Được biết, lần vào vai Bác Hồ trong vở diễn "Lá đơn thứ 72" ở Nam Ninh đầu tháng 12 vừa qua là lần thứ 178 của ông. Mỗi lần diễn, ông đều cố gắng tìm nét riêng để thể hiện. Khi là khí chất nho nhã văn nhân của Bác để thể hiện những lời răn dạy triết lý trong kịch. Khi là trái tim nhân hậu của một vị cha già dân tộc để thể hiện tình cảm ấm áp. Khi lại là sự đau đáu với thế thời của một vị lãnh tụ…
Gần 200 suất diễn trong và ngoài nước, lần nào cũng như lần nào, hễ nhận được lịch diễn, nghệ sĩ Văn Hải lại nghiên cứu để tạo ra nét khác biệt, song vẫn thể hiện tốt nhất cốt cách, thần thái của Bác, từ phục trang, động tác, giọng nói đến cách thoại… Chính vì thế, mỗi lần vào vai Bác, ông đều cảm thấy mới mẻ, hào hứng như lần đầu tiên.
Vở diễn "Lá đơn thứ 72" của tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn bởi cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và thiết kế bởi cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam kể về vụ án oan được Bác Hồ chỉ đạo điều tra lại từ hơn nửa thế kỷ trước. Lấy bối cảnh miền Bắc những năm 1960 - 1970, 8 năm ròng, người tù số 003 Đỗ Minh luôn chấp hành tốt tất cả nội quy của trại nhưng không ngừng viết đơn gửi Bác Hồ với mong muốn được giải oan. Cuối cùng, lá đơn thứ 72 đã đến tay Bác.
"Có một điều khiến Người chú ý là tác giả bức thư không xin giảm án, chỉ thiết tha được minh oan, luôn đặt niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác. Hàng tháng, anh đều dành dụm số tiền ít ỏi của mình, đề nghị được đóng Đảng phí. Chính nội dung này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Viện trưởng Viện KSND Tối cao điều tra lại vụ án với lời nhắn nhủ: "Bác mong muốn xã hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta đã có độc lập, đã có tự do và bây giờ thì hạnh phúc phải đủ. Khi nhân dân còn gửi đơn thư là còn tin ở chính quyền, ở công lý" (lời thoại của nhân vật).
Vở diễn khắc họa rõ nét tư tưởng, đạo đức, phong cách cùng sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị "cha già" luôn hết lòng vì dân, vì nước, gần dân, quan tâm tới người yếu thế nhất. Lời thoại sinh động, nội dung mang đậm tính nhân văn, thời đại, vở diễn cũng nổi bật bởi diễn xuất của nghệ sĩ Văn Hải, được Ban tổ chức Tuần lễ đánh giá rất cao. Nhiều khán giả, nhất là những khán giả người Việt đã sống lâu năm tại Trung Quốc, đã rơi nước mắt vì cảm động.
Cùng với "Lá đơn thứ 72", sân khấu Lệ Ngọc còn mang đến vở kịch "Lôi Vũ", được viết năm 1933 bởi nhà viết kịch Trung Quốc Tào Ngu. Đây là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của Trung Quốc trong thời kỳ trước chiến tranh Trung - Nhật, mô tả sinh động bối cảnh đời sống xã hội, xu hướng tư tưởng, tâm lý của người dân Trung Quốc tại thời kỳ đó. Cả hai vở diễn đều được đánh giá cao và vinh dự nhận được Huy chương vàng. Diễn viên của vở cũng nhận được Huy chương vàng cá nhân đầy thuyết phục.
Có thể nói, Lệ Ngọc là một sân khấu tư nhân nhưng giàu thành tích nghệ thuật, có bề dày phát triển và hoạt động nghệ thuật phong phú. Trong suốt 10 năm liên tục phát triển, sân khấu Lệ Ngọc cho ra mắt nhiều vở diễn mới tạo ấn tượng và để lại nhiều cảm xúc sâu sắc như: Lôi Vũ, Lá đơn thứ 72, Vụ án người đốt đền, Làm vua, Nước mắt của mẹ, Dế mèn phiêu lưu ký, Cuộc chiến Covid, Vang bóng một thời, Chí Phèo Thị Nở, Tấm Cám, Tình bạn và công lý… Sự lớn mạnh và phát triển bền vững của một sân khấu tư nhân như Lệ Ngọc ở miền Bắc âu cũng là một tín hiệu đáng mừng đối với không chỉ những khán giả yêu nghệ thuật sân khấu ở miền Bắc mà còn là hy vọng của nhiều nghệ sĩ trẻ có thêm "đất", thêm không gian thử nghiệm, tỏa sáng…
Bình luận (0)