Nghệ sĩ Lang Lang kể về tuổi thơ bị cha kêu 'đi chết đi'

Hoàng Thắng
Hoàng Thắng
19/09/2018 08:52 GMT+7

Nhiều người đã quen với câu nói 'Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% nhờ sự khổ luyện'. Thế nhưng, riêng với thần đồng dương cầm Trung Quốc Lang Lang, 99% khổ luyện ấy phần lớn chính là… khổ ải.

Lang Lang, nghệ sĩ dương cầm bậc thầy hiện nay, tay đàn vừa khiến khán giả Hà Nội mê mẩn, say đắm trong thế giới âm nhạc của đêm trình diễn tấu nhạc cổ điển hôm 31.8 vừa qua. Dưới con mắt khán thính giả Việt, anh là một nghệ sĩ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, từ tình tứ, lãng mạn đến bi tráng của một tâm hồn từng trải, sâu sắc và đôi chút thâm trầm. Mọi người ít ai biết rằng, tất cả những kết tinh ấy là kết quả của một cuộc sống phấn đấu rèn giũa mình để thành thiên tài, nhưng lại phải ngụp lặn giữa vô số áp lực và nỗi buồn, ngay từ lúc anh còn thơ ấu.

Nếu bạn mới chỉ là đứa trẻ 4 tuổi, chẳng giỏi giang gì lắm, mà đã có một ông bố bỏ cả nghề ruột, bỏ lại cả vợ để đưa con trai về thủ đô ép con trở thành một nghệ sĩ dương cầm số 1 đất nước trong tương lai. Thậm chí, ông còn “khích” con “nếu không làm được hãy đâm đầu mà chết đi”, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Ngôn ngữ của các nhà tâm lý xã hội gia đình sẽ cho bạn là mẫu con trẻ bị phụ huynh bạo hành tinh thần, bị kỳ vọng thái quá, bị cha mẹ tạo áp lực phải thành đạt cuộc sống. Cậu bé Lang Lang đã bị rơi vào trường hợp ấy. May mắn là cậu không mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, thậm chí tự tử… nên thế giới mới có được một danh đàn như ngày nay.
Nếu đúng như những gì Lang Lang đã kể thì quả thật cậu đã rơi đến mức sâu nhất của hố thẳm tâm lý. Năm lên 9, khi đã được bố đưa về Bắc Kinh học đàn ở Nhạc viện Trung ương, chỉ vì nghe cô giáo dạy đàn chê con mình không có tài năng nên về quê học nghề khác thì hơn, cha của Lang Lang đã làm một điều khiến các bậc làm cha làm mẹ ngày nay nghe mà rởn tóc gáy. Ông đưa cho con hộp thuốc ngủ và nói “Nốc hết đi, mày không đáng sống nữa, mọi sự đã tan tành”.
Hai thầy trò Lang Lang, Peter Leung trong đêm diễn tại Hà Nội Ảnh: BTC  
Khi Lang Lang không nhận thuốc, bỏ chạy ra ban công, ông còn thét với theo: “Thế thì nhảy xuống chết đi!”. Lang Lang kể lại: “Lúc ấy tôi như điên lên, cứ đập đầu vào tường mà không dám lấy tay đấm bởi vẫn sợ hư thứ “công cụ” để trở thành một dương cầm thủ. Tôi ghét mọi sự, ghét cha, ghét chiếc đàn và ghét cả chính mình. Thế rồi không biết tại sao, mà tôi cũng không nhớ nữa, cả cha lẫn tôi đều ngừng lại. Sau đó, tôi tạm thôi chơi đàn, hai bố con bỏ về quê”.

