Nghệ sĩ và những bông hồng cho mẹ

23/08/2015 05:48 GMT+7

Có nhiều nghệ sĩ thường được anh em trong nghề nhắc đến bởi sự hiếu thảo dành cho cha mẹ.

Có nhiều nghệ sĩ thường được anh em trong nghề nhắc đến bởi sự hiếu thảo dành cho cha mẹ.

NSƯT Kim Xuân vai bà Hai, Minh Trí vai Dũng trong vở Cơn mê cuối cùng - Ảnh: H.KNSƯT Kim Xuân vai bà Hai, Minh Trí vai Dũng trong vở Cơn mê cuối cùng - Ảnh: H.K
Vui buồn bên đấng sinh thành
Bạn bè nghệ sĩ rất cảm mến Thành Lộc vì anh rất có hiếu với mẹ. Chẳng những đi làm nuôi mẹ, mà anh còn quan tâm chu đáo, để mẹ thấy ấm áp. Anh nói chuyện với mẹ về sân khấu vì bà đã 80 tuổi không còn đi xem anh diễn được nữa. Anh kể những chuyện vui buồn cho mẹ nghe, coi như đã “dẫn” bà đi một vòng những câu chuyện nghề… Lúc trước, khi mẹ còn sức nấu ăn thì bà thường chăm chút những món mà anh thích, cho nên nhiều khi anh đi diễn, đi quay phim về, dù đã ăn với bạn bè no rồi nhưng anh vẫn ăn thêm cơm nhà, để mẹ vui.
NSƯT Hữu Châu thì luôn làm bạn bè trên Facebook cười đau bụng vì cái kiểu anh “chọc ghẹo” mẹ già. Anh kêu mẹ bằng “chị Gái”, xưng tui, và bày đủ trò cho “chị” vui. Lúc thì giả bộ mua bia của “chị” rồi la làng lên sao “chị” bán mắc quá. Mẹ anh có lệ là sáng thức rất sớm để tụng kinh, và bà gõ chuông khá lớn, Hữu Châu cứ gọi đùa là kẻng trong trại lính. Nhiều đêm anh đi diễn về rất khuya, mới ngủ chập chờn đã bị tiếng chuông làm giật mình, mệt mỏi, thế mà anh không hề cau có, lại lên “phây” viết một bài tưng tửng rồi... ngủ tiếp. Ngay cả việc anh “ở vậy” để nuôi mẹ và nuôi một đại gia đình em út cháu chít cũng là vì lòng hiếu. Vì lòng hiếu ấy mà anh đóng những vai người cha thật cảm động.
Nghệ sĩ Thái Quốc có mẹ già đã hơi lãng đãng và anh tìm mọi cách để chữa cho bà. Không phải bằng thuốc, vì thuốc không hề tác dụng, mà bằng những sinh hoạt đời thường. Như anh cho mẹ nhặt rau, bởi khi bà chú tâm vào việc gì thì bà lại bớt lẫn. Dĩ nhiên sau đó anh kiên nhẫn nhặt lại rổ rau rồi mới nấu. Có khi anh mua hạt nhựa, hạt gỗ về cho mẹ xỏ chuỗi, bà xỏ xong, Thái Quốc đem tặng các em bé ở nông thôn, như thế mẹ anh càng vui vì nghĩ rằng mình vẫn còn có ích cho đời.
Những nghệ sĩ cài bông trắng
Có những nghệ sĩ không còn mẹ nữa, mỗi mùa Vu lan lại cài một bông hồng trắng lên ngực áo mà ngậm ngùi thương nhớ. NSND Ngọc Giàu đã có hiếu từ lúc mới 7 - 8 tuổi. Cha bà làm nghề lái xe cán nhựa đường, mỗi trưa bà đem cơm cho cha thấy nắng như đổ lửa, bà đứng khóc ròng, khấn nguyện: “Trời Phật cho có ai thuê mướn con làm, lương tháng 5 đồng thôi con cũng chịu, để cho ba con bớt cực khổ”.
Không ngờ lời khẩn cầu chí thành của cô bé trở thành sự thật, bà chủ quán bar Lệ Liễu nghe tiếng con nhỏ có giọng ca hay thần sầu đã cất công qua Thủ Thiêm (Sài Gòn) mời về ca trong quán. Thế là Ngọc Giàu có việc làm, được lãnh lương y như lời cầu nguyện.
Lớn lên, cũng một tay bà nuôi cha, hủ hỉ trong căn nhà nhỏ ở đường Phó Đức Chính, Q.1. Khi cha buồn bà ca vọng cổ cho cha nghe vì chỉ có bà là ca vọng cổ giọng Huế đúng sở thích của ông. Cha đã mất mấy năm nay nhưng bà vẫn lui tới Thủ Thiêm, chỗ ở ngày xưa đốt nhang cho cha và giữ cho căn nhà tổ khang trang vì đó là nơi cha đã vất vả tạo dựng. Có lẽ vì thấu hiểu đạo hiếu và sống chí hiếu chí tình, những vai mẹ trên sân khấu của Ngọc Giàu làm khán giả khóc như mưa.
NSƯT Kim Xuân có một vai bà mẹ rất hay trong vở Cơn mê cuối cùng. Vu lan năm nay là lần đầu tiên Kim Xuân cài bông hồng trắng vì mẹ chị vừa mất vào tháng 6. Chị kể: “Những khi đi quay phim xa như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết… tôi lấy xe chở mẹ và em theo luôn, để mẹ cùng đi du lịch. Quay mấy ngày là mẹ vui chơi đủ mấy ngày. Mẹ con tíu tít bên nhau hạnh phúc biết chừng nào. Giờ mẹ mất rồi, đã qua mấy tháng mà tôi vẫn khóc hoài không ngăn được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.