(TNO) Sau 21 năm giữ cương vị lãnh đạo tại Hội An (Quảng Nam), trước khi “rút lui” Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự vẫn đau đáu câu chuyện nhân sự về lớp cán bộ kế cận. Lẽ ra “ông quan” Nguyễn Sự đã “cáo lão về quê” sớm hơn nếu như công tác nhân sự được vun trồng, chăm lo sớm hơn nữa.
Ông Nguyễn Sự ( phải), Bí thư Thành ủy Hội An trong một lần giải đáp thắc mắc của thanh niên - Ảnh: Nghiêm An
|
Ngày 13.6 này, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hội An sẽ tiến hành bầu Bí thư thành ủy mới thay ông Nguyễn Sự, dù theo kế hoạch đến cuối tháng 7.2015 ông Sự mới kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 và đủ điều kiện để tiếp tục công tác đến tháng 1.2018. Trước đó, ông có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND thành phố.
Công việc ưu tiên của ông bây giờ (thời điểm ông chuẩn bị “treo ấn từ quan” như cách mà dư luận đang bàn tán) là tập trung lo công tác cán bộ, sắp xếp đội ngũ sao cho “ngay ngắn”.
Thất bại đầu tiên: Không được nghỉ hưu sớm
Trong cuộc chuyện trò với PV Thanh Niên Online, ông Nguyễn Sự nói rất nhiều về lần thất bại đầu tiên hồi năm 2013, khi không được… cho nghỉ hưu sớm.
“Mình muốn bàn giao lại cho anh em từ năm 2013 kia. Nhưng cấp trên và anh em ở Hội An không đồng ý cho mình nghỉ, chớ không phải lớp cán bộ kế cận không được tin tưởng. Đó là thất bại của mình. Đáng lý ra ông Sự nghỉ lúc nào cũng được”.
Ông Nguyễn Sự hình dung, nếu mọi chuyện suôn sẻ từ thời điểm 2013 vẫn tốt hơn, khi đó ông có thể lui về làm một cấp phó để hỗ trợ, chứ không “bám” mãi vị trí đứng đầu.
Ông Nguyễn Sự đi xe đạp đến nơi làm việc - Ảnh: Nguyễn Tú
|
“Cảm ơn giới truyền thông đã dành nhiều cảm tình, nhưng mình chỉ đơn giản là muốn “rút lui”. Thậm chí chậm trễ đến thời điểm này cũng đã là một sự thất bại”, ông tâm sự.
|
|
|
“Mình muốn bàn giao lại cho anh em từ năm 2013 kia. Nhưng cấp trên và anh em ở Hội An không đồng ý cho mình nghỉ, chớ không phải lớp cán bộ kế cận không được tin tưởng. Đó là thất bại của mình. Đáng lý ra ông Sự nghỉ lúc nào cũng được”.
|
|
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự
|
|
|
Từ năm 2013 đến đầu năm 2015, ông Sự có thêm vài lần xin nghỉ nhưng bất thành, nên càng quan tâm công tác dự nguồn cán bộ. Thực ra, từ năm 2010 ông đã xắn tay lo khâu nhân sự.
“Tôi không tiếp tục công tác đến năm 2018 nhưng phải lo xong chuyện bầu cử bí thư mới, sau đó chung tay cùng anh em lo Đại hội Đảng bộ. Không thể “chạy làng” lúc này được!”, ông Sự cho biết.
Ông Sự có lý do để chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi ở Hội An - di sản văn hóa thế giới - áp lực luôn đến từ nhiều phía. Từ sửa một ngôi nhà cổ đến chấp thuận một dự án, đều phải cân nhắc. “Nếu sợ sệt không dám quyết, thành phố khó phát triển. Còn mạnh bạo quá, Hội An sẽ nát ngay”, ông so sánh.
Ông Sự tỏ ý tin vào lớp kế cận và nhìn thấy những phẩm chất đáng quý nơi họ: có tâm huyết, trí tuệ, kiến thức, sức khỏe, tiếp cận công việc nhanh nhạy, trui rèn từ thực tiễn phong trào…
“Giờ tôi cảm thấy yên tâm rồi. Giả sử sau này anh em có chuyển biến theo hướng xấu, thì đó sẽ là lần thất bại thứ 2. Nhưng tôi không tin như thế”, ông nói.
