Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 8: Hồng Nga - tiếng cười và nước mắt

07/11/2011 00:20 GMT+7

Nghệ sĩ Hồng Nga là một trong số ít những cô đào độc lẳng hay nhất của sân khấu cải lương và kịch. Nhưng chị nổi tiếng vì có thể lấy tiếng cười hoặc lấy nước mắt khán giả một cách tài tình.

>> Kỳ 7: Minh Vương chưa "tuyệt tình" với cải lương

Những bà mẹ đau đời

Hồng Nga quá khứ và hiện tại đều là Hồng Nga của những bà mẹ với nỗi đau đời lặng thầm nhưng bao dung, đẹp đẽ. Chị đã từng tung hoành trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình thập niên 90 với vở Tình nghệ sĩ. Đóng vai một bà mẹ lên Sài Gòn tìm con, vừa quê mùa vừa hài hước, thoắt ca vọng cổ mùi mẫn đó rồi thoắt “gây lộn” tưng bừng, báo hại khán giả lau nước mắt chưa khô đã lăn đùng ra cười đau bụng. Vở kịch có doanh thu thuộc hàng “khủng”, đã cứu sân khấu khỏi cảnh lặng lẽ và cũng cứu cả nhà Hồng Nga qua cơn ngặt nghèo. Cũng từ đó chị trở lại sáng chói trên sàn diễn, được mệnh danh là “nữ quái”, chạy sô mệt nghỉ.


Nghệ sĩ Hồng Nga ngày còn trẻ trên sân khấu Kim Chung - Ảnh: nhân vật cung cấp

Hồng Nga vào đời quá lận đận. Mới 3, 4 tuổi đã mồ côi cha, trong đầu chị chỉ nhớ loáng thoáng mờ nhạt một vài hình ảnh. Ngay cả bà mẹ, chị cũng nói là “không biết mẹ ruột hay mẹ nuôi”. Chị sống cùng mẹ ở khu lao động bình dân quận 4, rồi lớn lên về quận 1, quận 10, sau mua nhà tại Bình Dương sống cùng con cháu suốt 20 năm. Chị nếm trải mọi cung bậc của hỷ nộ ái ố, của những tầng lớp xã hội. Có lẽ vì vậy mà chị diễn rất nhập vai.

Chị tri ân ông thầy đờn Tám Đen ở Khánh Hội (Q.4) đã dạy chị ca cổ nhạc từ 12 tuổi, sau này còn cưu mang mẹ con chị khi gánh hát rã phải về nương náu cùng thầy. Bao nhiêu lần rã gánh là bấy nhiêu lần chị dẫn đàn con nheo nhóc ấy trở về khu dân cư lao động tìm sự chở che. Cho nên chị hiểu người lao động, và đem họ lên sân khấu một cách thật đẹp. Lớp vỏ bề ngoài là ăn nói bỗ bã, hành vi thô tháo, nhưng bên trong là trái tim nhân hậu, thương người. Như bà mẹ trong Xóm gà, làm nghề chứa “gái” nhưng lại nuôi đứa con gái đi du học với ước mơ đời nó phải khác đời mình. Bà mới chửi con đó, quay lại đã thấy xách giỏ đi mua cá lóc nấu canh chua cho con ăn. Rồi đi vô nhà vệ sinh trong khách sạn “xịn”, thấy chai nước rửa tay đẹp quá mà đem rửa tay thì... uổng, thế là bỏ vô giỏ mang về để tắm. “Ăn cắp” nhưng hồn nhiên vô cùng. Tự nhiên khán giả đâm thương bà chứ không hề ghét. Bởi nếu bà tham lam, xấu bụng thì đã không cưu mang một cô gái bán hoa mồ côi tội nghiệp. Cô gái đó đã xem bà như mẹ, trong khi đứa con gái ruột ăn học cao trở thành trí thức lại chối bỏ xuất thân và mẹ của mình. Vai diễn của Hồng Nga làm khán giả khóc sụt sùi, nhưng cũng cười hả hê vì quá dễ thương, hài hước.


