuận trở vào Nam; Aedes aegypti gây sốt xuất huyết và Culex quinquefasciatus gây viêm não Nhật Bản. Trước đó nữa, tổ này còn nuôi cả bọ chét, loại vector truyền dịch hạch!

“Hỏi có bận không thì chúng tôi không bận, nhưng tỉ mẩn như nuôi con mọn” - chị Phạm Thị Hoan, đồng nghiệp của anh Chử ở tổ nuôi muỗi, nói. Công việc “nuôi con... muỗi” của chị mỗi ngày bắt đầu bằng việc cho muỗi ăn, dọn dẹp khay nước, hôm nay thêm việc cho muỗi Anopheles minimus giao phối nhân tạo. Loại muỗi Anopheles này đưa ngoài thực địa về thường không tự giao phối được ngay mà phải nhờ tay người. Đã gọi là bé như con muỗi, lại còn muỗi minimus đủ biết nó bé tí xíu như thế nào.

Chị Hoan chụp chúng vào ống thủy tinh có ête để làm muỗi ngất, chờ thêm một chút để muỗi hơi hồi tỉnh là châm con đực vào con cái, nếu đuôi chúng cặp lại với nhau là được. Chị để muỗi la liệt trên giấy thấm dưới kính lúp, thấy chúng tỉnh hơi quá là lại chụp ête, chúng lại ngất đi. Cứ tí xíu tí xíu một, cả buổi sáng chị cũng giúp giao phối nhân tạo được cho hơn chục cặp “vợ chồng” muỗi!

Đóng góp thầm lặng

TS Vũ Đình Chử cho biết muỗi được nhân nuôi sẽ được sử dụng để cấp cho các đợt tập huấn, thử nghiệm của Viện Sốt rét - côn trùng và ký sinh trùng trung ương. Nhiệm vụ của tổ nuôi là luôn có muỗi sẵn sàng để cung cấp mỗi khi viện cần.

“Muỗi cũng rất... chảnh, những ngày đầu đưa muỗi Anopheles epiroticus từ Cần Giờ, TP.HCM về nhân nuôi, chúng tôi phải chuyển nước lợ từ trong đó ra bằng tàu hỏa, rồi nhân được 2-3 lứa thì chuyển nước lợ ở Hải Phòng về, một thời gian sau mới pha nước muối tại chỗ. Khó khăn nhất là những ngày trời chuyển gió, rét đậm rét hại kéo dài. Lúc đó phải vào bật tấm sưởi, bếp điện hoặc đun nước sôi để hơi nước tỏa ra giúp tăng nhiệt và độ ẩm cho muỗi”- chị Hoan cho biết.

Tổ có bốn người, ngoài TS Chử còn lại là ba phụ nữ: chị Hoan và hai cô gái trẻ trung là Phạm Thị Thanh Vân và Trịnh Thị Thanh Vân. Chị Hoan nói mỗi đợt đi thực địa bắt được nhiều muỗi là một niềm vui. Họ thường phải ngủ đêm trong rừng, soi đèn pin tìm muỗi, trước đây còn phải xắn quần tận bắp chân cho muỗi đậu vào mà bắt, mỗi ngày cũng chỉ bắt được chừng 20 con.

Tôi nhìn xung quanh phòng nuôi muỗi, điều hòa nhiệt độ ở đây bị hỏng, muỗi được sưởi bằng tấm sưởi. Ở Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... cũng có những tổ nuôi muỗi như VN. Nhưng chắc chắn ở đâu cũng vậy, những người nuôi muỗi là những nhà khoa học thầm lặng. Công việc của họ không phải ai cũng biết và đánh giá được, thậm chí có thể coi đây là một trong những nghề lạ nhất. Họ chấp nhận điều đó, đơn giản vì khoa học luôn cần người đóng góp, kể cả sự đóng góp thầm lặng.

Theo Lan Anh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.