(TNO) Một buổi chiều đông Hà Nội, tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của nghệ sĩ guitar Văn Vượng ở khu tập thể Nghĩa Tân, thăm ông vừa trải qua cơn tai biến.
Nghệ sĩ Văn Vượng vừa trải qua cơn tai biến não - Ảnh: Minh Ngọc
|
Đã hơn 3 tháng nay, ngôi nhà vắng tiếng đàn của ông. Còn người nghệ sĩ coi chơi đàn như ăn cơm, uống nước hằng ngày, giờ đây chỉ biết ngồi lặng im, nín tiếng thở dài.
Sau cơn tai biến não, bàn tay phải của ông không còn cử động, chơi đàn được nữa. “Mọi thứ đến đột ngột quá. Trước đó vài hôm thôi, chú vẫn còn đi biểu diễn cho khán giả nghe. Chú còn vừa sáng tác 4 bài mới về biển đảo, về người lính nữa đấy”, nghệ sĩ Văn Vượng nói như thể mới hôm qua ông vẫn còn được chơi đàn.
Số phận vốn đã không ưu ái với ông. Năm lên 4 tuổi, di chứng của căn bệnh đậu mùa đã khiến đôi mắt cậu bé Văn Vượng không còn nhìn được nữa. Cậu đã tìm đến với âm nhạc như một người bạn. Cậu bé Vượng mò mẫm lấy dây thun căng qua nắp cơi trầu bằng đồng, gẩy dây cho phát ra âm thanh theo nhịp điệu những bài hát nghe được.
Bố mẹ biết được liền dành dụm tiền mua cho cậu con trai út cây đàn guitar. Từ đó, cây đàn guitar trở thành người bạn tri kỷ, không rời ông nửa bước. Văn Vượng tự mày mò đánh đàn. Ông nghe những bản nhạc qua Đài tiếng nói Việt Nam, phát ra từ chiếc loa phát thanh đầu xóm, rồi tự đánh theo. Khi được người bạn dạy chữ nổi, ông lại cặm cụi tỉ mỉ lần tìm, tra cứ tài liệu.
|
Những ai quen Văn Vượng đều thương ông cuộc sống sao long đong, vất vả. Mãi đến khi hơn 40 tuổi, ông mới lập gia đình. Nhiều cô gái mê tiếng đàn Văn Vượng, nhưng không vượt qua nổi định kiến của gia đình về người nghệ sĩ nghèo khó lại mù lòa. Chỉ có cô bác sĩ mê tiếng đàn của ông là quyết tâm vượt qua tất cả để xây dựng cuộc sống gia đình với Văn Vượng. Hai vợ chồng ông mong được làm cha làm mẹ, nhưng phải đến 11 năm sau, niềm hạnh phúc mới đến với họ. Người con trai cũng mang gien nghệ thuật của ông. Cậu đang theo học chuyên ngành piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Người nghệ sĩ đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn là trụ cột chính của gia đình. Ông thương vợ, thương con lắm. Vì ông không đánh đàn được nữa cũng là lúc gia đình mất đi khoản thu nhập chính. Mỗi tháng, tiền điều trị cũng mất tới 15 triệu đồng. Những cây đàn guitar được bọc lại cẩn thận đã mờ lớp bụi. “Bác sĩ ngày nào cũng đến châm cứu cho chú. Chú chưa bao giờ nghĩ mình sẽ không được chơi đàn nữa”, nhạc sĩ Văn Vượng nói, bàn tay trái của ông cầm lấy bàn tay phải đang thõng xuống.
Người nghệ sĩ ấy vẫn mong lắm ngày được cầm cây đàn, được trở lại sân khấu với khán giả…
Khán giả, những người yêu tiếng đàn của Văn Vượng có thể chia sẻ những khó khăn kinh tế trong cuộc sống với ông. Nghệ sĩ Văn Vượng ở tại phòng 211, nhà B9, khu tập Nghĩa Tân, đường Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 098 646 6010, số tài khoản: 150 720 529 7877 (ngân hàng Agribank, chi nhánh Cầu Giấy, chủ tài khoản: Văn Hữu Vượng).
|
Bình luận (0)