Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 2: Nước mắt Thanh Sang

01/11/2011 00:01 GMT+7

Tôi đã phỏng vấn NSƯT Thanh Sang mười mấy năm nay, viết không biết bao nhiêu bài, nhưng quả bất ngờ khi thấy Thanh Sang khóc. Người đàn ông 67 tuổi có tiếng là cứng rắn, khó tính trong giới cải lương, vậy mà giờ ôm mặt như một đứa trẻ.

>> Kỳ 1: “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết

Khóc vì nhớ má

Bây giờ tôi thật sự mới hiểu tại sao Thanh Sang đóng vai Trần Minh hay đến vậy. Đoạn diễn Trần Minh chăm sóc mẹ già, ngồi quạt cho mẹ, thổi bếp than sắc thuốc, nâng đỡ mẹ khi đứng ngồi, cúi mình khi mẹ đánh, và rơi nước mắt vì thấy mẹ đánh chẳng còn đau…, Thanh Sang diễn như không diễn, nhẹ nhàng, đầm ấm từng động tác, từng lời ca. Thì ra anh đã có vai người con hiếu thảo ngoài đời, đã nhập vào tim vào óc, khi lên sân khấu chỉ tự nhiên hiện ra mà thôi.

Thanh Sang lau nước mắt kể: “Gia đình tôi 4 anh chị em nhưng chỉ mình tôi là con trai. Không may ba mất sớm, lúc tôi mới 8 tuổi, nên má tôi càng thương yêu, đi đâu cũng dắt tôi theo, lũn đũn dưới chân như con mèo nhỏ. Sau này khi thấy người phụ nữ nào tay dắt đứa con là tôi lại khóc. Tôi ân hận đã không làm tròn tâm nguyện của má tôi lúc cuối đời. Tâm nguyện đó là về quê một lần, cho mấy đứa cháu một số tiền làm vốn. Nhưng lúc đó tôi chỉ dành dụm được hơn cây vàng, để dành phòng khi má có chuyện gì thì lo hậu sự. Tôi nói má ơi thủng thỉnh đi, để con kiếm thêm tiền. Không ngờ sau đó ít lâu má tôi bị té, nằm luôn một chỗ, rồi mất. Tôi giận mình, phải chi cứ cho má về quê…”.

Thoát khỏi kiếp nghèo

Năm 1964 Thanh Sang về đoàn Dạ Lý Hương và nhận đóng vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long. Chính vai diễn này đã đưa anh đến với giải Thanh Tâm cùng nữ nghệ sĩ Lệ Thủy.

Khi được giải Thanh Tâm, Thanh Sang mới 22 tuổi, chưa vợ, chỉ lo báo hiếu mẹ già và nuôi chị em. Đằng sau ánh hào quang rực rỡ của giải Thanh Tâm năm 1964 vẫn là anh kép Thanh Sang nghèo rớt mồng tơi. Trong khi các nữ nghệ sĩ như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy được giải thì hợp đồng tăng lên gấp đôi, gấp ba, còn Thanh Sang, Diệp Lang thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Bởi họ đang trong độ tuổi bị bắt quân dịch, không ông bầu nào chịu ký hợp đồng dài hạn với họ. Khi đã vô trại lính rồi, Thanh Sang, Diệp Lang phải lo lót cho mấy sĩ quan để mỗi tuần trốn ra vài đêm đi hát. Cát sê hầu hết đem “cúng” cho quan chức, còn một ít mới gửi về nuôi cha mẹ, vợ con. Nhiều năm sau, anh vẫn nặng gánh gia đình. Có cái tết, không có tiền mua thịt cho cả nhà, mà vay mượn ông bầu cũng không cho vì nợ cũ chưa trả. 

Cùng quẫn nhất có lẽ là thời điểm gần 30.4.1975, khi anh quá sợ hãi chiến tranh, định nhắm mắt chặt ngón tay như nhiều người hay làm, như vậy sẽ được giải ngũ. Anh đau lòng nghĩ: “Không lẽ cha mẹ sinh mình ra lành lặn, nuôi lớn lên vất vả, mà mình hủy hoại thân thể, có mang tội bất hiếu?”. May sao, Sài Gòn giải phóng kịp lúc, anh bước khỏi doanh trại quân đội, lòng mang nặng tri ân. Anh nói: “Tôi thật lòng mang ơn cách mạng, không hề nịnh chút nào.


Nghệ sĩ Bạch Tuyết (giải Thanh Tâm năm 1963) trao giải Thanh Tâm 1964 cho Thanh Sang - Ảnh: T.L 

Bởi cách mạng đã đem đến cho tôi 3 điều hạnh phúc. Thứ nhất, giúp tôi thoát khỏi kiếp lính mà vẫn toàn vẹn thân thể. Thứ hai, năm 1989, nhà nước cho tôi đi Pháp cùng 10 nghệ sĩ khác, và cho phép khi về mỗi người mua một chiếc xe hơi. Nhờ bán chiếc xe đó, có lời, làm số vốn ban đầu, tôi mới tiếp tục mua nhà, mua đất, tạo dựng được cơ ngơi ngày nay, thoát khỏi kiếp nghèo. Ơn thứ ba, là nghệ sĩ được trân trọng chứ không bị ăn hiếp như trước. Hồi đó vô nhà hàng là tụi tôi thường bị đám du côn, du đãng gây sự, còn dân chúng thì coi là xướng ca vô loài. Từ ngày giải phóng, đi đâu nghệ sĩ cũng được trân trọng”.

Hóa ra trong lớp vỏ cứng rắn của Thanh Sang, vẫn có một trái tim đa cảm. Lâu lâu gặp đúng lúc anh vui, mới nghe anh kể dài dòng đến thế. Anh còn đọc nhiều câu thành ngữ Hán - Việt rất hay. Rồi lại xoay qua đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan, đọc ca dao... Hỏi chuyện đi hát, anh cười: “Người ta cứ tưởng tôi bệnh, nghỉ hát, nên ít mời, chứ tôi đâu có bỏ nghề. Bây giờ tập luyện nhiều, khỏe hơn rồi, sẵn sàng đi”. Hỏi có chịu đứng chung với lớp trẻ không, anh càng cười: “Trời, Thanh Ngân, Phượng Loan còn đạo diễn cho tôi nữa kìa! Các em không phải Thanh Nga, dĩ nhiên hát không hợp ý tôi rồi, nhưng tôi phải ráng hát cho hợp ý các em. Bởi các em chính là người gìn giữ cải lương sau này. Điều tôi lo nhất là cải lương mai một, cho nên thấy có lớp trẻ tiến lên là lòng vui mừng”.

Những vai diễn để đời

NSƯT Thanh Sang sinh năm 1943 tại Bà Rịa-Vũng Tàu. 17 tuổi, theo gánh cải lương Song Kiều. 1964 về đoàn Dạ Lý Hương, đóng vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, lãnh giải Thanh Tâm.

Cùng nhận giải năm đó là NSƯT Lệ Thủy. Sau 1975, Thanh Sang có những vai diễn để đời như Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Lê Hoàn (Thái hậu Dương Vân Nga), Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga), Võ Minh Thành (Đời cô Lựu).

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.