Hồng Nga vai bà mẹ trong vở Tình nghệ sĩ

Tuổi già tạm bình yên

Hồng Nga ngoài đời thật không khác chi những nhân vật trên sân khấu. Cũng bỗ bã, “giang hồ”, dấu ấn của xóm nghèo Khánh Hội. Nhưng rồi chị khóc ngon lành, nói chuyện gì khơi gợi một chút tâm tư là chị chảy nước mắt. Thấy chị hoa chân múa tay đó, nhưng lại buồn ngay đó. Và đôi mắt, thấy lanh lợi sắc bén nhưng kỳ thật ẩn chứa nỗi gì thăm thẳm, cô đơn. Chị từng có ngôi nhà rộng thênh thang trong mảnh đất mấy ngàn mét vuông ở Bình Dương, nhưng đêm đêm đi hát vẫn chạy xe máy một mình vượt mấy chục cây số trong lạnh lẽo, hiểm nguy, không ai đưa đón. Về tới nhà có khi 1 giờ khuya. Chị lẳng lặng cày bừa để nuôi đàn con, nhất quyết không tái giá lần nữa. Lúc quá nghèo, đã lỡ cho đi hai đứa con gái, người ta mang tụi nó qua Thụy Sĩ sống, may mà gặp lại. Giờ chị đã có cháu ngoại bên đó, coi như nỗi đau phần nào xoa dịu.

Mảnh đất cũng đã bán đi, chia cho các con. Phần chị mới mua lại ngôi nhà hơn 1 năm nay, 6 tỉ đồng với 3 tầng lầu, ở Q.Bình Thạnh, gần nhà NSƯT Thanh Sang, để đi diễn cho gần. Khi thì diễn hài, diễn kịch, khi ra nước ngoài, Mỹ, Úc, châu Âu… Vẫn cày bừa lo cho con cháu chứ chưa được nghỉ ngơi, nhưng xem ra đã an cư một chút. Chị đang ở với con trai, con dâu, cháu nội, và cô con gái út. Vẫn còn phiền muộn đôi chút, nhưng rầy la xong rồi thôi, lại cứ là bà mẹ vui tánh, ca hát vang nhà. Chị trả lời phỏng vấn mà nói oang oang như bạn bè, rồi hát tân nhạc, cổ nhạc một hơi, giọng khỏe khoắn sang sảng, tay chân múa may minh họa hồn nhiên vô cùng. Và ít ai biết chị thường làm từ thiện thoải mái, có khi cho người ta cả chục triệu mà tỉnh bơ, có khi nhờ người giúp việc đem đi, không cần ghi tên ghi tuổi. Chị cười: “Nhờ vậy trời thương mới cho tôi có cơ ngơi như vầy. Thậm chí tôi xin tiền khán giả để cho những ngôi chùa nghèo xây lại, chẳng có gì phải mắc cỡ”. Hồng Nga là vậy, như người bình dân khỏe khoắn mà đi suốt cuộc đời gian truân không hề than vãn.

20 năm gắn bó với sân khấu kịch

Nghệ sĩ Hồng Nga sinh năm 1946 tại Sài Gòn. 12 tuổi học ca cổ nhạc, 13 tuổi đi hát múa trong quán bar Lệ Liễu, 14 tuổi đi đoàn tỉnh, lớn hơn thì chuyển về đoàn Thanh Hương - Hùng Minh, Thống Nhất Út Trà Ôn, Dạ Lý Hương. Sau giải phóng về Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Thanh Minh, Nhà hát Trần Hữu Trang. 20 năm nay gắn bó cùng sân khấu kịch.

Những vai diễn ấn tượng: vợ cai tổng Dần (Ánh lửa rừng khuya), bà mẹ của Chơn (Tiếng hò sông Hậu), cố mẫu (Dương Vân Nga), bà mẹ (Tình nghệ sĩ, Mẹ yêu, Đón con về, Xóm gà)...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.