Các nghệ sĩ Việt thương tiếc NSND Đình Quang

13/07/2015 14:14 GMT+7

(TNO) Ngay sau khi nhận được hung tin NSND Đình Quang qua đời vào đêm 12.7 vì bệnh nặng, nhiều nhà văn, nhà biên kịch đã tỏ lòng thương tiếc ông trên trang cá nhân.

(TNO) Ngay sau khi nhận được hung tin NSND Đình Quang qua đời vào đêm 12.7 vì bệnh nặng, nhiều nhà văn, nhà biên kịch đã tỏ lòng thương tiếc ông trên trang cá nhân.

NSND Đình Quang - Ảnh: TLNSND Đình Quang - Ảnh: TL
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh ngậm ngùi: “1 giờ sáng 13.7, tôi nhận tin đạo diễn, NSND, giáo sư, tiến sĩ Đình Quang qua đời. Vào tuổi 87, anh vẫn chơi Facebook và hầu như cái gì tôi viết trên Facebook, dù là tếu táo đến mấy anh cũng like hoặc comment, chỉ comment vài dòng thôi nhưng gãy gọn, sắc sảo và hóm hỉnh. Tôi có nhiều kỷ niệm gần gũi với anh cả trong chuyện nghề và trong cuộc đời. Anh vẫn gọi tôi tới nhà ăn cơm và kể chuyện tào lao cho anh cười... Anh là cây cổ thụ của sân khấu Việt, là thầy của mọi người thầy hiện giờ của ngành sân khấu và điện ảnh, là vị thứ trưởng Bộ Văn hóa đáng yêu và đáng kính nhất mà tôi biết.
NSND Đình Quang là một trong những người sáng lập và là hiệu trưởng của Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (trước là Trường Ca kịch Dân tộc) rồi sau là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Có một chi tiết rất ít người biết, anh kể với tôi, anh là nghệ sĩ ngâm thơ đầu tiên trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.
Anh từng là trưởng đoàn văn công Bình Trị Thiên thời chống Pháp và hiểu rất rõ người và đất Quảng Bình. Anh là người đầu tiên cho tôi hiểu thế nào là lý luận sân khấu. Rất nhiều vở diễn của tôi được anh xem lần đầu. Còn cơ hội nào nữa để anh lại gọi em tới nhà ăn cơm... Anh Quang...”.
Nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu Phan Huyền Thư cũng thương tiếc ông: “Đúng 20 năm trước, cháu nhảy tàu một mình lên Thái Nguyên theo Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, rồi theo các chú, các bác đi những hội thảo về chèo, về sân khấu... Rồi cũng mon men viết và tham gia các trại sáng tác kịch bản sân khấu...
Bác toàn gọi nhầm cháu là "cái Hoa"... vì trông cháu giống mẹ! Cháu được nghe bác kể biết bao chuyện thú vị , tiếu lâm, hài hước và cả nỗi đau đời... Cháu được bác dạy cho cách cảm thụ những điều tốt đẹp của nghệ thuật, của văn hóa truyền thống... Nhớ nhất là một đêm khuya đi bộ mỏi chân ở suốt dọc con đường bao xung quanh sân vận động thị xã Hải Dương, hai bác cháu cùng đi dự Hội thảo về tác gia Nguyễn Đình Nghị và vấn đề chèo cải lương...
Chỉ vì một khẩu hiệu sơn đỏ trên tường bao sân vận động: "Mỗi người hãy phấn đấu để trở thành người tốt hơn", thế mà hai bác cháu nói suốt cả tuần. Mỗi khi cháu nghĩ đến những điều tốt đẹp mình đã cố gắng làm được, cháu luôn thấy có một phần lời tâm sự, chia sẻ chân tình của bác từ câu chuyện năm ấy! Điều cháu buồn nhất lúc này là vì giấc mơ nhiều linh cảm về bác đã đến với cháu mà cháu không giải mã được nó... Mới chỉ khoảng một tuần thôi ạ! Bác Đình Quang ơi, mỗi người cố gắng trở thành người tốt hơn thì xã hội này, cuộc đời này sẽ tốt dần lên... bác hãy an lòng nhé!”.
Một số vở sân khấu do NSND Đình Quang đạo diễn: Đại đội trưởng của tôi, Tàn đêm, Tuổi hai mươi, Bệnh sĩ, Hão, Người tốt thành Tứ Xuyên, Một đêm giông tố, Quê hương Việt Nam...
Ông còn là tác giả của nhiều vở kịch kháng chiến như Người anh (1947), Bên kia (1949), Lối vườn hoa (1950), Hạt vàng (1951), Khăn tang kháng chiến (1952)...
Các tác phẩm do ông biên soạn: Phương pháp sân khấu B.Brecht, Sân khấu tiểu luận, Còn nhân loại còn văn hoá, Văn hoá nghệ thuật và sự hình thành nhân cách, Văn hoá nghệ thuật và sự phát triển xã hội, Nhận thức về vị trí và xử lý văn hoá trên thế giới, Văn học nghệ thuật Thăng Long Hà Nội, quá khứ và hiện tại…
Các công trình văn hóa lý luận do ông nghiên cứu: Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn (1962), Kỹ thuật tâm lý diễn viên (1968), Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý (1978)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.