Nghệ sĩ jazz Quyền Thiện Đắc: "Jazz Việt Nam phải gây được tiếng vang"

06/06/2007 22:46 GMT+7

Gặp Quyền Thiện Đắc (ảnh) tại Jazz Minh Club ngay trước khi anh cùng ban nhạc jazz Sông Hồng vào TP.HCM biểu diễn, trông Đắc không thay đổi nhiều so với ngày mới tốt nghiệp trường âm nhạc Berklee (Mỹ). Chàng trai mê jazz vẫn giữ nụ cười cởi mở, phong thái giản dị và ánh mắt vẫn rực sáng khi nói về jazz.

* Trong 3 năm qua, anh đã thử nghiệm khá nhiều màu sắc âm nhạc và đặc biệt thành công với jazz mang âm hưởng dân gian Việt Nam. Vì sao lần này, anh lại chọn jazz đương đại để làm quà hội ngộ cho khán giả TP.HCM? Một sự chuyển hướng chăng?

- Không. Tôi vẫn tiếp tục xoáy sâu vào âm nhạc dân gian, bởi nó làm nên nét độc đáo cho jazz Việt Nam. Chương trình tại TP.HCM mang tên Vertu Jazz Concert (diễn ra một đêm duy nhất tại Nhà hát TP.HCM vào tối 8.6.2007) là jazz đương đại, nhưng cũng đều là sáng tác của những người chơi jazz Việt Nam. Tháng 8 tới, chúng tôi sẽ có một chương trình đa màu sắc tại Nhà hát lớn Hà Nội với cả jazz dân gian lẫn đương đại, còn cuối năm sẽ là live show của Quyền Thiện Đắc và bố Quyền Văn Minh - "Cha và con" diễn ra tại cả Hà Nội và TP.HCM.

* Live show ra mắt công chúng Việt Nam cách đây 3 năm, mục tiêu đơn giản là "báo cáo" kết quả học tập tại Berklee. Còn "Cha và con", anh nhắm đến điều gì?

- Bây giờ thì không phải "báo cáo" nữa rồi. Tôi muốn quảng bá nhạc jazz, muốn chinh phục khán giả nước ngoài, muốn kéo thêm khán giả Việt Nam đến với jazz. Và vì vậy, phải cố gắng gây được tiếng vang!

* Người ta bảo, làng jazz Hà Nội chỉ có Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc mới dám đưa jazz vào Nhà hát Lớn...

- Thực ra, Nhà hát Lớn cũng chỉ là một nơi biểu diễn thôi. Vấn đề là anh có dám đầu tư tâm sức để tạo ra một chương trình nghệ thuật "đáng giá" hay không. Tôi nói rồi, tôi muốn quảng bá nhạc jazz. Một lý do khác: Cảm giác khi mình biểu diễn ở câu lạc bộ và khi đang trên một sân khấu lớn có khác nhau đấy. Nhiều khi, mình cũng phải "thử lửa"...

* Jazz mang âm hưởng dân gian đang ngày càng lôi cuốn khán giả và trở thành trào lưu của những người chơi jazz Việt Nam. Để có một "màu" riêng hẳn không dễ?

- m nhạc dân gian Việt Nam vốn đơn giản. Giai điệu mộc mạc, không trúc trắc. Vậy nên người chơi jazz thường phải sáng tạo một số hòa thanh mới, một số nhịp, tiết tấu chệch khỏi khuôn mẫu. Nhưng cũng cần tỉnh táo. Vì nếu không, tác phẩm của mình dễ biến thành một thứ nửa Tây, nửa ta khó coi lắm. Nói chung, để tạo ra một giọng riêng rất khó. Ngoài năng khiếu trời cho, người chơi jazz phải luôn chăm chỉ luyện tập và chịu khó viết bài.

* Có người nói vui, nếu muốn biết biểu đồ jazz ở Hà Nội lên xuống thế nào, cứ việc nhìn vào bảng thống kê lượng khách đến Jazz Minh Club mỗi tối, tỷ lệ khách ta trên khách tây, thanh niên trên người đứng tuổi…

- Đa số vẫn là người nước ngoài. Thi thoảng mới thấy một, hai đôi bạn trẻ vào nghe nhạc. Có những lúc chỉ vỏn vẹn 10 khách nhưng chúng tôi vẫn chơi. Cát-sê mỗi đêm 140.000 đồng. Nếu chấp nhận chơi pop, rock ở một số nơi khác, có lẽ thu nhập sẽ được cải thiện lên đáng kể. Nhưng, chúng tôi vẫn ở đây, Jazz Minh Club, và chơi thứ nhạc mà mình yêu thích!

Hương Lan
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.