Nghệ sĩ làng biển

23/02/2013 03:15 GMT+7

Nếu ai đó cảm thấy phiền lòng bởi giới trẻ bây giờ không mấy mặn mà hoặc đang dần bỏ quên những môn nghệ thuật của dân tộc thì hãy gặp Hoàng Văn Tú (KP.5, thị trấn Cửa Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị).

Gặp để biết rằng tại sao chưa đầy 16 tuổi mà Tú lại được người dân nơi này vinh danh là “nghệ sĩ” làng biển.

Miền biển Cửa Việt nơi Tú sinh ra là một thị trấn khá nhộn nhịp ở phía đông H.Gio Linh, cư dân chủ yếu sống nhờ con cá, con tôm ngoài khơi xa. Dân xứ biển đông con lại thường toàn con trai, đứa nào mới qua dậy thì có tí sức vóc đều được “tống” ra biển để kiếm miếng cơm chứ chẳng có thời giờ đâu để học tập nói chi chuyện “xướng ca”. Kể ra vậy để biết, một tay chơi nhạc trẻ như Tú ở cái chốn này hiếm và độc đến mức nào.

Nghệ sĩ làng biển
Dù còn trẻ nhưng Tú đã chơi được rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc - Ảnh: Nguyễn Phúc

Tìm về nhà Tú vào buổi sáng đầu xuân, từ đằng xa đã nghe tiếng đàn tranh lảnh lót vọng ra từ ngôi nhà bé xíu, tuềnh toàng bên cửa biển. Theo lẽ thường, đây quả là âm thanh lạ ở làng chài nhưng dường như hàng xóm của Tú đã quá quen với điều này...

Cậu bé có đôi tay thon dài như con gái này sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con. Cuộc sống gia đình trông cậy cả vào gian tạp hóa bán mắm muối ở chợ Tân Lợi của bố mẹ Tú. Dù vậy cả bốn anh trai của Tú đều đang học đại học. Đùng một cái, năm 2012, ông Hoàng Văn Tín (bố Tú) lâm bệnh lao màng não. Không thể để các anh bỏ học giữa chừng cũng như không thể để mẹ dẹp cái tiệm tạp hóa, cần câu cơm của cả gia đình, Tú quyết định nghỉ học khi vừa tốt nghiệp lớp 9.

Từ lớp 1 đến lớp 9, Tú đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Riêng năm học lớp 8 và 9 cậu còn được cử đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn vật lý. “Em rất thích đi học nên quyết định bỏ ngang là điều rất khó khăn, đau khổ đối với em. Nhưng em không tiếc vì nếu không nghỉ thì ai sẽ chăm sóc bố”, giọng Tú xúc động.

Tú kể, từ bé em đã mê nghe nhạc và muốn hát nhưng phải đến năm lớp 6 thì mới mê một cách chuyên nghiệp. Bắt đầu từ khi anh trai đi học xa về tặng cây sáo trúc rẻ tiền, Tú bập bẹ thổi quên ngày đêm.

Thổi sáo thành thục, Tú lại mê sang cả đàn nhị, đàn bầu... nhưng đang tuổi học trò, nhà nghèo, lấy tiền đâu ra để mua nhạc cụ về mà tập. Thế là từ tre nứa, gỗ lạt quanh nhà, sau hàng chục đêm mò mẫm một mình và hàng chục lần thất bại, Tú đã chế tạo được 2 cây đàn này với hình dạng, âm thanh hao hao “đồ thiệt”. Lạ cái, dù tuổi còn trẻ nhưng Tú lại mê nhạc dân tộc, đặc biệt là các làn điệu dân ca 3 miền. Sau 4 năm, giờ đây Tú đã chơi được đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, sáo trúc... và lại chơi rất điêu luyện. “Em thấy bạn bè cùng lứa toàn nghe nhạc mới, trong khi nhạc dân tộc đang bị lãng quên nên em cố gắng học với mong muốn giữ gìn được điều gì đó”, Tú nói.

Tú nói khi sức khỏe của bố hồi phục, em sẽ học tiếp. “Em chưa biết tương lai của mình thế nào, không biết mình sẽ học cái gì và làm cái gì để kiếm sống nhưng em chắc chắn lúc nào mình cũng yêu âm nhạc”, Tú bày tỏ.

Nguyễn Phúc

>> Nghệ sĩ sân khấu vui xuân muộn
>> Nghệ sĩ mê...
>> Khán giả thương nghệ sĩ lạ lùng!
>> Nghệ sĩ mang Tết đến người nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.