Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang và chuyện 'hậu trường' sân khấu

14/07/2015 05:31 GMT+7

(TNO) “Thầy Đình Quang là người làm sân khấu dám đương đầu. Chính ông từng cứu vở Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ”, đạo diễn Lê Quý Hiền nói.

(TNO) “Thầy Đình Quang là người làm sân khấu dám đương đầu. Chính ông từng cứu vở Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ”, đạo diễn Lê Quý Hiền nói.

dinh-quangCảnh trong vở Tôi và chúng ta - Ảnh: tư liệu Nhà hát kịch Hà Nội
Khi đạo diễn Hoàng Quân Tạo và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nhận lại kịch bản Tôi và chúng ta, cả hai đều không thấy thoải mái. Sau 11 lần bị cấp trên sửa và yêu cầu sửa, kịch bản đã không còn vóc dáng ban đầu. “Lúc đó là ngay trước đổi mới. Là vở diễn cho nhà hát kịch Hà Nội, đoàn địa phương nên một Thứ trưởng như thầy Đình Quang không được mời duyệt. Nhưng thấy tình hình vậy, cả đạo diễn và nhà viết kịch đều tìm đến để cầu cứu thầy. Lúc đó thầy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhớ lại.
Ông Hiền cho biết, Giáo sư - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đình Quang đọc kịch bản Tôi và chúng ta, rồi tới nơi duyệt vở. Ông coi như không biết gì hết về chuyện vở diễn và kịch bản đã phải sửa tới 11 lần. Ông xem, rồi cho ý kiến về vở trước mặt lãnh đạo của Hà Nội khi ấy. “Thầy phê kịch bản rất nghiêm, nói như mắng học trò. Thầy nói Hà Nội phải xứng đáng là thủ đô. Vì thế, kịch bản phải sửa thế này, thế này. Và sửa đúng như Giáo sư Đình Quang yêu cầu thì giống hệt bản 1 chưa từng sửa”, ông Hiền nói.
Tôi và chúng ta sau đó trở thành vở diễn hút khách, với tiếng nói dũng cảm của những người muốn đổi mới, dám đổi mới tư duy. Nhiều năm sau, nó vẫn là niềm tự hào của kịch Lưu Quang Vũ, của đạo diễn Hoàng Quân Tạo, cũng như của sân khấu Việt Nam. Giáo sư Đình Quang là vậy. Một nhà quản lý văn hóa đồng thời là nhà văn hóa, là người làm sân khấu dũng cảm, hiểu biết.
Điều lớn nhất ông làm cho sân khấu, có lẽ là những lý thuyết về dựng vở mang về từ nước ngoài. Để rồi sau đó, chính ông cũng luôn thực hành, cố gắng sáng tạo trên những lý thuyết đó. Mang phương pháp dựng kịch Stanislavski và Bertolt Brecht về Việt Nam, NSND Đình Quang đã góp phần chuyên nghiệp hóa nghề đạo diễn cũng như các vở diễn sân khấu. Trước ông, các vở diễn sân khấu thường dàn dựng cảm tính. Nhưng sau ông, mọi chuyện đã được chuyên nghiệp hóa.
Theo đạo diễn Lê Quý Hiền, NSND Đình Quang chính là người đầu tiên ở Việt Nam đưa điện ảnh lên sân khấu trong vở Đại đội trưởng của tôi. Ông đã dựng một đoạn phim và chiếu đoạn phim đó trên màn sân khấu trong vở diễn. Khi đại đội trưởng nhớ con, màn hình chạy những hình ảnh cậu bé đứng cạnh chú gà trống… Những hình ảnh liên tiếp chuyển qua cảnh chiến trận một cách hợp lý. Hiệu ứng mãi tới gần đây vẫn còn được sân khấu Việt sử dụng, thậm chí còn cho là mới, song ông đã làm từ rất lâu, từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước.
Là người kỹ lưỡng cả trong mảng miếng, cả trong giải mã kịch bản văn học, NSND Đình Quang thường xuyên yêu cầu các nhà viết kịch phải cụ thể hóa nhân vật của mình. Nếu nhân vật là một phó tiến sĩ, ông yêu cầu tác giả kịch bản phải nói rõ với mình đấy là phó tiến sĩ của ngành nào, bao nhiêu tuổi, kinh tế ra sao. Làm đạo diễn một vở diễn có nhân vật là chủ hàng vàng, ông sẽ đến hàng vàng để cảm nhận thật đúng không gian cần có của một cửa hàng kim hoàn, cũng như tâm thế của một bà chủ. Sau đó, trên chính cái nền ấy, ông gợi mở cho diễn viên để họ tự diễn theo cách của mình.
Tuyệt đối, NSND Đình Quang không thị phạm để làm thay cho nhân vật. Bởi, theo ông, cách thị phạm dù nhanh hơn, đỡ vất vả hơn cho đạo diễn, song lại khiến nhiều nhân vật trở nên giống nhau.
Sau này, ông cũng nói thẳng lo lắng của mình về nguy cơ sân khấu ăn xổi khi một số đạo diễn hễ có chút tiếng tăm là tranh thủ chạy sô. Một vở diễn chỉ được dựng trong vòng vài ba chục ngày. Đạo diễn trẻ thì chưa vững tay nghề. Đạo diễn có chút kinh nghiệm lại khó thoát khỏi cái bóng của mình. Ông nói thẳng trên báo chí những điều đó, không ngại mất lòng. Cho đến những bài viết sau này, những buổi lên lớp về sân khấu sau cuối, dám đương đầu vẫn là phẩm chất sân khấu mà ông không bao giờ chịu mất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.