Những người Việt Nam ưa chuộng dân ca và cải lương chắc hẳn còn nhớ tới tên nghệ sĩ Hữu Phước, từng một thời nổi danh cùng Thành Được, Út Trà Ôn, Bảy Bá... Hữu Phước là cha của Hương Thanh. Từ nhỏ Hương Thanh tối nào cũng đi xem cha biểu diễn. Cải lương thấm vào máu, vào tâm hồn chị như thế.
Năm Hương Thanh 17 tuổi, ba má quyết định rời VN qua Pháp. "Hồi đó mình khóc quá trời - ca sĩ tâm sự - Lúc đó ra đi nghĩ rằng mộng lên sân khấu biểu diễn coi như là tiêu tan rồi đó". Nhưng với nỗi đam mê ca xướng, cả hai cha con Hữu Phước - Hương Thanh quyết tâm không bỏ nghề và đi tìm khán giả mới. Rồi cũng đến lúc họ tìm được chỗ đứng cho mình: biểu diễn hằng đêm ở một quán ăn Việt Nam tại Paris. Tuy nhiên thành công không dài bao lâu. Các buổi biểu diễn của họ thưa dần. Vào những năm 1990, hai cha con chỉ có dịp biểu diễn duy nhất là khi Hội Người Việt Nam tại Pháp tổ chức ăn Tết.
Cuộc gặp gỡ với Nguyên Lê, một nhạc sĩ ghi-ta gốc Việt có tiếng trong làng nhạc jazz ở châu u, là bước ngoặt lớn trong cuộc đời nghệ thuật của Hương Thanh. Bằng việc thổi vào những làn điệu dân ca do Hương Thanh hát những âm hưởng mới, Nguyên Lê đã giúp Hương Thanh đưa những khúc nhạc này đến nhiều khán giả ở châu u hơn. Từ đó, Hương Thanh lại miệt mài đi tìm hương vị mới cho những khúc ca của mình.
Tháng 5 vừa rồi, lần đầu tiên, tiếng đàn koto được sử dụng để đệm cho những làn điệu dân ca Việt Nam. Những khúc nhạc của Hương Thanh và Mieko Miyazaki trong buổi biểu diễn ở Paris đã đưa khán giả đến một thế giới khác. Họ được du ngoạn qua cả ba miền của Việt Nam, và tới cả xứ sở hoa anh đào.
Lý chim quyên, Lý ngựa ô, Ngồi tựa mạn thuyền, Hoa thơm bướm lượn... và những ca khúc được Hương Thanh thể hiện đều là những tác phẩm cổ truyền quen thuộc với người Việt Nam. Là một ca sĩ cải lương chuyên nghiệp, nhưng trong mỗi buổi biểu diễn Hương Thanh đều trình bày cả những khúc hát dân tộc của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Ở Paris, những khúc hát của chị đem đến cho người Việt sống xa quê hương một cảm xúc đặc biệt. Cảm xúc ấy lại càng mạnh hơn khi ca sĩ, một người sống vì âm nhạc dân tộc, hát bằng cả trái tim của mình. "Người sống xa cội nguồn, người sống xa cội nguồn, ôi đâu còn có gì buồn hơn". Giọng ca réo rắt, mượt mà của Hương Thanh đi vào tận trái tim khối óc người nghe.
Không chỉ người Việt rung động trước những làn điệu dân ca này. Trong buổi biểu diễn có không ít khán giả là người Pháp. Dù không hiểu nội dung các bài hát, họ vẫn bị cuốn đi bởi không khí thân mật, sự duyên dáng của hai nữ nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản. "Tôi có biết nhạc cụ này của Nhật, nhưng đây là lần đầu tôi nghe hát dân ca Việt Nam. Tôi không hiểu lời bài hát, chỉ thấy là ca sĩ có một giọng hát trong như pha lê và có cảm giác mình đang ở một thế giới khác", cô Virginie cho biết. Còn bạn cô, Christiane, nói: "Các khúc ca đều rất giàu âm điệu. Sự thay đổi âm vực rất lạ đối với tôi. Nhưng tôi thấy rất hay, và muốn tìm hiểu rõ hơn về thể loại âm nhạc này".
Bạn đồng diễn với Hương Thanh, Mieko Miyazaki, là một nghệ sĩ đàn koto có danh tiếng. Tự cô soạn ra những nốt nhạc theo tinh thần Nhật Bản cho những khúc hát dân ca Việt Nam do Hương Thanh trình bày. Đàn koto là một nhạc cụ truyền thống của Nhật, âm hưởng của nó có thể so sánh với đàn thập lục, hay đàn tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, cách kết hợp các nốt nhạc theo phong cách truyền thống Nhật Bản đem lại sự mới lạ cho những làn điệu dân ca Việt Nam. "Nhạc dân tộc Việt Nam có âm điệu rất khác với nhạc ở châu u, và với khán giả châu u thì đây là loại nhạc không dễ nghe chút nào - Hương Thanh giải thích - Vì thế, tôi thường thay đổi nhạc sĩ trong mỗi buổi biểu diễn để người nghe được thưởng thức những cái mới, và nếu có một nhạc cụ trong dàn nhạc mà họ đã biết rồi thì họ sẽ quan tâm hơn đến cả buổi diễn, và dần dần với thời gian sẽ làm quen được với những làn điệu dân ca của Việt Nam".
Nhạc dân tộc Việt Nam là nỗi đam mê, là hơi thở của ca sĩ Hương Thanh. Chị không chỉ muốn chia sẻ cảm xúc của mình với người Việt sống xa quê hương, mà còn muốn thật nhiều người nước ngoài biết đến kho tàng văn hóa dân tộc đáng tự hào của đất nước mình. Mexico, Anh quốc, Đức, Ý, các nước thuộc Liên Xô cũ... Hương Thanh đã từng đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới, và khán giả không phải chỉ là người Việt Nam. Chị đã ra được 3 album các khúc dân ca Việt Nam, kết hợp cùng các nhạc cụ dân tộc ở nhiều nước khác nhau. Đó là Tales from Vietnam; One river, two streams; và Moon and Wind. Các tác phẩm của chị đều được FIP lựa chọn ở thể loại m nhạc Thế giới (World Music). FIP là một đài phát thanh Paris chuyên về âm nhạc chất lượng cao có chọn lọc. Đã có lúc đĩa hát của chị bán chạy thứ nhì trong số những nhóm World Music ở châu u.
Thi Hương (từ Paris)
Bình luận (0)