Phải có bản lĩnh để… nghe chửi
Khi chúng tôi hỏi điều gì ông cần ở lớp cán bộ kế cận, Bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự nói ngay: bản lĩnh và dũng khí.
“Có đủ bản lĩnh chịu nghe dư luận phản ứng, nghe người ta chửi. Cần vượt qua nỗi sợ hãi, bởi đôi lúc số đông chưa hẳn đã là chân lý. Nhưng anh đừng làm ẩu, phải suy nghĩ kỹ hãy làm, khi đã làm thì cần có dũng khí. Cũng phải có dũng khí để vượt qua cám dỗ đời thường, để không trở nên quan cách, bởi quyền lực dễ dẫn đến tha hóa. Nên người cán bộ phải đặt mình vào vị trí người dân, vào miếng cơm manh áo của họ, vào môi trường, giáo dục, y tế… mỗi khi giải quyết công việc”, ông Sự đúc kết.
Sau những lần xin nghỉ thất bại ông Nguyễn Sự càng quan tâm công tác dự nguồn cán bộ - Ảnh: VMT
|
Ông Nguyễn Sự không giấu giếm chuyện lúc nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND thị xã Hội An hồi năm 1994, ông thậm chí “mù tịt” về giá trị của khu phố cổ.
|
|
|
“Có đủ bản lĩnh chịu nghe dư luận phản ứng, nghe người ta chửi. Cần vượt qua nỗi sợ hãi, bởi đôi lúc số đông chưa hẳn đã là chân lý. Nhưng anh đừng làm ẩu, phải suy nghĩ kỹ hãy làm, khi đã làm thì cần có dũng khí. Cũng phải có dũng khí để vượt qua cám dỗ đời thường, để không trở nên quan cách, bởi quyền lực dễ dẫn đến tha hóa.
|
|
|
Ông Sự đúc kết
|
|
|
“Có lần anh em bên bảo tồn đề nghị tôi duyệt kinh phí nghiên cứu tu bổ nhà cổ, tôi ký nhưng nghĩ bụng mấy ông này chắc đang “tranh thủ” kiếm chác chứ giá trị toàn cầu quái gì ở mấy ngôi nhà cổ này.
Nhưng rồi càng ngày thấy người ta đến Hội An càng nhiều, nên tôi lang thang tìm hiểu, dò tìm tài liệu, rồi dần dần yêu phố cổ.
“Tôi khôn ra, lớn lên và làm được một số việc nhỏ ở Hội An cũng là nhờ biết cách đi trên mặt đất, được thực tiễn cuộc sống dạy cho nhiều thứ”, ông Sự đúc kết.
Để rồi đến năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, năm 2001 UNESCO tiếp tục trao giải thưởng Dự án kiệt xuất về việc hợp tác bảo tồn di sản cho UBND thị xã Hội An và cá nhân ông Sự.
Chính những “giọt nước” thầm lặng của người dân phố cổ, trong đó có ông Sự, đã làm đầy “đại dương” di sản thế giới Hội An.
Nên ông Sự có lý do để nói về phẩm chất khác: năng lực truyền cảm hứng.
“Người lãnh đạo giỏi không hẳn phải giỏi toàn diện, mà biết cách truyền cảm hứng cho anh em, làm cho họ nóng lên. Người đứng đầu giữ lửa, chia lửa và bùng cháy; còn làm lửa sáng thêm, nóng hơn là do anh em cán bộ”, ông nói.
Nhờ công sức của cộng sự
Ông Nguyễn Sự (sinh năm 1957) được phong tặng Anh hùng lao động năm 2005, nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm 2012 của Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh vì những hoạt động tiêu biểu góp phần bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.
Ông Sự trải lòng: “Thực ra những gì tôi đạt được, đều do công sức của anh em cộng sự xã phường và các phòng ban ở thành phố. Họ góp đến 80%, chứ không phải danh hiệu của riêng tôi”.
|
Bình luận (0)