Trước khi thử thuốc, các tình nguyện viên sẽ phải ký vào một bản cam kết tình nguyện với nơi tổ chức thử thuốc, kế đó họ được thông báo các thông tin về loại thuốc sẽ được đưa vào cơ thể mình cũng như các phản ứng phụ (nếu có) sẽ xảy ra... Kể từ giây phút bước chân vào phòng thí nghiệm, các tình nguyện viên chính thức trở thành những chú “chuột bạch”...
“Chuột nhập chuồng”
Để trở thành “chuột”, các tình nguyện viên phải trải qua đợt kiểm tra sức khỏe cực kỳ khắt khe. Trước tiên là đo cân nặng, chiều cao, huyết áp, khai tiền sử bệnh, kế đó là xét nghiệm máu, nước tiểu, khám tổng quát đảm bảo không mắc các bệnh gan, thận, tim mạch, lao... Sau khi kết quả thăm khám đạt yêu cầu, các tình nguyện viên được yêu cầu ăn ngủ điều độ, không dùng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích... Tối hôm trước khi thử thuốc, các “chú chuột” chính thức khoác trên mình chiếc áo blu trắng nhập “chuồng”.
|
Phạm Đức Sinh (21 tuổi), năm 4 khoa đa khoa Đại học Dược Hà Nội - một tình nguyện viên vừa tham gia lần thử thuốc gần đây nhất, kể: nhóm bọn em gồm 20 người được “nhốt” trong một căn phòng rộng nằm tại Trung tâm Nghiên cứu tương đương sinh học (Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương) từ tối hôm trước. Mọi sinh hoạt khép kín trong căn phòng này để chờ đến sáng hôm sau thử thuốc. Đầu tiên, các tình nguyện viên được phát thuốc thử để uống, tiếp đó các chuyên gia sẽ đặt ống ven lấy máu. Máu được lần lượt lấy tại các thời điểm phút thứ 3, 5, 10... đến 24 giờ sau khi uống thuốc. Trung bình một ngày sẽ có khoảng 150 đơn vị máu được lấy.
|
Theo các tình nguyện viên, khi thử thuốc thường sẽ gặp những phản ứng không mong muốn, nhẹ thì choáng, buồn nôn, nặng hơn thì mệt mỏi, chán ăn một thời gian sau đó, nhất là khi thử các loại thuốc về tim mạch, nội tiết, tiểu đường...
Trong số hàng trăm tình nguyện viên tham gia thử thuốc, ngoài sinh viên trường dược, y, khá nhiều sinh viên “ngoại đạo” khác từ các trường Bách khoa, Luật, Đại học Quốc gia, Xây dựng... cũng rủ nhau đi làm “chuột”. Hiện có khoảng 50 tình nguyện viên chuyên nghiệp tham gia thử thuốc thường xuyên.
Kiếm tiền cho việc học
Từ năm 2006, khi đang học năm 2 Trường đại học Dược Hà Nội, sau một lần được một người bạn rủ rê, Vũ Bảo Linh bắt đầu tham gia thử nghiệm thuốc. Dù đã gần bảy năm trôi qua nhưng Linh vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc đó. “Hồi hộp xen lẫn với cảm giác vừa run, vừa sợ”, Linh nhớ lại.
Từ việc đi cùng bạn cho... vui, Linh thấy thích vì khoản thù lao không nhỏ sau khi tham gia. Sau Linh, hai người bạn cùng phòng cũng gia nhập “đội quân chuột bạch”. “Hồi đó tụi mình phải chia ca luân phiên phân công nhau: người đi làm “chuột”, người trông nhà, người đi học”. Nhờ đi làm “chuột”, ba anh em đã kiếm đủ tiền trang trải tiền thuê trọ, đóng tiền học, sắm thêm đồ đạc trong nhà... Trong bốn năm sinh viên, Linh đã tham gia khoảng trên 15 lần thử nghiệm thuốc.
Còn Nguyễn Tuấn Anh (sinh viên K63, Trường ĐH Dược Hà Nội) sau một lần tò mò theo các anh chị sinh viên khóa trên tham gia thử nghiệm thuốc đã bị... ghiền và sau đó tham gia rất nhiều lần thử uống tại viện kiểm nghiệm thuốc. “Lần đầu tiên mình sợ lắm, trong đầu lúc nào cũng nghĩ không biết tiêm thuốc vào người có thế nào không, liệu mình có bị mắc bệnh gì không” - Tuấn Anh nhớ lại.
“Nghề này hiểu rõ thì không có gì phải lo lắng cả. Làm “chuột” vừa có tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày vừa giúp mình thu nạp thêm kiến thức về phương pháp đánh giá chất lượng thuốc, phù hợp với tính chất nghề nghiệp của bản thân sau này” - Tuấn Anh lý giải.
Trong lúc đó, do hoàn cảnh, Dương Quốc Huy (sinh viên năm 3 Trường đại học Dược) chủ động tìm đến công việc này để mưu sinh. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông con ở Hà Tĩnh nên Huy phải tự lập từ năm thứ nhất. Sau thời gian dài làm gia sư nhưng thu nhập bấp bênh, nghe bạn bè mách Huy đăng ký làm “chuột” để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần lĩnh thù lao Huy gom lại để đóng học phí và tiền thuê trọ.
Chỉ là thử “tương đương sinh học”
Theo ông Tạ Mạnh Hùng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tương đương sinh học (Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương), thử thuốc tại trung tâm không phải là thử lâm sàng đối với loại thuốc mới mà chỉ là thử “tương đương sinh học”. Theo đó, mỗi loại thuốc mới khi lưu hành được cấp bản quyền sáng chế với thời gian có thể kéo dài tới 20 năm, trong khoảng thời gian đó không công ty nào được phép sản xuất cùng loại thuốc. Khi thuốc này hết bản quyền, công ty khác sẽ sản xuất loại thuốc tương đương cùng hoạt chất. Sau khi thuốc này lưu hành sẽ được thử tương đương sinh học nhằm so sánh chúng với các loại thuốc tương đương trước đó nhưng đã hết bản quyền lưu hành. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về mức bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tài chính... cho tình nguyện viên trong trường hợp rủi ro xảy ra tai biến nghiêm trọng, tử vong... Mặc dù vậy, điểm quan trọng nhất là trong quá trình thử thuốc, tình nguyện viên có quyền thông báo cho người nghiên cứu yêu cầu dừng nghiên cứu bất cứ lúc nào nếu muốn với bất kỳ lý do gì. Lâm Hoài |
Theo Lâm Hoài - Huệ Bạch / Tuổi Trẻ
>> Tình nguyện viên Nhật Bản làm việc tại Đồng Nai
>> Những tình nguyện viên JICA
>> 500 tình nguyện viên Việt - Nhật tham gia trồng rừng
Bình luận (0)