Thế mà bây giờ, ở tuổi 36, Lang Lang đã vượt qua tham vọng của cha mình, trở thành nghệ sĩ độc tấu dương cầm nổi tiếng nhất Trung Quốc đầu thế kỷ 21. Vé các buổi hòa nhạc của anh đã được bán ra ở các thành phố lớn khắp thế giới, đồng thời anh cũng trở thành danh cầm piano đầu tiên của Trung Quốc tham gia dàn nhạc giao hưởng Vienna và Berlin. Lang Lang đã chơi nhạc tại Nhà Trắng cho Tổng thống Obama nghe và trình tấu trước hàng tỉ khán giả toàn cầu tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008. Chính anh đã tạo cơn sốt "Hiệu ứng Lang Lang" khiến 40 triệu sinh viên theo học môn piano cổ điển ở nước này, và trong năm 2009, anh có tên trong danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới trên tạp chí Time.

Giờ đây, Lang Lang sống giữa New York như một siêu sao nhạc Rock, nhưng vẫn không hề quên những ngày tuân thủ chế độ tập luyện siêu nghiêm ngặt lúc bắt đầu sự nghiệp, ông bố siêu tham vọng và khắc nghiệt của mình ở một khu ổ chuột Bắc Kinh khi mới 3 tuổi rưỡi. Sau lần biểu diễn đầu tiên khi ở 5 tuổi, Lang Lang đã bắt đầu đẩy tham vọng của người bố lên cao vút. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi cả cha lẫn mẹ của anh đều là dân nòi trong lĩnh vực âm nhạc. Mẹ luôn muốn trở thành một nhạc công, còn cha đã từng chơi cho dàn nhạc không quân trước khi ông chịu làm cảnh sát vì ngân sách gia đình teo tóp. Có thể thấy Lang Lang vừa sinh ra đã được hai ông bà hi sinh nửa năm lương sắm cho con thứ nhạc cụ xa xỉ thời ấy, dương cầm, mới thấy kỳ vọng mà anh phải gánh nó khốn khổ thế nào. Chính sách một con thời ấy càng đẩy cậu bé “độc đinh” Lang Lang vào vòng xoáy tham vọng cực cao của bố mẹ. Thế là cả gia đình trực chỉ Bắc Kinh, mà Nhạc viện Trung ương là đích đến. 

20 năm, Lang Lang xa mẹ sống với cha trong căn phòng thuê chật hẹp chỉ đủ chứa chiếc giường và đàn piano với tường vây mỏng manh như giấy, khiến hàng xóm cứ phải chửi đổng, đấm thùm thụp vào tường khi cậu bé Lang Lang thức dậy tập đàn lúc 5 giờ sáng. Cậu rất sợ có lúc bị họ tẩn cho mình một trận. 65% thời gian trong ngày là thời gian tập đàn, số giờ còn lại đa phần dành cho… cha con cãi nhau vì tranh luận chuyện tập tành. Tất nhiên có lúc bố giận quá la hét, thậm chí tát con. Cũng may, Lang Lang thú nhận sự thành công đến với mình không phải vì sợ bố mà vì anh quá “nghiện công việc”. Bất mãn vì cô giáo dạy đàn, Lang đã từng bỏ tập 3 tháng, và chỉ có hứng thú chơi đàn lại với một thầy dạy mới sau khi được bạn đồng môn vỗ tay tán thưởng khi chơi một tấu khúc của Mozart. 

Bắt đầu từ đó, mọi sự trở nên suôn sẻ với hai cha con. 19 tháng sau, Lang Lang được nhận vào học viện, lên 10 anh nhận học bổng toàn phần. 15 tuổi họ tiếp tục giấc mộng tại Philadelphia, Mỹ, và khi cậu con ở tuổi 22, ông bố 58 tuổi cuối cùng cũng đã để cậu một mình sống với mẹ, thôi không kèm sát con nữa. Đến giờ, danh cầm thủ Lang Lang vẫn cảm nhận tình yêu cha dành cho mình đúng bản chất truyền thống Á Đông “Yêu cho roi cho vọt” nên vẫn cho rằng “Không cha đố mày làm nên!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.